Nhân bản bàn xoay ma thuật

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Sep 12, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 362)

    Lời giải thích mơ hồ kiểu như “vận hành theo nguyên tắc cấu khí âm dương” càng khiến chiếc bàn xoay của làng mộc Văn Hà (Quảng Nam) thêm huyền bí, nhưng bí mật về nó vừa được giải mã và “nhân bản” hàng chục chiếc.

    >>> Người cuối cùng nắm bí quyết “chiếc bàn ma thuật”

    Đóng hàng loạt


    “Bàn đẹp đấy, nhưng sẽ không quay đâu!”, lão nghệ nhân Đinh Thẩm, 94 tuổi, ở làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành, H.Phú Ninh) quả quyết như vậy về chiếc bàn đóng mới mô phỏng theo “bàn xoay ma thuật”. Đó là năm 2011, lần đầu tiên ông Nguyễn Nay (Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam, lúc ấy đang công tác tại Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT-DL Quảng Nam) mày mò thiết kế mô hình, đóng rồi mang đến chỗ cụ Thẩm với ý nguyện được nghệ nhân đáng kính này “chạm” vào. Mà chiếc bàn không “chịu” xoay thật. Suốt mấy ngày liền, ông Nay suy nghĩ vì sao vẫn chất liệu, kích cỡ, kết cấu giống với bàn cổ nhưng lại không xoay, rồi tiếp tục chỉnh sửa và thành công.

    Sau nửa thế kỷ, chiếc “bàn xoay ma thuật” đã được một người ở bên ngoài làng mộc Văn Hà đóng mới, sản phẩm đầu tiên trưng bày nhân sự kiện 15 năm tái lập tỉnh Quảng Nam hồi năm ngoái thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người.

    [​IMG]
    Hai mặt bàn xoay hoàn tất với kích cỡ và thiết kế khác nhau - (Ảnh: H.X.H)

    Nhưng từ mười mấy năm trước, chính ông Nguyễn Nay đã bị “chiếc bàn ma thuật” cuốn hút để rồi âm thầm điền dã tại nơi phát tích làng mộc, nhất là ở địa bàn còn lưu dấu sản phẩm nhà rường cổ do kíp thợ Văn Hà dụng công ở các xã Tiên Cảnh, Tiên Mỹ (H.Tiên Phước). Những năm 1996 -1998, Quảng Nam rộ lên chuyện “săn” bàn gỗ ma thuật, khiến có người dân ở làng Văn Hà bán một chiếc với giá khủng 10 lượng vàng. Nhưng kể từ đó, sự khan hiếm cùng với cơ chế xoay kỳ lạ càng phủ yếu tố bí mật lên bàn xoay Văn Hà. Năm 1944, nghệ nhân Đinh Thẩm đóng một chiếc cho một chủ tiệm thuốc bắc tên Sơn ở xã Tam Phước (H.Phú Ninh bây giờ) rồi mãi đến gần đây cụ mới đóng thêm 2 chiếc, trong đó một chiếc bán được 40 triệu đồng. Dù cụ Thẩm nhiều lần giải thích rằng bàn vận hành theo “nguyên tắc cấu khí âm dương”, song xem ra vẫn rất mơ hồ, huyền bí. “Tôi muốn giải mã, đưa ra thông tin về cơ chế xoay một cách khoa học, và tin rằng khi đó những chiếc bàn đóng mới sẽ có giá trị cao hơn”, ông Nguyễn Nay nói.

