Tại IDF 2013, Intel bàn về… di động; Trong khi đó đồng hồ thông minh đã đổ bộ xuống IFA 2013, báo hiệu tới thời thiết bị điện toán đeo trên người; iPhone 5S/5C ra đời, smartphone cao cấp vào cuộc đua mới… Samsung đã nhảy vào thị trường đồng hồ thông minh với sản phẩm đầu tay Galaxy Gear. Bao trùm lên tất cả là thông tin về hai vụ thâu tóm “đình đám”, đẩy cuộc chiến di động dần thành thế chân vạc. Đầu tháng 9, khi quyết định rời bỏ vị trí CEO Microsoft của Steve Ballmer vẫn còn dư âm, cả thế giới lại bất ngờ với việc tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới quyết chi hơn 7 tỷ USD để mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia. Cuối tháng, cựu hoàng di động BlackBerry công bố đã đạt được thỏa thuận “bán mình” với giá 4,7 tỷ USD, chỉ sau ít ngày công ty ra thông báo cho nghỉ việc 1/3 số nhân sự hiện có (khoảng 4.500 nhân viên) cùng báo cáo lỗ gần 1 tỷ USD trong quý 2. Nếu thương vụ thành công, BlackBerry sẽ trở thành công ty tư nhân. Khi không còn bị các nhà đầu tư soi xét, chủ mới sẽ dễ bề tái cấu trúc công ty, tập trung vào thế mạnh giải pháp bảo mật dành cho doanh nghiệp. Từng dẫn dắt thị trường smartphone, được định giá trên 100 tỷ USD vào năm 2007 khi iPhone chỉ mới trình làng, BlackBerry nay đã chịu khuất phục trước Apple và các nhà sản xuất Android. Còn Microsoft thì đang nuôi tham vọng nối gót Apple và Google xây dựng hệ sinh thái, vừa cung cấp nền tảng vừa sản xuất phần cứng, nhằm kiểm soát tốt hơn các sản phẩm được tung ra cạnh tranh trên thị trường. Thương vụ với Nokia là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển thành công ty thiết bị và dịch vụ của Microsoft. Công ty vừa ra mắt Surface thế hệ 2 dù đã thất bại với lứa máy tính bảng đầu tiên. Smartphone cao cấp: đua chip, camera và bảo mật Các chiến binh xuất sắc liên tục được tung ra cùng với sự xuất hiện của iPhone thế hệ mới đang làm nóng cuộc đua phân khúc cao cấp. Smartphone Android tiếp tục trào lưu màn hình lớn, vượt trên 5 inch, trong khi Apple vẫn “điềm nhiên” trang bị màn hình 4 inch cho iPhone 5S/5C. Lớn hơn thì tốt hơn, nhưng quan điểm “điện thoại là để dùng một tay” vẫn chưa cũ, nhất là khi máy tính bảng đang ngày càng phổ biến. Kỷ lục 9 triệu iPhone mới bán ra trong chỉ 3 ngày gây nhiều tranh cãi về cách tính, nhưng rõ ràng rất nhiều người dùng không hề thất vọng dù Apple vẫn giữ nguyên kích thước màn hình cho iPhone. Chẳng những thế iPhone lại mở ra những cuộc đua tranh công nghệ mới như chip xử lý 64 bit, bảo mật vân tay... Không tham dự cuộc đua vi xử lý bốn nhân với các đối thủ Android, nhưng Apple đã tạo ra bước ngoặt khi đem vi xử lý 64 bit đầu tiên lên di động. Chip xử lý A7 64 bit vẫn là hai nhân, nhưng theo Apple đã tăng tốc độ gấp 5 lần thế hệ chip A6 tiền nhiệm. Về phía Androi, chip 4 nhân Snapdragon 800 đã là “não bộ” tất yếu của các siêu chiến binh mới được trình làng, như Galaxy S4 LTE-Advanced và Galaxy Note 3 của Samsung, Xperia Z1 của Sony, G2 và Vu 3 của LG. Những siêu phẩm Galaxy S4, HTC One ra đời trước mấy tháng đang chịu “thiệt” vì chỉ tích hợp chip Snapdragon 600. Được Qualcomm giới thiệu hồi đầu năm tại triển lãm CES 2013, Snapdragon 800 tích hợp CPU 4 nhân Krait 400 xung nhịp 2,3GHz và GPU Adreno 330 đang là chip di động mạnh nhất. Thực tế, số nhân của chip xử lý nhiều khi còn mang tính tiếp thị. Hồi năm ngoái, khi chưa có lựa chọn chip 4 nhân của Qualcomm, HTC đã dùng chip 4 nhân Tegra 3 của Nvidia cho HTC One X để “lấy tiếng”. Tuy nhiên, One X từng được đánh giá là smartphone “đỉnh” nhất, nay giá bán chỉ còn một nửa. Camera “khủng” cũng là một cuộc đua mới đối với các dòng smartphone cao cấp. Camera tích hợp trên Nokia Lumia 1020 có cảm biến lên tới 41MP. Các nhà sản xuất Android cũng đua nhau tăng “chấm”: Xperia Z1 được Sony trang bị camera 20,7MP; G2 và Vu 3 của LG, Galaxy Note 3 và S4 của Samsung đều được trang bị camera 13MP. Nhưng số lượng megapixel còn mang tính tiếp thị chứ không hẳn là đại diện cho chất lượng ảnh, vì kích thước điểm ảnh sẽ nhỏ lại khi số “chấm” tăng cao, làm giảm khả năng bắt sáng. HTC hướng sang việc tăng kích