Tướng Giáp - người đàn ông tình cảm trong gia đình

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 8, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 443)

    Không chỉ là một vị tướng tài danh, đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người ông, người cha hết lòng vì con cháu, sống giản dị và gần gũi với mọi người.


    Bà Mạc Thúy Hường - con dâu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vợ cậu con trai út Võ Hồng Nam - khóc khi chia sẻ. “Tôi gần gũi với ba Giáp còn hơn bố đẻ vì bố tôi mất từ trước khi tôi lấy chồng. Tôi sống với ba đã hơn 30 năm. Ba là người rất tuyệt vời, yêu vợ và các con, các cháu. Với tôi, ba luôn coi như con gái". Người con dâu nghẹn ngào nói rằng bà thường xuyên chăm chút khu vườn vì ba Giáp thích cây cối, chim muông. "Tôi trồng cây, làm hồ cá, chăm sóc phong lan… nhưng giờ ba đâu còn để ngắm nữa”, bà Hường nghẹn lời.

    Cháu bà Hường là Quỳnh Hương, một nhà báo. Với Hương, tướng Giáp là người ông rất hiền từ. Quỳnh Hương thủa nhỏ thường xuyên qua nhà 30 Hoàng Diệu chơi cùng dì và hai em trai. “Chỉ cần là người trong gia đình, ai cũng có thể đi vào tất cả các ngóc ngách trong nhà, chơi với ông. Ông sống không hề tách bạch mà rất yêu trẻ con”, Quỳnh Hương chia sẻ.

    [​IMG]

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cháu trai Võ Thành Trung.


    Cô cháu gái nhà thông gia nhận xét khả năng văn võ song toàn của tướng Giáp không chỉ thể hiện ở ngoài xã hội mà trong chính gia đình nhỏ. Ông đặc biệt chú trọng việc trồng cây, bảo vệ môi trường và khuyến học. Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu như một công viên bách thảo thu nhỏ với hàng trăm loại cây do các chiến sĩ, nhân dân ở căn cứ địa cách mạng cũ gửi ra tặng. Tướng Giáp ươm trồng một khu kim giao và gửi tặng cây giống cho các nơi. Ông rất quý trẻ con nhưng tuyệt đối cấm các cháu leo trèo, bẻ cành tước lá. Các cảnh vệ cũng được yêu cầu không bắn chim, trêu sóc. Vì thế, khu vườn nhà tướng Giáp rất nhiều chim về làm tổ.

    Tướng Giáp có 3 thói quen là đi dạo trong vườn nhà, chơi piano và đọc sách. Trong thư viện của ông có rất nhiều đầu sách cao cấp nhưng cũng không ít cuốn dành cho trẻ con. Những quyển sách tự viết hoặc người khác chấp bút, ông đều để dành một ít, viết tên từng cháu và dặn dò các con, khi nào cháu đến tuổi phù hợp thì cho đọc.

    Tướng Giáp luôn đặt tên con cháu theo ước vọng về đất nước. Người con trai Võ Điện Biên được lấy tên theo sự kiện lịch sử 1954. Hai con gái Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc thể hiện mơ ước về ngày hạnh phúc của đất nước. Người con út Võ Hồng Nam là niềm mong ước một miền Nam rực cờ hồng. Hai con của Võ Hồng Nam được đặt tên là Võ Hoài Nam - nhớ mong miền Nam và Võ Thành Trung như lời thề nguyền tận trung với nước. Hoài Nam và Thành Trung được cha dạy võ từ năm 3 tuổi theo truyền thống con nhà võ nên khi lớn lên đều trở thành những thanh niên cường tráng.

    Sinh thời, tướng Giáp luôn canh cánh tâm nguyện giúp đỡ con em các vùng chiến khu nghèo khó. Con cháu ông, đặc biệt là con út Võ Hồng Nam, thường làm từ thiện âm thầm không trống giong cờ mở, với sự giúp đỡ của bạn bè doanh nghiệp.