    Chúng tôi trực tiếp “kiểm chứng” chiếc bàn xoay vừa đóng mới tại nhà ông Nay ở P.An Phú (TP.Tam Kỳ), cách làng mộc Văn Hà chừng 15km. Bàn cao khoảng 90cm, đường kính mặt bàn khoảng 80cm, thân trục được đẽo tròn đơn giản, có 5 thanh tiện ở “trỏng” (bộ phận chủ yếu để giữ thăng bằng)… Úp hai bàn tay (hoặc chỉ đặt một bàn tay phải) sát mặt bàn, sau ít phút mặt bàn từ từ chuyển động và quay theo chiều kim đồng hồ. Ngửa 2 bàn tay hoặc chỉ 1 tay trái, bàn quay theo hướng ngược lại. Thú vị hơn, khi dỡ mặt bàn ra khỏi phần trục xoay và đế gỗ rồi đặt lên tấm kính, hoặc mang tận lên tầng 3, bàn vẫn xoay như thường… Ông Nay cho hay đã đóng hàng chục chiếc, trong đó có 3 chiếc tặng người quen. Tự phác thảo thiết kế rồi đặt hàng cho nhóm thợ gỗ thực hiện (kèm theo bức ảnh bàn xoay cổ để tham khảo), sau khi hoàn chỉnh ông mang về nhà chỉnh sửa thêm thì bàn mới xoay.

    Trả lộc cho làng


    Tất cả bí mật đều nằm ở mặt bàn, sao cho đủ rộng và cân đối để hấp thụ luồng nhân điện, từ đó chuyển hóa năng lượng khiến chiếc bàn xoay. Ông Nguyễn Nay “bật mí” như vậy và luôn nhắc mọi chuyện không liên quan gì đến âm dương, ma mị. Ngoài phần thân có gắn trục đế giữ thăng bằng cho mặt bàn, thì yếu tố quan trọng hàng đầu chính là chất liệu. Vùng Phú Ninh, Tiên Phước (Quảng Nam) ngày trước bạt ngàn gỗ mít, người dân dùng làm cột nhà, đóng bàn ghế, giường… và đánh giá cao về khả năng phân giải độc tố. Nhưng với sản phẩm bàn xoay, gỗ mít được lựa chọn bởi tính năng hấp thu luồng nhân điện, từ đó tạo nên từ trường. Tác động cuối cùng để bàn “chịu” xoay, theo ông, chủ yếu là để thu nạp luồng nhân điện này.

    Nhưng câu hỏi mấu chốt nhất là tác động như thế nào để thu nạp và chuyển hóa thành nguồn năng lượng mới thì ông Nay lại… nhất quyết không tiết lộ. “Có người gợi ý nên đăng ký bản quyền, nhưng tôi từ chối. Bởi bản quyền thuộc về làng mộc truyền thống Văn Hà, tôi hoàn toàn không có ý định độc chiếm. Tôi sẵn sàng chia sẻ bí quyết này, truyền đạt những gì liên quan đến kết cấu, cơ chế vận hành của bàn xoay cho đại diện làng mộc, nếu như tìm kiếm được nhà đầu tư để từ đó tạo đầu ra sản phẩm. Tôi muốn trả lộc cho làng”, ông Nay giải thích lý do giữ kín thông tin.

    Đầu tháng 9/2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức công nhận mộc Văn Hà là làng nghề truyền thống, nơi từng có 27 nghệ nhân được vua Thành Thái ban tặng biển vàng, sắc phong. Nhưng chừng ấy hào quang quá khứ thôi vẫn chưa đủ để xoay chuyển một số phận làng nghề. Lâu nay, mọi kỳ vọng dồn cả vào cụ Đinh Thẩm, nghệ nhân duy nhất của làng nắm giữ bí quyết làm “bàn xoay ma thuật”. Bây giờ, một khi sản phẩm độc đáo được giải mã cơ chế vận hành và đang tìm kiếm đầu ra căn bản, thương hiệu mộc Văn Hà kỳ vọng sẽ sớm hồi sinh. Với công bố mới của ông Nguyễn Nay, cơ hội sản xuất hàng loạt “bàn xoay ma thuật” bán với giá 5.000 - 10.000 USD/chiếc tại các hội chợ quốc tế dường như đã ở trong tầm tay.

    Nguồn KhoaHoc.com.vn
     
  2. Facebook comment - Nhân bản bàn xoay ma thuật

Share This Page