thước điểm ảnh, giúp tăng khả năng bắt sáng với công nghệ Ultrapixel. Công ty tự tin camera 4MP trên HTC One vẫn đảm bảo chất lượng cho ảnh chụp nhờ cảm biến có kích thước tương đương với cảm biến trên các camera 13MP của các smartphone khác. Cũng như HTC, thay vì chạy theo “chấm”, Apple chỉ trang bị cho iPhone 5S camera 8MP nhưng cải tiến cảm biến với điểm ảnh lớn hơn. Nhiều công nghệ tiên tiến đang được áp dụng cho camera trong smartphone (tham khảo bài viết: “Công nghệ camera tích hợp trong smartphone” – TGVT số tháng 9/2013). Cảm biến nhận diện dấu vân tay Touch ID, tích hợp ngay trên nút Home của iPhone 5S, mở ra phương thức tăng cường bảo mật nhưng hết sức tiện dụng cho chiếc điện thoại nay đã thành cửa ngõ dẫn đến những thông tin quan trọng của người dùng. Đây sẽ là trào lưu mới cho các thiết bị di động, bao gồm cả xác thực trong các giao dịch trực tuyến. Cuộc đua đồng hồ thông minh Đồng hồ thông minh gây được sự chú ý tại Triển lãm công nghệ IFA 2013 với hai tên tuổi mới là Samsung và Qualcomm sau những cái tên Pebble, Sony. Samsung trình làng Galaxy Gear và nhà sản xuất chipset Qualcomm gây bất ngờ với chiếc smartwatch mang tên Toq. Sony tranh thủ giới thiệu Smartwatch thế hệ 2 với vài nâng cấp nhỏ. Galaxy Gear hoạt động kèm với smartphone của Samsung như Galaxy Note 3, có vai trò là màn hình phụ dùng để điều khiển từ xa và xem thông tin từ smartphone. Galaxy Gear được trang bị camera 1,9MP hỗ trợ quay phim độ phân giải 720p; có loa và microphone kết nối bluetooth với smartphone để gọi điện thoại. Cấu hình gồm màn hình Super AMOLED 1,63 inch độ phân giải 320 x 320; chip xử lý Exynos 800MHz, lưu trữ dung lượng 4GB. Toq hiện chỉ tương thích với thiết bị Android, có khả năng đồng bộ với smartphone để hiển thị các thông báo, thông tin người gọi, tin nhắn... Pin được gắn trong dây đeo, thời gian hoạt động của đồng hồ từ 3 đến 5 ngày. Toq tích hợp microphone bluetooth để gọi điện thoại. Đồng hồ Qualcomm sử dụng màn hình mirasol tiết kiệm điện hơn so với các công nghệ màn hình khác. Chip ARM Cortex-M3 200MHz cũng góp phần tăng thời lượng pin cho Toq. PC World VN, 10/2013 IDF 2013 – Intel hướng tới di động Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Intel năm nay (IDF 2013) tập trung vào di động. Những chủ đề chính được trình bày và thảo luận xoay quanh tiêu thụ điện năng thấp, kết nối tốc độ cao và di động thế hệ mới. CEO Intel, ông Brian Krzanich hứa hẹn chip Core i thế hệ thứ 5, tên mã Broadwell, phát triển trên nền công nghệ 14 nm sẽ tiết kiệm 30% điện năng tiêu thụ so với chip Haswell hiện tại. Hơn nữa, PC dùng chip Broadwell, xuất xưởng vào giữa năm sau, sẽ không cần tới quạt làm mát. Đó là cơ hội để PC mini thế hệ mới, Intel gọi là NUC (New Units of Computing), sẽ thay thế những chiếc PC để bàn cồng kềnh tốn điện. Ultrabook “2-trong-1” hứa hẹn sẽ có thiết kế mỏng hơn, hiệu năng cao hơn với chip Atom Bay Trail. Chip di động mới của Intel được thiết kế dựa trên vi kiến trúc Silvermont, sản xuất theo qui trình 22 nm, hỗ trợ cả nền tảng Android và Windows. Intel kỳ vọng chip Atom Bay Trail mới sẽ cạnh tranh được với chip nền ARM đang được dùng chủ yếu cho các loại máy tính bảng. Tuy nhiên, Atom được Intel giới thiệu từ năm 2008 cùng với khái niệm thiết bị kết nối Internet (MID – Mobile Internet Device), và ultrabook được Intel khởi xướng từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa đem về lợi thế cho Intel trong cuộc chiến di động. Hướng tới thời mọi thiết bị đều kết nối Internet (Internet of Things), Intel giới thiệu vi xử lý Quark tiêu thụ điện năng cực thấp. Quark sẽ là SoC 14 nm đầu tiên trên thế giới. Theo Intel, so với chip Atom hiện tại, Quark có kích thước chỉ bằng 1/5 và tiêu thụ điện năng chỉ bằng 1/10. Dù vậy, thiết bị tiêu thụ điện năng thấp phần lớn đang dùng chip ARM. Và chưa thấy chỗ của Intel trên sân chơi smartphone, khi người khổng lồ chip mới chỉ có thể nói về mẫu máy Lenovo K900. Ngành công nghiệp PC đang thoái trào, và Intel đã bắt đầu hướng sang di động, con đường mà các đối thủ đã tiến bước từ vài năm trước. Nguồn PC World VN