    Ông Tấn Định, gọi tướng Giáp bằng cậu, kể Đại tướng là người vĩ đại khi ra ngoài xã hội nhưng trong gia đình lại rất tự nhiên, gần gũi và tình cảm như một người ông, người bác bình thường, rất quan tâm đến chuyện trường lớp của các cháu. Ông Định ra ở cùng tướng Giáp khi đã vào quân ngũ. Mỗi lần gặp cháu, tướng Giáp lại ân cần hỏi han chuyện đơn vị, vợ con.

    "Ông là một người lính thực thụ, luôn đề cao kỷ luật quân đội. Tuy nhiên với con cháu, ông có cách dạy rất nhẹ nhàng. Chưa bao giờ thấy ông nặng lời quát mắng, chỉ nghiêm mặt nói là tất cả đã nghe theo răm rắp", ông Định nhớ lại.

    [​IMG]

    Mẹ con nhà báo Vũ Quỳnh Hương trong lần tới thăm vợ chồng tướng Giáp.


    Tướng Giáp còn là người nặng tình, nặng nghĩa. Trong nhà ông trưng bày rất nhiều kỷ vật về bà Quang Thái - người vợ đầu đã hy sinh - để nhắc nhở các thành viên gia đình không được quên bà. Ngày 27/7, giỗ, tết là dịp cả gia đình cùng tưởng nhớ bà Quang Thái. Khi vẫn còn đi lại được, tướng Giáp thường cùng người vợ sau là phó giáo sư Bích Hà lên nghĩa trang Mai Dịch, bất kể nắng mưa, để nhổ cỏ, lau mộ, thắp hương cho bà Thái.

    Trong hồi ký của mình, ông Tấn Định miêu tả một lần gia đình tướng Giáp thăm lại nơi giam giữ bà Quang Thái: "Hằng năm, cứ vào tiết thanh minh là cả nhà lại cùng cậu tôi lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ người thân, trong đó có mộ mợ Quang Thái... Lần này, cậu tôi muốn thăm Nhà lao Hỏa Lò trước khi viếng mộ ở Mai Dịch... Cậu tôi đề nghị tất cả cùng chụp ảnh kỷ niệm ngay tại khoảnh sân dưới chân Đài tưởng niệm... Sau ít phút, chúng tôi đã có mặt trước cửa phòng biệt giam các nữ tù chính trị. Theo lời giới thiệu của chị Dơn (hướng dẫn viên) thì mợ Quang Thái từng bị giam cầm tại căn phòng này... Trong lúc mợ Hà đang lúng túng cài những bông hồng đỏ lên khe nhỏ của các cánh cửa sắt, cậu tôi vẫn đứng im phăng phắc, mắt dõi nhìn về phía bệ xi măng bên trong phòng biệt giam như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc...".

    Ông Định viết tiếp: "Cậu tôi đứng đó, tay phải vịn lên mép cửa sổ của cánh cửa sắt, tay trái cậu như đang lần tìm thứ gì ở trong túi của áo khoác ngoài. Tôi đoán là cậu đang tìm chiếc khăn mùi xoa mà trước khi lên xe mợ Hà đã cẩn thận đặt vào đó, và cuối cùng tôi đã tìm được chiếc khăn ở túi áo bên kia đặt vào tay cậu. Cậu tôi cầm lấy chiếc khăn, rồi từ từ đưa lên thấm khô những giọt nước mắt vừa trào ra từ đôi mắt già nua đang nhòe ướt... Bỗng cậu tôi đứng thẳng người lên, bỏ chiếc mũ len xuống cầm tay, và đầu hơi cúi xuống. Tất cả không ai bảo ai đều tề chỉnh đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm. Chị Hồng Anh quay sang định nói gì đó với cậu tôi, nhưng mãi chị không nói được thành lời"...

    Theo ông Định, hồi ký này được viết khi tướng Giáp tròn 101 tuổi. Gia đình yêu cầu chia thành từng phần nhỏ đọc cho ông nghe và được ông rất thích.

    Ngọc Trần - Phương Linh

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tướng Giáp - người đàn ông tình cảm trong gia đình

Share This Page