Cách đây 5 tháng em quan hệ không an toàn với một người khi say rượu. Em rất sốc khi có người nói cô gái đó bị HIV. Em rất bất an vì thấy cơ thể mình bất thường. Tất cả biểu hiện về HIV em đọc được ở các tài liệu thì ở cơ thể em đều có. Em rất sợ khi đi xét nghiệm máu. Một thời gian tinh thần dần ổn định hơn em quyết định đến Bệnh viện Huyết học Trung ương để kiểm tra. Hôm đó cách ngày em đã quan hệ không an toàn tròn 5 tháng. Và kết quả xét nghiệm của em là âm tính, như vậy đã yên tâm chưa ạ? (Phú) Ảnh minh họa: News. Trả lời: Chào bạn, Câu hỏi của bạn xoay quanh khái niệm “thời kỳ cửa sổ” trong chẩn đoán HIV bằng xét nghiệm. Các xét nghiệm tầm soát nhiễm HIV thông thường là xét nghiệm gián tiếp, nhằm phát hiện sự hiện diện trong máu của kháng thể kháng HIV. Thông thường, khi HIV xâm nhập vào cơ thể và đủ nồng độ để gây bệnh, HIV sẽ bắt đầu tiến trình sinh sản và phát triển của mình, cùng lúc này, cơ thể bắt đầu nhận biết và sản sinh kháng thể chống lại HIV. Do vậy, việc phát hiện kháng thể kháng HIV trong máu giúp xác định gián tiếp sự hiện diễn của virus HIV. Nếu có mặt kháng thể kháng HIV chứng tỏ người này đã nhiễm HIV trước đó. Ngược lại, nếu xét nghiệm trả lời “không tìm thấy kháng thể kháng HIV” thì câu trả lời gián tiếp là “người đó chưa bị nhiễm HIV”. Quá trình sản sinh kháng thể đòi hỏi một thời gian nhất định, thời gian này gọi là “thời kỳ cửa sổ”. Trong đa số trường hợp, khoảng thời gian này dao động từ vài tuần đến 3 tháng, một số rất ít có thể kéo dài hơn đến 6 tháng. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mốc thời gian 3 tháng được cho là phổ biến và có giá trị trong chẩn đoán trường hợp âm tính, cụ thể như sau: - Hai lần xét nghiệm âm tính cách nhau 3 tháng, không có lần phát sinh hành vi nguy cơ nào trong khoảng thời gian này. - Một lần xét nghiệm âm tính cách thời điểm có hành vi nguy cơ gần nhất ít nhất là 3 tháng. Hai trường hợp này, trên cơ bản, kết quả xét nghiệm âm tính được đồng nghĩa với chẩn đoán “người này không bị nhiễm HIV”. Trường hợp của bạn, theo chia sẻ, đã có kết quả xét nghiệm âm tính vào thời điểm 5 tháng tính từ lần có quan hệ tình dục không an toàn với cô gái nhiễm HIV. Nếu tính từ thời điểm đó cho đến khi làm xét nghiệm, bạn không có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV nào khác, thì kết quả này được cho là “có độ tin cậy cao”, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về kết quả này. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh, không chỉ quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mới là hành vi nguy cơ. Trong lây nhiễm HIV, do tính chất âm thầm của bệnh, tất cả các lần có quan hệ tình dục không bảo vệ với người không rõ tình trạng huyết thanh đều được xem là “hành vi nguy cơ”. Nói cách khác, nếu trong thời gian vừa qua, bạn có quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với một người nào đó, thì kết quả âm tính của lần xét nghiệm này sẽ giảm đi độ tin cậy. Nếu rơi vào trường hợp này, xét nghiệm HIV kiểm tra sau đó 3 tháng là khuyến cáo chung của ngành y tế. Một khuyến cáo khác của CDC – Hiệp hội quản lý Bệnh tật Mỹ, cho rằng bất cứ ai có hành vi quan hệ tình dục nên kiểm tra HIV định kỳ mỗi 3 tháng. Lựa chọn hành vi tình dục vốn phụ thuộc vào từng cá nhân, và là quyền của mỗi người chọn cho mình những hành vi phù hợp. Để tránh có những lần “lo lắng, bất an” hay thậm chí “hoang mang vì những biểu hiện giống HIV”, tôi khuyên bạn nên chọn cho mình những biện pháp tình dục an toàn, trong đó, bao cao su luôn được xem là "người bạn" đáng tin cậy. Thân ái. Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ Nguồn VNExpress