USB 3.1 đạt 10Gbps nhưng liệu đã đủ nhanh

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Oct 9, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 363)

    Việc công bố chính thức phiên bản kế tiếp của chuẩn kết nối với tốc độ cao hơn gấp hai lần, nhưng liệu USB 3.1 có thể vượt qua cái bóng lớn của Thunderbolt hay không.


    [​IMG]
    Sau một thời gian dài xem xét, cuối cùng nhóm phát triển chuẩn USB 3.0 đã chính thức tuyên bố hoàn thiện các thông số của USB 3.1 mới đồng thời cho phép các nhà sản xuất sử dụng. Trong khi đây không phải là thứ quá mới bởi bản thân USB thế hệ tiếp đã được hé lộ lần đầu từ hồi đầu năm, việc công bố chính thức sẽ cho phép các nhà sản xuất bắt đầu tung ra những thế hệ sản phẩm tích hợp chuẩn tốc độ cao hơn này.

    USB 3.1 – tốc độ nhanh gấp đôi

    [​IMG]
    USB 3.1 sẽ có tốc độ lên tới 10Gbps đủ để đáp ứng phần lớn SSD và thiết bị lưu trữ ngoại vi RAID hiện tại.
    Khi tung ra thị trường, USB 3.1 sẽ có mang những tên gọi thương mại khác như SuperSpeed USB 10Gbps. Dù vậy, nó sẽ vẫn tương thích ngược với thế hệ USB 3.0 hay thậm chí là USB 2.0 chậm hơn. Theo các nhà phát triển USB 3.0 Promoter Group (hiện gồm Hewlett-Packard, Intel, Microsoft, Renesas Electronics, ST-Ericsson, và Texas Instruments), bí quyết của mức tốc độ mới này là nhờ một cơ chế mã hoá dữ liệu hiệu quả hơn đã được ứng dụng. Hệ quả là tốc độ 10Gbps mới sẽ cho phép USB 3.1 bắt kịp với Thunderbolt (vốn đang hiện diện trên hầu hết các máy tính Mac trên thị trường) trong khi lại có mức giá rẻ và tính đại trà đặc biệt cao. Bên cạnh đó, khả năng sử dụng năng lượng của thiết bị USB 3.1 cũng được cho là sẽ hiệu quả hơn nữa so với USB 3.0 hiện tại. Dù vậy, nhiều ý kiến phân tích cho rằng mức cải thiện sẽ là không đáng kể.
    Dù vậy, một thực tế đáng buồn cho USB đã diễn ra là chuẩn “Tia sét” dường như vẫn nhanh chân hơn với một thế hệ mới có tốc độ lên tới 20 Gbps. Bất chấp việc những quảng bá “USB 3.1 đã ngang tốc độ của Thunderbolt” đang xuất hiện khắp nơi trên các trang công nghệ, Thunderbolt thực tế vẫn có những ưu thế riêng mà USB không thể đánh bại – không chỉ ở mức tốc độ mới của Thunderbolt 2.

    USB 3.1 sẽ vẫn chỉ là… USB

    [​IMG]
    Thunderbolt sẽ vẫn là kết nối ưu việt hơn xét ở phương diện kĩ thuật
    Nếu coi USB 3.1 hay Thunderbolt (dù là 1) là những con đường thì cả hai đều có chung một giới hạn tốc độ 10Gbps. Tuy nhiên trong khi USB chỉ có một kênh lưu thông thì Thunderbolt lại có tới bốn - mỗi kênh có thể truyền tải 10Gbps dữ liệu. Nói cách khác, nếu kết nối cả bốn kênh này, bạn có thể truyền dữ liệu tới và lui ở mức 40Gbps – ngưỡng mà USB có mơ cũng không thể chạm tới được. Trong điều kiện lý tưởng (kết nối 4 thiết bị Thunderbolt cùng lúc), Thunderbolt có thể nhanh gấp 4 lần USB 3.1. Tình hình này sẽ còn “tệ” hơn khi Thunderbolt 2 xuất hiện. Với việc “chập” hai làn dữ liệu làm một, dù băng thông tổng thể không tăng hơn, băng thông tối đa cho mỗi thiết bị đơn sẽ nhanh hơn gấp đôi - ở mức 20 Gbps – gấp đôi so với ngưỡng 10Gbps của một thiết bị USB 3.0. Hơn nữa, cơ chế quản lý băng thông và xử lý dữ liệu của Thunderbolt cũng ưu việt hơn USB nhiều – điều sẽ cho thấy hiệu quả vượt trội thực sự trong các trường hợp sử dụng trong thực tế (gần tương tự như cách IEEE1394 với USB 2.0 trước đây). Đó là còn chưa kể những ưu thế về độ dài cáp, tốc độ truyền tải/khoảng cách, khả năng kết nối thiết bị nối tiếp, khả năng nâng cấp lên cáp quang học… của Thunderbolt.
    Dù thế, USB 3.1 vẫn sẽ có ưu thế về tính đại trà – kế thừa từ các thế hệ trước đó. Trong khi đó Thunderbolt vẫn phổ cập một cách chậm chạp trên các nền tảng Mac và lác đác có mặt trên máy tính cá nhân với Windows. Chính vì thế, nó khó có thể đạt tới ngưỡng thông dụng như đối thủ. Bản thân các nhà phát kiến – điển hình là Intel cũng duy trì hai loại hình giao tiếp này cho hai phân khúc nhu cầu thị trường hết sức khác nhau. Trong khi Thunderbolt hướng tới giao tiếp nhỏ gọn với tốc độ cực cao có thể thay thế các loại giao tiếp khác và có mức băng thông đủ để xử lý nội dung hình ảnh số hạng nặng (Thunderbolt 2 có thể xử lý tốt cả phim 4K) thì USB 3.1 lại hướng tới mô hình giao tiếp đa tính năng, tiện dụng cho phép tương thích số lượng khổng lồ các thiết bị ngoại vi – kể cả điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị chuyên dụng mà không cần quá cầu kì về vấn đề chuẩn mực hay giá thành. Nói cách khác, USB 3.1 cũng như các đàn anh của nó sẽ là chuẩn giá rẻ hướng tới số đông người dùng trong khi Thunderbolt phù hợp hơn với những người dùng có nhu cầu cao và thực sự chuyên biệt. Đây cũng là nhóm đối tượng có đủ khả năng tài chính để chi trả cho những thiết bị ngoại vi cao cấp và đắt đỏ – mà Thunderbolt cũng nằm trong đó.

