Hương hoa sữa gắn với mùa thu, là nét đẹp được nhiều người xa quê thương nhớ. Tuy nhiên, mật độ trồng quá dày ở nhiều con phố Hà Nội và các tỉnh thành khác khiến cư dân bị "tra tấn" bởi mùi hắc. Tháng 9-10 là thời điểm hoa sữa nở rộ nhất. Dọc các con phố Hà Nội như Duy Tân, Nguyễn Chí Thanh, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lò Đúc... cây hoa sữa lưng chừng tầng 1, tầng 2 nhà dân, cách vài mét có một cây. Hiện từng cây đơm hoa trắng thành cụm xum xuê, gió heo may đẩy hương hoa bay xa. Người đi đường thi thoảng ngửi một chút hương hoa sữa cảm thấy thích thú, còn những người dân sống cùng nó lại đang khổ sở. Ông Trung, bảo vệ một công ty máy tính trên phố Duy Tân (Cầu Giấy), luôn mang sẵn khẩu trang trong túi để dùng khi không chịu nổi mùi hoa sữa. "Ban ngày hương hoa dịu hơn, đêm xuống mùi như tra tấn khiến tôi đau đầu. Nhà nghỉ cạnh đây phải đóng kín tất cả cửa phòng, cửa chính đi vào chỉ mở một nửa để chắn cái mùi đó", ông nói. Hoa sữa có lông, dễ phát tán trong không khí. Trẻ em, người già có thể bị hen suyễn nặng hơn. Ảnh: Phan Dương. Con phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) dài chừng 1,7 km, cách vài mét có một cây hoa sữa, cả phố có khoảng trăm cây. Sinh sống trên phố này, chị Liên than thở, hoa sữa nặng mùi đến nỗi chị bị nhức đầu, chóng mặt, bán hàng cũng phải bịt khẩu trang. Buổi trưa mùi hoa dịu còn chợp mắt được đôi chút, chứ lúc đêm về chị mệt mỏi không ngủ được. "Hoa nở trắng xóa, rụng xuống ban công phòng tôi. Mấy ngày nay, tôi phải sang phòng con gái ngủ", chị cho biết. Quán nước nhà chị Liên cạnh các trường đại học, ban đêm khá đông khách. Từ hôm hoa sữa rộ, buổi tối chị không dám bán hàng. Phần vì khách ngại hương hoa không đến, phần vì chủ quán không chịu được mùi hương đậm đặc. "Hoa sữa giống như mùi sầu riêng. Người ăn được thì thấy ngon, người không chịu được thì buồn nôn", chị so sánh và cho biết đã phải chặt bớt một số nhánh nhỏ mọc về phía nhà mình, tỉa bớt hoa nhưng cũng không giảm được hương nồng. Những hôm sau trời mưa là khi hoa sữa nồng nhất. Cả đường Quán Thánh có khoảng 100 cây hoa sữa. Bà Mai sống trên phố này kể, cháu bà hơn 3 tuổi, cứ đến mùa này là ngứa ngáy. Những người bị bệnh ho hen nặng lại càng lâu khỏi bởi hương sữa. Phố Nguyễn Chí Thanh có hàng trăm cây hoa sữa. Vào mùa nở, cuộc sống người dân ở đây trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Phan Dương. Không chịu được hương hoa sữa, có người đã ép cho cây chết yểu như đục gốc, đổ dầu nhờn, hóa chất vào cây. Thế nhưng cây này bị phá thì cây khác được trồng thay thế, thành ra chiều cao của hàng cây sữa cả con phố Quán Thánh cứ lô nhô, không bằng nhau. "Nhiều người nói trồng hoa sữa vì loài này dễ sống, tán đẹp, lớn nhanh, lại có hương thơm. Tôi thì thích nhất trồng cây sấu như đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, vừa đẹp, vừa có quả ăn", một người dân nói. Trước đây, ở Trà Vinh từng có vụ "kiện hoa sữa" vì loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến không gian sống, đặc biệt là với sức khỏe người già trẻ em. Nhiều lần đưa ra chính quyền không được xử lý, các hộ dân đã đâm đơn kiện ban ngành đô thị tỉnh Trà Vinh vì trồng cây gây ô nhiễm môi trường. Tại TP Đà Nẵng, cuối năm 2011, chính quyền đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh. Theo lương y Vũ Quốc Trung (thành viên hội Đông y Việt Nam), hoa sữa có nhiều tác hại với sức khỏe. Cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Hoa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở. Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn. Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn. Lương y Trung cũng bày tỏ, nếu trong một khu phố nhỏ có một cây hoa sữa thì sẽ dễ chịu, nhưng trồng nhiều cây dễ phản tác dụng. Người bị ho hen, viêm xoang và đau đầu, buồn nôn, có thể nguyên nhân từ việc hít nhiều hương hoa sữa. Phan Dương Nguồn VNExpress