Lời tiễn biệt trong sổ tang Tướng Giáp

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 9, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 448)

    "Hôm qua con tới nhưng đã ra về vì không kiên nhẫn chờ đợi. Đi về mà lòng day dứt. Hôm nay con lại đến viếng Bác, nước mắt không dám rơi vì đứng trước vong linh của người anh hùng, quả đấm thép tinh thần phải thật thép", Thương viết.


    Thương là sinh viên tại Hà Nội, đã xếp hàng để chờ đến lượt viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt 2 ngày qua. Cô là một trong số khoảng 40.000 người đã được vào căn nhà 30 Hoàng Diệu ở Hà Nội để thắp hương và viết lời tiễn biệt ông. Bên trong nhà, nơi đặt bàn thờ vị tướng, đoàn người nối nhau vào đặt hoa, phúng viếng, rồi đi vòng ra chờ đến lượt được ghi vài dòng vào sổ tang. Trên những bàn tiếp khách, các cuốn sổ tang dày cộp đã được viết đầy xếp thành từng chồng. Nhiều cuốn khác được mở sẵn để khách viết lời chia tay.

    [​IMG]

    Khách viếng xếp hàng chờ đến lượt viết vào sổ tang lời tiễn biệt Đại tướng. Ảnh: P.H.


    Một chàng trai vừa viết, vừa lau nước mắt, môi mím chặt để ngăn cảm xúc không vỡ òa. Anh không để ý là cả trang giấy đã thấm ướt tự lúc nào. Chỉ vài dòng chữ ngắn gọn chạy trên giấy nhưng anh mất nhiều phút tần ngần: "Đại tướng như vị thánh đủ sức cảm hóa mọi người. Mong Bác yên nghỉ, con nguyện sẽ sống theo gương của Người. Cháu Quang". Quang năm nay 27 tuổi, một viên chức ở Hà Nội, chia sẻ là đàn ông phải giấu cảm xúc nhưng anh không thể ngăn được nước mắt. Anh đã xếp hàng 5 tiếng đồng hồ mới đến lượt vào viếng.

    Cùng cảm xúc đó, chị Cao Thu Hà (Pháo đài Láng, Hà Nội) viết: "Bác ơi, từ bốn phương mọi người tụ về ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Tất cả chung một cảm xúc nghẹn ngào, thương tiếc. Tại sao vậy Bác? Vì Bác là Đại tướng của nhân dân mà. Trong giờ phút đau thương này có nói gì cũng không đền đáp được công lao trời biển Bác đã dành cho tổ quốc, cho đồng bào. Bác mãi là vị tướng tài giỏi, nhân từ và đôn hậu".

    Ở bàn bên cạnh, cô gái Nguyễn Thị Kim Huế nắn nót, môi mím thật chặt để không khóc thành tiếng. Huế viết như thủ thỉ với người đã mất: "Lần đầu tiên cháu được biết đến ông là khi 5 tuổi. Ông còn nhớ Kim Bình, Tân Trào, Tuyên Quang chứ ạ. Cháu đã sinh ra ở mảnh đất gắn với bao chiến công lừng lẫy của đất nước. Những chiến công vẫn còn đó mà Bác ơi. Bác là một nhân chứng lịch sử. Dù chúng cháu sinh ra không có chiến tranh, bom đạn nhưng cháu biết những gì bác đã trải qua...".

    Lời cuối cùng trong lời tiễn biệt, Huế viết: "Tôi tự hào được sinh ra trên mảnh đất anh hùng sản sinh ra người con vĩ đại của dân tộc. Một con người làm nước Việt Nam rạng rỡ trên bản đồ quân sự thế giới".

    [​IMG]

    Lời từ biệt của một bạn trẻ trong sổ tang. Ảnh: P.H.


