Để có một khung hình lý tưởng tại thời điểm vàng, đôi khi không cần rút máy ảnh và bấm ngay mà cần chậm lại để bạn có thời gian cân nhắc ý tưởng. Khi gặp một cảnh đẹp, thông thường bạn sẽ rút máy bấm liền. Nhanh nhạy tránh bỏ lỡ thời điểm là một điều tốt, nhưng đối với ảnh phong cảnh, bạn lại cần chậm một chút để có đủ thời gian chuẩn bị sẵn sàng cho việc thể hiện ý tưởng và cảm xúc của mình trong từng khung hình cụ thể. Phong cảnh trong ảnh đen trắng. Ảnh: Photozine. Lưu ý tới ánh sáng Ai cũng biết không có ánh sáng tốt thì rõ ràng không có bức ảnh tốt. Nhưng ánh sáng thế nào là tốt lại tùy thuộc vào việc bạn chụp chủ thể nào. Chẳng hạn với những ảnh chụp một khoảng rừng thường trở nên ấn tượng với những tia nắng chói xuyên qua màn lá, thì các thể loại ảnh chụp cảnh mặt nước hay phong cảnh rộng lại cần để ý tới các yếu tố ánh sáng giúp làm nổi bật hình khối hay chi tiết của những đối tượng chính như núi non hay đất liền, cây cối... Cần lưu ý xem hướng ánh sáng đến từ đâu, và nếu cảm thấy hướng này chưa ưng ý, bạn có thể chờ cho đến thời điểm phù hợp hoặc quay lại sau nếu không có thời gian chờ đợi. Điều kiện hoàn hảo là có thể thử nghiệm chụp ở các khoảng thời gian khác nhau trong ngày, từ đó tìm ra thời điểm mà ánh sáng chiếu lên chủ thể trở nên hoàn hảo nhất. Tất nhiên, theo lý thuyết, bình minh và hoàng hôn với ánh sáng dịu thường luôn là lý tưởng so với ánh sáng gắt ban ngày, nhưng không vì thế mà bạn không nên thử các thời điểm khác. Chọn khung hình Trước khi chỉnh các thông số, bạn nên mường tượng trước khung hình sẽ chụp. Nên đầu tư thời gian cho việc này. Hãy tìm kiếm và thử các vị trí chụp, các góc chụp, từ đó tìm ra những góc có tiền cảnh thú vị hơn, đường nét rõ rệt hơn có thể giúp lột tả được cảm xúc của chủ thể trong khuôn hình. Luôn kiểm tra sự cân bằng giữa phối cảnh, hình khối và màu sắc. Một khi đã tìm được góc nhìn và khung hình thích hợp, bạn có thể để mắt tới các yếu tố ngoại vi xuất hiện bên rìa của khung ngắm, từ đó lựa chọn bỏ hay giữ miễn là đảm bảo mọi yếu tố xuất hiện trong khung hình đều sẽ đóng một vai trò nhất định. Sau hết mọi thứ, giờ mới là lúc tiến hành kiểm tra các thông số cài đặt của máy. ISO Đối với ảnh phong cảnh, thông thường người chụp đều sử dụng chân máy nên có thể hạ ISO càng thấp càng tốt, 100 hoặc 200 chẳng hạn, để chất lượng bức ảnh được hoàn hảo hơn. Tất nhiên, cài đặt ISO luôn phải tương xứng với từng điều kiện sáng cũng như đối tượng chụp. Với ánh sáng yếu, tăng ISO là điều tất yếu nếu khung hình và đối tượng bạn định chụp cần phải có tốc độ hay độ mở cố định. Ổn định hình ảnh (chống rung) Chế độ ổn định hình ảnh cho phép người chụp có thể tạm xa rời chân máy để cầm tay chụp, kể cả trong những trường hợp ánh sáng yếu hay phải sử dụng tốc độ chậm mà không lo rung máy. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý, một khi đã gắn vào chân máy, thì tốt nhất nên tắt chế độ này để hạn chế tối đa khả năng chính tính năng chống rung có thể khiến hình ảnh không được sắc nét. Kiểm tra chế độ bù sáng Trước khi bấm máy, đừng quên kiểm tra chế độ bù sáng đã về 0 chưa, nếu không bạn rất dễ chụp một bức ảnh quá thừa hoặc quá thiếu sáng do các cài đặt bù sáng từ lần chụp trước để lại. Kiểm tra máy ảnh đặt thẳng chưa Mặc dù nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra yếu tố này rất dễ bị bỏ quên và kết cục là một bức ảnh với đường chân trời xiên xẹo hay cây cối nghiêng ngả. Nếu sử dụng chân máy, bạn nên để ý tới các chức năng phụ trợ chụp thẳng như thước cân bằng tích hợp hoặc gắn rời. Hoặc bạn có thể kích hoạt chế độ đường lưới (Gridline) để đảm bảo các đối tượng luôn ở đúng phương vị phù hợp của mình. Kiểm tra độ mở Các thể loại ảnh khác nhau thường có các khuyến cáo tối ưu về độ mở khác nhau. Do độ mở có ảnh hưởng trực tiếp đến độ sâu hình nên luôn nhớ kiểm tra độ mở của máy ảnh từ lần chụp trước có phù hợp với lần này không, nếu không bạn rất dễ rơi vào trường hợp mà độ mở cho ảnh macro lại được dùng cho chụp phong cảnh. Phơi sáng Nên bật chế độ cảnh báo thừa sáng nếu máy ảnh tích hợp tính năng này. Với chế độ này, máy ảnh sẽ cảnh báo những vùng dễ cháy sáng khi chụp với thông số hiện thời. Dựa vào đó bạn có thể điều chỉnh lại các tùy chỉnh cho phù hợp, tránh việc chỉ phát hiện ra vùng cháy sáng khi xem lại ảnh trên màn hình máy tính. Đo sáng Luôn kiểm tra xem máy ảnh của bạn đang ở chế độ đo sáng nào. Thông thường các máy hay được để mặc định ở chế độ đo sáng tổng thể (Evaluative/Matrix). Ở chế độ này, máy ảnh sẽ căn cứ ánh sáng trên toàn bộ khung hình và tự tính toán thông số phơi sáng cho phù hợp. Chế độ này khá hữu dụng trong trường hợp bạn không chắc chắn đo sáng thế nào sẽ là hợp lý với cảnh được chụp. Có một số chế độ đo sáng khác mà bạn có thể thử, đó là chế độ đo sáng điểm (với tên gọi Partial Metering trên máy Canon hay Spot Metering trên máy Nikon). Chế độ đo sáng này hữu ích trong các trường hợp đối tượng chụp có ánh sáng hậu hoặc đối tượng ở trong vùng hoặc rất tối hoặc rất sáng. Khi đó máy sẽ giới hạn chỉ lấy các giá trị ở một vùng rất nhỏ của khung hình. Chế độ đo sáng vùng trung tâm lại lấy các giá trị ở khoảng giữa hình ảnh làm trọng tâm để tính toán phơi sáng dù cũng sẽ lấy thêm các giá trị tham chiếu từ các vùng xung quanh. Về cơ bản, chế độ này nằm ở khoảng giữa chế độ đo sáng toàn cảnh và đo sáng điểm. Bạn có thể sử dụng chế độ này khi đối tượng nằm ở vị trí trung tâm khuôn hình. Chọn điểm lấy nét Đây cũng là điểm dễ bị bỏ quên. Hãy kiểm tra điểm lấy nét của máy ảnh. Chế độ tự động lấy nét có thể hiệu quả, nhưng đối với một số chủ thể, chế độ tự động dễ bị đánh lừa và không biết ý đồ thực sự của người chụp sẽ tập trung vào đâu. Vì thế, tốt nhất nên sử dụng chế độ chọn điểm nét tay (Manual AF selection) để chủ động hoàn toàn ý đồ của mình. Chế độ này cho phép bạn chọn từng điểm lấy nét cụ thể mà bạn muốn. Nếu điểm lấy nét không hẳn trùng với chủ thể trong một khuôn hình định sẵn, bạn có thể lấy nét đối tượng, dùng chế độ khóa nét, sau đó dịch chuyển khung hình về vị trí phù hợp. Còn để hoàn hảo, nên chuyển luôn về chế độ lấy nét tay (Manual Focus). Nguyễn Hà Nguồn: VNExpress