Hai đứa mới hẹn hò uống nước được 5-6 lần. Trong lần gặp vừa rồi đột nhiên anh cầu hôn, tôi né tránh nhưng anh chụp tay tôi và lấy ra chiếc nhẫn đeo vào ngón tay áp út của tôi. Tôi và anh biết nhau qua lớp học ban đêm, tôi 30 và anh 32 tuổi. Hiện tại hai đứa vẫn trong giai đoạn tìm hiểu chứ chưa nói đến chuyện tương lai. Giữa chúng tôi là mối quan hệ chỉ hơi trên mức bình thường, chưa có những cảm xúc yêu đương sâu đậm gì lắm, mới hẹn hò uống nước được 5-6 lần. Trong lần gặp vừa rồi đột nhiên anh cầu hôn, tôi né tránh nhưng anh chụp tay tôi và lấy ra chiếc nhẫn đeo vào ngón tay áp út. Tôi tháo ra nhưng anh chặn lại và bảo “Nếu tháo ra thì sẽ rất 'hệ'. Nó sẽ luôn làm em trắc trở trong tình cảm sau này”. Tôi sẽ tháo ra vì tôi không yêu, tôi chỉ xin tư vấn việc đó thật sự có “hệ” không và phải tháo như thế nào cho đúng cách? (Nguyễn). Ảnh minh họa: ngoisao. Trả lời: Chào bạn, Trong văn hóa hôn nhân của người Việt, từ xa xưa, không hề có sự hiện diện của chiếc nhẫn cưới bạn ạ. Thông thường, thời xưa khi yêu nhau, đôi trai gái chỉ trao nhau những vật làm tin như một lọn tóc nhỏ, một mảnh vải nhỏ cắt ra từ chiếc áo mặc hàng ngày, hoặc có thể chỉ là một cái vỏ ốc... Điều quan trọng đó là lời nhắn gửi, là tình cảm, là lời hứa hẹn chờ nhau đằng sau những hiện vật đó. Nhẫn tỏ tình, nhẫn đính hôn, nhẫn cưới… xuất phát từ nền văn hóa của châu Âu và được du nhập vào Việt Nam khi đất nước ta được tiếp xúc với nền văn minh Âu châu. Tuy là du nhập, nhưng chiếc nhẫn sớm được chấp nhận trong văn hóa hôn nhân của người Việt không phải ở giá trị vất chất của nó, mà chính từ ý nghĩa văn hóa mà chúng ta đưa vào chiếc nhẫn này. Nhẫn tỏ tình, nhẫn đính hôn mà hai người trao cho nhau thể hiện như một lời hứa ràng buộc gắn bó với nhau. Nhẫn cưới trao nhau giữa cô dâu chú rể thể hiện giây phút cả 2 chính thức thuộc về nhau, được xã hội công nhận “trở thành một”. Ngoài ra, chiếc nhẫn cưới còn là một lời nhắn gửi, một sự mong muốn, và một sự mong ước đôi ta cần biết “nhẫn’ trong cuộc sống chung với nhau. Chồng giận thì vợ bớt lời, biết nhẫn để đưa cái "tôi" xuống dưới cái "chúng ta", biết nhẫn để cùng chung tay xây tổ ấm. Với những ý nghĩa như vậy, rõ ràng sự trao và nhận chiếc nhẫn khi tỏ tình, khi hứa hôn, khi đính hôn… là một nghi thức mang tính tượng trưng. Điều đó thay cho lời hứa chung thủy sắt son, bên nhau trọn đời và cùng “nhẫn" để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, việc tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay khi chưa hề có tình yêu là một chuyện cần phải làm và làm dứt khoát, chẳng có vấn đề gì “hệ” hay “không hệ” cả. Khi bạn chưa rõ ràng về đối tác của mình thì chưa thể ký kết một bản ghi nhớ, có vậy thôi. Chứ chẳng có chuyện nó sẽ luôn làm bạn trắc trở trong tình cảm sau này. Mặt khác nó chỉ "hệ" khi bạn chưa hề yêu mà dùng dằng không tháo nó ra khỏi tay mình để trả về chính chủ thôi bạn ạ. Tình yêu và hôn nhân là một chuyện quan trọng, chỉ nhận lời khi đã hiểu rõ về người mà mình chọn. Chẳng có thần thánh nào bắt bạn phải nhận một chiếc "nhẫn” mà bạn không thích cả. Chúc bạn bình tĩnh, tự tin và sáng suốt để có quyết định tháo nhẫn hay tiếp tục đeo chiếc nhận trên tay mình bạn nhé. Chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc Nguồn VNExpress