Các mẫu di động chạy Android cần thêm một bộ vi xử lý và các phần mềm tương thích 64-bit để tận dụng được hoàn toàn lợi thế của công nghệ này. Hệ điều hành Android vốn đã hỗ trợ 64-bit. Apple là công ty đầu tiên giới thiệu điện thoại thông minh với bộ vi xử lý 64-bit nhưng giới công nghệ tin các thiết bị tương tự chạy Android cũng sẽ sớm xuất hiện. Chỉ vài ngày sau khi đối thủ trình làng thành tựu mới, Samsung cũng đưa ra kế hoạch phát hành chip 64-bit của riêng mình. Các sản phẩm dạng này sẽ dựa trên kiến trúc ARM Cortex-A57 hoặc nền tảng vi xử lý Intel Bay Trail thế hệ mới. Theo Ars Technica, vấn đề của di động Android chỉ đơn giản nằm ở phần cứng và các nhà phát triển bởi hệ điều hành này vốn đã hỗ trợ 64-bit từ nhiều năm nay. Android được xây dựng dựa trên nhân Linux trong khi Linux đã hỗ trợ 64-bit từ lâu. Những yếu tố còn lại để người dùng trải nghiệm đầy đủ công nghệ xử lý mới là các công ty phần cứng đưa vào chip tương ứng và các nhà phát triển bắt đầu viết ứng dụng để tận dụng lợi thế này. Một trong những lợi ích chính của việc chuyển từ vi xử lý 32-bit lên thành 64-bit trên lý thuyết là hỗ trợ exabyte RAM thay vì chỉ gigabyte. Ngoài ra, cách kiểm soát bộ nhớ của chip 64-bit cũng dẫn đến hiệu suất được cải thiện nhiều trong một số tác vụ. Hầu hết các ứng dụng 64-bit đều có xu hướng lớn hơn một chút so với ứng dụng 32-bit. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới số đông người dùng. Nghiên cứu thực tế cho thấy một người dùng bình thường chỉ sử dụng tối đa 100 ứng dụng hoặc ít hơn và điều này không ảnh hưởng với các loại thiết bị có bộ nhớ trong tối thiểu khoảng 16 GB như hiện nay. Hoài Anh Nguồn: VNExpress