    USB 3.1 – chưa phải câu chuyện một sớm một chiều

    Về cơ bản, Thunderbolt vẫn sẽ vượt trội hơn đáng kể so với USB 3.0 do là sự kết hợp của PCI-Express, DisplayPort và tín hiệu điện vào chung một giao tiếp. Nói cách khác, người dùng có thể sử dụng linh hoạt cổng Thunderbolt theo nhu cầu hay thậm chí dễ dàng có được kết nối USB 3.0 từ cổng Thunderbolt trên máy tính nhưng điều ngược lại là không khả thi. Điển hình là Apple Thunderbolt Display cho phép không chỉ hiển thị hình ảnh ở 2560x1440 mà còn có USB 2.0, Firewire 800, Gigabit Ethernet… tích hợp hay các loại Dock của Belkin hoặc Matrox cho phép xuất nhiều cổng USB 3.0 ra từ một đường Thunderbolt duy nhất.

    Khi những số liệu chi tiết cuối được công bố, dĩ nhiên các nhà sản xuất có thể bắt tay vào việc. Tuy nhiên, người dùng sẽ chưa thể tiếp cận USB 3.1 mới – ít nhất là trong năm nay. Theo chính nhóm phát triển chuẩn USB, phải tới cuối 2014, chuẩn này mới có thể được đưa ra thị trường một cách thực sự - dù có thể chỉ là dưới dạng giới hạn. Trong khoảng thời gian từ giờ tới lúc đó, các nhà sản xuất sẽ phải nỗ lực tích hợp USB 3.1 vào các thiết kế chip của mình, đặc biệt là Intel và AMD. Sau đó, những thiết kế mới này mới có thể được đi vào dây chuyền bán dẫn khi chuyển tới những nhà sản xuất thiết bị cuối (bo mạch chủ, MTXT, thiết bị số…) để có thể hiện diện trên thị trường. Dĩ nhiên, tương tự như những gì đã xảy ra với USB 3.0, một số nhà sản xuất chip thứ ba như ASMEDIA, NEC… có thể sẽ cung cấp các giải pháp ghép với chip rời trước khi những chipset hệ thống có tích hợp sẵn USB 3.1. Đây là một trong những động lực hiếm hoi có thể giúp người dùng có nhu cầu cao về tốc độ giao tiếp USB sớm được thoả mãn.
    Trong khi đó, về phần mình, Apple vẫn đang tích cực thiết kế và tối ưu các sản phẩm với Thunderbolt 2 của mình – điểm hình là Mac Pro với lịch ra mắt vào cuối năm nay. Thunderbolt 2 cũng sẽ trở nên thông dụng trên nền tảng Mac vào cuối 2014. Tuy vậy, với những gì Thunderbolt 1 đã và đang làm được, nó vẫn sẽ thừa sức hài lòng dân chuyên ngay cả vào lúc này. Thực tế, ở thời điểm hiện tại, sở hữu hệ thống Thunderbolt hoàn chỉnh vẫn là … ước mơ của nhiều người – chưa cần nói tới Thunderbolt 2.

    PC World VN, 09/2013

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - USB 3.1 đạt 10Gbps nhưng liệu đã đủ nhanh

Share This Page