Chàng trai mê tê tê hơn… vợ

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 18, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 568)

    Thứ hai, 18/2/2013, 06:11 GMT+7
    [​IMG]
    [​IMG]
    Sinh ra ở Cúc Phương, suốt tuổi thơ gắn bó với rừng, chứng kiến nhiều loài động vật bị săn bắt để lấy thịt, làm thuốc, Nguyễn Văn Thái rất trăn trở về nạn phá rừng ở Việt Nam. Khi theo học ĐH Nông nghiệp, có cơ hội tiếp xúc với nhiều tài liệu về bảo tồn, Thái xin về Cúc Phương thực tập. Ở đây, anh gặp được Tilo Nadler, nhà nghiên cứu Đức, người thành lập Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở VN, niềm đam mê càng ngấm sâu hơn vào Thái. Và khi ra trường anh xin hẳn về trung tâm bảo tồn thú ăn thịt và tê tê đặt tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
    [​IMG]
    Nguyễn Văn Thái tại Australia's National University, Canberra, Australia. Anh vẫn mặc chiếc áo đồng phục của Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê Cúc Phương.
    Không phải ngay từ đầu Thái đã biết đến con tê tê. “Trước đó, tôi thích làm về con voọc lông trắng, loài đặc hữu chỉ có ở Vườn quốc gia Cúc Phương, rất hiếm, khi ấy chỉ còn khoảng 100 cá thể”. Nhưng lúc đó trung tâm này đã đủ người nên Thái xin chuyển sang làm tê tê. “Khi đã gắn bó với con này thì quên hết con kia luôn”, Thái cười.
    Rồi anh phân tích, thực chất người ta đã biết mọi điều về voọc lông trắng, trong khi thế giới của tê tê vẫn còn rất nhiều bí mật. Tê tê là loài sống trong lòng đất, hoạt động về đêm, diện thức ăn rất hẹp, chỉ có kiến, mối. Việc nuôi nhốt, cho tê tê sinh sản cho đến nay vẫn chưa có nơi nào thành công tuyệt đối. Có những tê tê con đã được sinh ra, nhưng rồi sống được không quá 10 tháng. “Khi ba cá thể đầu tiên được mang tới, tôi nghĩ mãi cách để chăm sóc và nuôi sống chúng. Chúng ăn kiến, nhưng ngoài ra còn cần gì nữa không?”, Thái nhớ về thời gian đầu thành lập trung tâm cứu hộ.
    Vì điều kiện khó khăn như thế, nên số lượng tê tê hiện tại chưa đánh giá được. Theo nghiên cứu của nhóm Thái, ở VN chỉ còn hai nơi phát hiện ra động vật này là Vườn quốc gia U Minh Hạ và Vườn quốc gia Cát Tiên. Vảy tê tê là một trong những nguyên liệu được ưa chuộng để sản xuất thuốc đông y, nên loài vật này càng rơi vào tình trạng nguy cấp, bị săn bắt tràn lan. Thái đang quản lý dự án thả tê tê ở Cát Tiên, gắn thiết bị theo dõi lên những con vật được thả trở lại tự nhiên. “Trong quá trình làm, khi hiểu biết thêm về loài này thì tôi càng yêu hơn và gắn bó hơn với công việc”.
    [​IMG]
    Nguyễn Văn Thái (góc trái) được in hình lên bìa cuốn "Wildlife Heroes" nói về những người bảo tồn động vật trên toàn thế giới.
    Hiện Thái quản lý toàn bộ hoạt động cứu hộ động vật ở Trung tâm bảo tồn thú ăn thịt và tê tê Cúc Phương, tham gia các nghiên cứu về động vật và tìm kiếm tài trợ cho các chương trình. Bên cạnh đó, anh còn giảng dạy, tập huấn cho sinh viên, kiểm lâm về kỹ năng bảo tồn nghiên cứu và kỹ năng xử lý động vật sau khi tịch thu. Hình ảnh Nguyễn Văn Thái trìu mến nâng niu con tê tê được đưa lên trang bìa cuốn “Wildlife Heroes”, giới thiệu 40 nhà nghiên cứu, bảo tồn động vật hàng đầu thế giới, do hai tác giả người Mỹ viết, xuất bản năm 2012.
    Làm ở Trung tâm Cứu hộ Thú ăn thịt và tê tê được vài năm, chàng trai sinh năm 1980 nhận được học bổng đi Anh học một năm, chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn và cứu hộ động vật. Sau đó, Thái sang Đại học Quốc gia Australia (Canberra) học Master theo chương trình Australian Development Scholarship. Khóa học hai năm này đem lại nhiều kiến thức hơn cho anh, cả về kinh tế, môi trường, giúp anh có cái nhìn mở hơn. “Trước nay tôi cứ nghĩ là phải làm thế nào để bảo vệ con này, không quan tâm đến những cái khác, nhưng giờ thì tôi biết có rất nhiều lựa chọn khác nhau, và phải tìm ra lựa chọn nào tốt nhất”.
    Thái đánh giá cao ngành học bảo tồn động vật ở ba nước Australia, Mỹ, Anh. Anh cũng có nhiều cơ hội làm việc và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia từ các vườn thú ở Anh, Autralia. Anh dự định sẽ học tiếp lên bậc Tiến sĩ, nhưng sẽ làm nghiên cứu, thu thập số liệu ở VN.
    [​IMG]
    Hiện chỉ còn 8 loài tê tê trên toàn thế giới, trong đó có 2 loài sống tại Việt Nam.
    Vẫn còn nhiều trăn trở, nhưng Thái cho rằng ý thức về bảo vệ thiên nhiên, động vật ở VN hiện nay đã có chuyển biến tốt. “Sau khi mất loài tê giác vào năm 2010, người VN trân trọng tự nhiên hơn và có nhiều hoạt động để bảo tồn hổ, sao la. Nhiều người quan tâm đến vấn đề bảo tồn hơn”, Thái nói đầy hứng khởi. Anh cho biết hiện giờ có khá nhiều chương trình tình nguyện để giúp bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, các đường dây nóng được thiết lập để nhận thông báo về những trường hợp chặt phá rừng hoặc săn bắt trái phép động vật hoang dã. “Rất nhiều người VN đã tham gia tích cực vào những hoạt động đó, giúp công tác bảo tồn thuận lợi hơn”.
    Gặp Thái ở khuôn viên ngôi trường anh học ở Canberra, Australia, anh khoe nụ cười trắng lóa trên gương mặt sạm nắng gió: “Con trai tôi hơn 3 tuổi rồi nhưng đến giờ vẫn chẳng quan tâm gì đến con tê tê cả. Bé chỉ mê những con vật to lớn, nhiều màu sắc thôi. Hy vọng sau này bé cũng như bố, tình yêu với tê tê sẽ ngấm dần, ngấm dần. Trong nghề của tôi, có những người dành 30 năm chỉ nghiên cứu một con vật. Tôi ngưỡng mộ những con người đó và được truyền niềm đam mê, nhiệt huyết từ họ”.
    Mai Liên
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Chàng trai mê tê tê hơn… vợ

Share This Page