    5 ngày sau khi Tướng Giáp qua đời, nhiều người vẫn không muốn tin sự thật này. Dòng chia sẻ được một khách ghi trong cuốn sổ: "Đại tướng, con đã bật khóc khi biết tin Bác rời xa đất nước. Đến tận giờ phút này con vẫn không tin điều đó là sự thật... Từ khi cắp sách tới trường, học những bài về lòng yêu nước con đã biết đến Đại tướng. Người là vị anh hùng, vị cha già thứ hai của dân tộc. Không thể nói hết được những công lao to lớn của Người dành cho đất nước. Hình ảnh, sự hy sinh của người là bất diệt trong con và những người Việt Nam yêu nước. Con mong Đại tướng yên nghỉ và luôn dõi theo phù hộ cho đất nước, cho toàn thể dân tộc Việt Nam".

    Cái nắng mùa thu của Thủ đô không thật gay gắt nhưng gió hanh khó chịu. Thế nhưng, nắng không làm nhụt chí của đoàn người xếp hàng trước nhà riêng của vị tướng để chờ đến lượt mình vào thắp hương. Gương mặt những người trung tuổi, các cụ già ánh lên vẻ trầm mặc, xót xa. Những bạn trẻ bày tỏ sự thành kính.

    Một cựu chiến binh là cựu giám đốc kho bạc nhà nước Bắc Ninh viết vào sổ tang: "Kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Đại tướng. Cầu mong linh hồn Người siêu thoát nơi vĩnh hằng. Xin chia buồn với gia đình cùng tang quyến. Vĩnh biệt vị Đại tướng huyền thoại. Đại tướng còn mãi trong lòng nhân dân Việt Nam".

    [​IMG]

    Một khách viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ghi vào sổ tang. Ảnh: P.H.


    Không ít người "tức cảnh sinh tình", phóng bút làm nên những vần thơ về Đại tướng trong số tang. Trong đó bài thơ "Tìm đâu" được tác giả viết bằng nét chữ rắn rỏi:

    "Chết mà vì nước, chết vì dân
    Chết ấy làm trai hết nợ nần
    Tìm đến bên tai lòng nặng trĩu
    Buồn lịm con tim triệu triệu dân

    Bác đã đi xa biệt cõi trần
    Mà Người vẫn nhớ tới quân dân
    Đất nước non sông đau lòng quá,
    Tổ quốc mất đi một vĩ nhân

    Người tướng của dân, rất quý dân
    Lấy dân làm gốc được mọi phần
    Học tập Ức Trai, người cũng thế
    Đức Bác thấm từng thớ thịt dân

    Bác mất đi dân tiếc muôn phần
    Lá vàng trút xuống trải đầy sân
    Ngõ vườn nhà Bác người nườm nượp
    Già trẻ gái trai bước chậm dần..."

    Anh Nguyễn Văn Đoàn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng làm 4 câu thơ với tựa đề "Cháu về viếng Bác": "Cháu về viếng Bác một chiều thu / Ngậm ngùi đưa tiễn phút phân ly / Cháu mong hồn Bác cùng hồn nước / Phù trợ giang sơn mãi yên bình".

    Đoàn người viếng Đại tướng đều có chung cảm giác xót thương, kính trọng và cả hy vọng về tương lai. "Sự ra đi của Đại tướng là một tổn thất lớn cho nhân dân Việt Nam và quốc tế. Tình cảm của đồng bào cả nước dành cho Đại tướng làm tăng thêm sức mạnh đoàn kết dân tộc", anh Phạm Tuấn Cường chia sẻ lời phúng viếng.

    Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tá Lê Văn Hải cho biết, có khoảng hơn 40.000 người đã vào viếng vị tướng tại nhà riêng, kể từ buổi chiều đầu tiên mở cửa cho khách đến ngày 8/10. Trong đó, chiều 6/10 khoảng 7.000 người vào thắp hương; ngày 7/10 ước chừng 15.000 người; ngày 8/10 trên 20.000 người đã viếng.

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Lời tiễn biệt trong sổ tang Tướng Giáp

Share This Page