Nhiều vụ tàn phá lớn nhỏ bởi thiên thạch đã xảy ra suốt chiều dài lịch sử chục tỷ năm tồn tại Trái đất. Nhiều phương án đối phó cũng đã được nghiên cứu. Nhưng, cho tới nay, mối đe doạ đó vẫn hiện hữu và con người vẫn đang trông chờ vào sự may rủi của số phận… Các “vị khách không mời” Sau hơn một trăm năm thiên thạch lại làm “khách không mời” đến thăm nước Nga. Vị khách không mời đầu tiên “thăm” đất nước này năm 1908, chính xác khoảng 7h sáng ngày 30/06/1908, tại vùng Tunguska, thuộc Siberia, miền Đông bắc nước Nga, là một tiểu hành tinh, một mảng thiên thạch cỡ lớn. Nó bay ngang qua Trái đất ở khoảng cách khá gần, 5 - 6km và phát nổ. Sức mạnh của vụ nổ đã thổi bay một diện tích rừng lớn trong vòng bán kính 20,9km, tàn phá toàn bộ nhà cửa, người và gia súc trong vòng 2.000km vuông. Hình ảnh thiên thạch rực cháy trên bầu trời nước Nga. “Vị khách” thứ hai vừa đến ngay sau ngày lễ Valentine năm nay, cũng vào buổi sáng, khoảng 9 giờ 30 ngày 15/2/2013. Theo thông báo của cơ quan khẩn cấp địa phương, thiên thạch với đường kính non 15 mét, trọng lượng khoảng 7.000 tấn đã lao vào khí quyển với vận tốc 64.000km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24km so với mặt đất, gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời của các tỉnh Chelyabin, Tyumen, Kyrgan, Sverdlovsk và nhiều địa phương dọc rặng núi Urals. Thiên thạch cháy trên bầu trời trong vùng dọc dãy nũi Uran, nước Nga. Tiếng nổ của thiên thạch phát ra ánh sáng chói lòa trên bầu trời, tạo nên một sóng chấn động lớn, làm vỡ nhiều cửa kính và làm hư hại nặng nhà cửa, các trường học, bệnh viện, nhà máy kẽm, sân vận động khúc côn cầu trên băng… Riêng tỉnh Chelyabin, có 100.000 nhà ở, bệnh viện và trường học bị vỡ kính cửa sổ hoặc hỏng mái với tổng thiệt hại ước tính lên hơn 1 tỷ rúp (hơn 33 triệu USD). Cũng theo thông báo trên, vụ nổ thiên thạch xảy ra có sức công phá hơn 300-500 kiloton, tương đương với 20 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, nước Nhật năm 1945. Theo hãng tin RIA Novosti, có hơn 1.200 người dân ở các địa phương bị thương, trong đó 2/3 số người do các mảnh kính vỡ hoặc các vật liệu khác bị sóng chấn động từ vụ nổ thiên thạch thổi bay và 50 người phải nhập viện. Nhưng, "Ơn Trời, không có vật gì rơi vào khu vực có người sinh sống" (lời của Tổng thống Vladimir Putin). Thiên thạch đã rơi xuống một hồ nước nằm ngay bên ngoài thị trấn Chebarkul thuộc tỉnh Chelyabinsk, tạo ra một miệng hố rộng 6 mét trên lớp băng bao phủ mặt hồ. Giới khoa học Nga cho biết trong hai thế kỷ 19 và 20, trên thế giới và ở Nga đã có hàng trăm lần mưa thiên thạch, nhưng thường xảy ra vào ban đêm và không gây thiệt hại lớn về người và của. Các nhà thiên văn học nhận xét rằng, trong hai thế kỷ 19 và 20, trên thế giới và ở Nga đã có hàng trăm lần mưa thiên thạch, nhưng thường xảy ra vào ban đêm và không gây thiệt hại lớn về người và của như lần này. Cách gây thương vong cho con người cũng thật là mới lạ và hình như chưa có tiền lệ nào như vậy trước đây. Miệng hố do thiên thạch tạo ra trên băng trong vùng dọc dãy nũi Uran, nước Nga. Một đặc điểm khác nữa, sự kiện thiên thạch vừa nói trên xảy ra trong thời kỳ hiện đại, nên các phương tiện ghi tiếng, ghi hình và video đã kịp thời lưu lại khá phong phú những gì đã xảy ra trên bầu trời và cả dưới mặt đất ở nhiều góc độ khác nhau. Những thông tin thu được đó sẽ được phân tích, nghiên cứu và cho những số liệu khoa học rất bổ ích trong thời gian tới. “Vị khách” mới - thiên thạch 2012 DA 14? Theo tính toán đã công bố của các cơ quan nghiên cứu vũ trụ các nước, thiên thạch 2912 DA14 sẽ bay ngang Trái đất cũng trong ngày 15/2/2013, nên nhiều đặt câu hỏi phải chăng chính thiên thạch này là “vị khách” không mời mà đến của nước Nga lần này. Tuy nhiên, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu có trụ sở ở Thành phố Darmstad, CHLB Đức, vụ nổ thiên thạch vừa xảy ra ở miền Trung nước Nga hoàn toàn không liên quan gì đến thiên thạch 2012 DA14. Trước hết, quỹ đạo bay của thiên thạch 2012 DA14 cho đến tối ngày 15/2/2013 theo giờ Mỹ (tức sáng 16/2 theo giờ Việt Nam) còn cách trái đất khoảng không dưới 27.700km với tốc độ 28.000 km/h. Trong khoảng cách ấy, tuy nó khá gần trái đất hơn cả những vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, nhưng vẫn còn rất xa Trái đất và không thể gây ra những tàn phá nào như vụ xảy ra sáng ngày Thứ Năm 15/2/2013 vừa qua. Đặc biệt, như Tiến sĩ Robert Massey thuộc Hội Thiên văn Hoàng gia cho biết, "Mưa thiên thạch ở Nga di chuyển từ Đông sang Tây, trong khi đó thiên thạch DA14 2012 lại di chuyển từ Bắc xuống Nam". Đó là dẫn chứng xác đáng và khoa học để khẳng định Thiên thạch DA14 2012 không phải là thủ phạm của vụ “khủng bố” ở nước Nga lần thứ hai ngày 15/2 vừa qua. Các nhà thiên văn cho rằng, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Được biết, thông tin về thiên thạch 2012 DA14 đã được phát hiện vào năm ngoái và vẫn đang được theo dõi sát sao. Một câu hỏi nữa cần đặt ra nữa là, một cơn mưa thiên thạch rơi xuống Trái đất để lại hệ luỵ khá lớn như vụ xảy ra ngày 15/2/2013 tại sao các cơ quan thiên văn không dự báo trước? Chúng ta hy vọng các nhà thiên văn học sẽ đưa ra đáp án trả lời trong thời gian sớm nhất. Nguồn VNExpress