Con gái đi học về có triệu chứng đau mắt đỏ, sáng hôm sau chị Trà (Phú Nhuận, TP HCM) cũng bị theo. Chị ra hiệu thuốc gần nhà mua chai thuốc nhỏ mắt về hai mẹ con dùng chung. Sau 5 ngày dùng thuốc kết hợp rửa mắt bằng nước muối, con gái bớt bệnh còn chị Trà nặng hơn nên phải đi bệnh viện. Kết quả mắt chị có giả mạc, bác sĩ phải bóc lớp giả mạc rồi mới cho dùng thuốc nhỏ kết hợp uống kháng sinh. "Bác sĩ bảo nếu không bóc lớp giả mạc thì dùng thuốc bao nhiêu cũng không hiệu quả mà để lâu có thể biến chứng. Lần sau hết dám liều mạng tự điều trị tại nhà kiểu này nữa", chị Trà phân trần. Khám mắt tại TP HCM, bà Đặng ở Trảng Bàng (Tây Ninh) cho biết, bị đau mắt đỏ hơn một tuần nay, ghèn bịt kín cả hai mí mắt. Nghe lời khuyên của hàng xóm, bà đắp lá trầu không lên, kết hợp tự dùng thuốc nhỏ. Hậu quả bệnh càng trầm trọng, mắt cộm đau dữ dội kèm theo sốt nên bà mới đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết mắt bà bị viêm loét giác mạc do dùng sai thuốc trong thời gian dài. Khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: Nam Phương. Dịch đau mắt đỏ đang vào mùa cao điểm tại TP HCM. Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, đây là bệnh do virus gây nên, thường gặp là adenovirus. Bệnh lây lan tương đối nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở những nơi như trường học, công sở, nhà máy, bệnh viện... Phần lớn trường hợp đều tự khỏi sau 1-2 tuần nhưng một vài trường hợp có thể dẫn đến biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, giảm thị lực ở những thể trạng suy kiệt hoặc dùng thuốc không đúng cách. Bệnh thường được biểu hiện bằng mắt đỏ và có ghèn. Ghèn có thể là nước trong hoặc ghèn vàng. Một vài trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc. Đôi khi có đau hạch sau tai, viêm họng, sốt nhẹ, mệt mỏi. Bệnh nhân có cảm giác nóng rát, khó chịu, cộm xốn giống như có hạt cát trong mắt, có thể kèm theo nhìn mờ, có biểu hiện sợ ánh sáng, đặc biệt là ở trẻ em. Các bác sĩ khẳng định việc nhìn nhau không lây mắt đỏ, mà trung gian truyền bệnh là nước mắt của bệnh nhân do nước mắt có chứa virus. Virus lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi, qua những vật dụng như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, vòi rửa tay nơi công cộng, điện thoại, khăn, qua nước bị nhiễm khuẩn như nước hồ bơi... Nên hạn chế đến các hồ bơi công cộng trong thời điểm dịch đau mắt đỏ vào mùa cao điểm. Ảnh: L.P. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu nhiều người trong gia đình bị đau mắt đỏ thì mỗi người dùng riêng một chai thuốc nhỏ. Việc dùng chung một chai thuốc sẽ khiến bệnh có thể diễn tiến nặng thêm. Dùng khăn mặt, vật dụng cá nhân riêng, rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn để hạn chế lây bệnh cho người khác. Bệnh nhân cần bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm, nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9 %) hoặc nước mắt nhân tạo. Khi vệ sinh mắt, cần lưu ý dùng bông gòn sạch lau khô, chườm lạnh để giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp trong giai đoạn bệnh cấp để tránh lây lan. Tránh dụi tay vào mắt, không vứt bông, khăn thấm mắt bệnh ra môi trường xung quanh. Không bơi trong giai đoạn có dịch. Người bệnh khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần đi khám chuyên khoa mắt. Việc tự dùng thuốc nhỏ có chất corticoid hoặc những thuốc dân gian, phương pháp xông, đắp lá cây... có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm, dẫn đến nhiễm trùng, gây biến chứng. Các bác sĩ cũng cho biết, hiện chưa có thuốc nhỏ ngừa bệnh. Để phòng bệnh nên tránh tiếp xúc những vật dụng dễ nhiễm nguồn bệnh và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi có người nhà bị đau mắt đỏ, có thể phòng ngừa bằng cách nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý. Người chưa mắc bệnh không nên nhỏ kháng sinh phòng ngừa vì có thể làm cơ thể kháng thuốc. Nhiều người cho rằng khi bị đau mắt đỏ một lần thì sẽ không bị lại lần hai nên không có ý thức phòng ngừa. Trên thực tế, trong một đợt dịch, bệnh nhân có thể bị mắc bệnh lại lần thứ hai vì đau mắt đỏ thường do nhiều nguyên nhân, có nhiều chủng virus gây bệnh. Lê Phương Nguồn VNExpress