7 tháng sau khi đưa khỉ lên vũ trụ, Iran dự kiến sẽ đưa con mèo Ba Tư lên không gian trong kế hoạch khám phá vũ trụ. >>> Iran sắp đưa sinh vật sống lên vũ trụ Mohammad Ebrahimi, quan chức thuộc chương trình không gian Iran, cho biết con tàu vũ trụ tiếp theo của Iran sẽ mang theo một con mèo Ba Tư đuôi dài, mặt dẹt, được đặt theo tên trước đây của Iran. Việc đưa mèo lên không gian cùng tàu vũ trụ sẽ được tiến hành vào cuối năm, theo lịch Iran, tức là trước ngày 21/3 năm tới. Một báo cáo cho biết có thể tàu vũ trụ của Iran sẽ mang theo một con chuột và một con thỏ. Giống mèo Ba Tư đuôi dài, mặt dẹt, được đặt tên theo tên cũ của Iran trước đây. (Ảnh: AP) Chi tiết về kế hoạch này được hãng thông tấn IRNA của Iran thông báo, sau khi nước này xác nhận thông tin đưa một con khỉ vào không gian và trở về thành công 7 tháng trước. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của thông tin, khi thấy sự khác nhau giữa các bức ảnh con khỉ được công bố trước và sau khi bay vào không gian. Telegraph dẫn lời Ebrahimi cho biết truyền thông quốc gia đã nhầm lẫn khi gửi ảnh của con khỉ dự phòng trong kế hoạch của Iran hồi tháng 2 vừa qua. Ông nhấn mạnh rằng chỉ có một con khỉ được đưa lên không gian ở độ cao 120km rồi trở về an toàn trong chuyến bay kéo bài 20 phút. Năm 2010, các quan chức Iran đã đưa một con chuột, một con rùa và vài con sâu lên một chuyến bay lên không gian, một trong những bước đệm nhằm thực hiện mục tiêu đưa con người lên vũ trụ vào năm 2018 và trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu trong thế giới Hồi giáo. Kế hoạch đưa mèo lên không gian của Iran được coi là bước tiến tiếp theo trong tham vọng chinh phục không gian của quốc gia này. Tuy nhiên, điều này lại có thể gây lo ngại cho các nước phương Tây về các ứng dụng quân sự của Iran. Con khỉ được Iran thông báo đưa lên vũ trụ hồi tháng 2 năm nay. (Ảnh: AP) Ông Ebrahimi cho biết tên lửa đẩy sử dụng cho đợt phóng tàu vũ trụ lần này sẽ có kích thước lớn hơn và sử dụng nhiên liệu lỏng. Trước đó, các tên lửa của Iran được đưa vào vũ trụ đều sử dụng nhiêu liệu rắn và được chế tạo với công nghệ sử dụng cho các loại tên lửa tầm xa. Đây cũng được coi là cố gắng của Iran nhằm làm dịu đi những lo ngại của thế giới khi Tổng thống Hasan Rouhani đang cố gắng khởi động lại các vòng đàm phán hạt nhân. Iran từng tuyên bố muốn đưa vệ tinh của mình lên quỹ đạo để theo dõi tình hình thiên tai, động đất, tăng cường viễn thông cũng như mở rộng các hoạt động giám sát quân sự trong khu vực. Nguồn VNExpress