Một mặt trăng nhỏ xoay quanh sao Hải Vương "mất tích" cách nay hơn 20 năm, đã được nhìn thấy trở lại trong các bức ảnh do kính viễn vọng không gian Hubble chụp, hãng tin UPI dẫn lời các nhà khoa học cho biết ngày 10/10. Các nhà nghiên cứu tại Viện SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence - Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất) đã nhìn thấy Naiad, vệ tinh nằm trong cùng của sao Hải Vương. Mặt trăng Naiad (trong vòng tròn trắng) bên trái sao Hải Vương vừa được tái phát hiện sau hơn 20 năm - (Ảnh: Viện SETI) Thiên thể nhỏ bé này có bề rộng gần 100km, được quan sát lần cuối cùng bởi camera trên tàu vũ trụ Voyager 2 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), cũng là lần phát hiện ra nó, vào năm 1989. Sử dụng công nghệ giúp loại bỏ độ chói sáng của sao Hải Vương, hành tinh sáng hơn Naiad đến 2 triệu lần khiến cho sự quan sát từ Trái đất đối với Naiad gặp khó khăn, các nhà khoa học của SETI đã lần ra dấu vết của vệ tinh nhỏ bé Naiad trong loạt tám tấm ảnh được Hubble chụp lại hồi năm 2004. "Kể từ khi tàu Voyager rời hệ hành tinh Hải Vương thì Naiad là mục tiêu khó nắm bắt", nhà khoa học Mark Showalter của SETI cho biết trong báo cáo về phát hiện trên tại cuộc họp thường niên của nhóm nhà khoa học hành tinh thuộc Hiệp hội Thiên văn học Mỹ trong tuần này. Được biết, sao Hải Vương là hành tinh thứ 8 và cách xa mặt trời nhất, được phát hiện vào năm 1846. Trong hệ mặt trời, nó là hành tinh lớn thứ 4 về đường kính và lớn thứ 3 về khối lượng. Vào giữa tháng 7 năm nay, NASA công bố phát hiện mặt trăng thứ 14 của nó nhờ vào những hình ảnh ghi lại bởi kính Hubble. Mặt trăng này được đặt tên là S/2004 N 1, có bề ngang ước tính khoảng 19,3km, là mặt trăng nhỏ nhất trong hệ thống Hải Vương tinh. Nguồn VNExpress