Đang đứng gần bờ mương chơi thì Đan (Quế Võ, Bắc Ninh) bị bạn kéo dìm xuống nước đùa không ngờ Đan bị đuối nước. May mắn cậu được người lớn cứu, nhưng đến tối thì người dần tím đen lại và lịm dần. Sau gần một tuần cấp cứu tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cậu bé Nguyễn Đăng Đan đã có thể ăn uống, đi lại bình thường. Dù vậy, đến giờ Đan vẫn chưa hết sợ sau lần thập tử nhất sinh này. Chiều 4/9, sau khi đi học về, Đan cùng các bạn rủ nhau ra mương chơi. Vì không biết bơi nên cậu chỉ dám đứng ở chỗ nước nông. Lúc sau, nhóm bạn đùa kéo dìm cậu xuống nước, không ngờ đúng chỗ nước sâu Đan chấp chới không ngoi lên được. Không cách nào kéo bạn lên được, cả nhóm hoảng sợ đi gọi người lớn giúp. May mắn gần đấy có người đang câu cá chạy đến cứu. Sau 5-10 phút được móc họng, ép ngực để ộc nước ra thì cậu tỉnh, tự đi xe đạp về nhà. "Ăn tối xong thì cháu thấy mệt, sốt, lạnh, ho, nên lên giường nằm. Đến lúc bác sang thấy cháu khó thở, người tím đen liền vội vàng gọi ôtô đưa cháu đi viện cấp cứu. Sau đó thì cháu mê đi, không nhớ gì nữa", Đan kể lại. Bố con cậu bé Đan tại bệnh viện. Ảnh: Nam Phương. Khi đó, Đan được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cấp cứu. Tại đây, sau khi chụp phổi các bác sĩ lập tức chuyển cậu đến khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết, trẻ nhập viện lúc 11 giờ đêm ngày 4/9 trong tình trạng khó thở rất nặng, người tím đen vì thiếu ôxy. Cháu được chẩn đoán bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước, hội chứng suy hô hấp tiến triển rất nhanh. Bệnh nhân tự thở được nhưng vì phổi bị tổn thương nên không thể làm nhiệm vụ trao đổi khí, cơ thể thiếu ôxy. Vì thế, các bác sĩ cho cậu bé thở máy ngay lập tức. Theo tiến sĩ Dũng, nếu không được thở máy sớm, cộng thêm máy thở hiện đại thì tính mạng của bệnh nhi rất khó cứu. Sau 3 ngày thở máy liên tục, cuối cùng Đan cũng bỏ được máy, tự thở, sức khỏe dần ổn định. Hiện cậu bị viêm phổi, điều trị 1-2 ngày là có thể xuất viện. Anh Nguyễn Đăng Chuyền, bố Đan cho biết, vợ chồng anh đi làm xa ở TP HCM, Đan ở nhà cùng với ông bà và anh trai. Tối hôm đó, nghe bác cháu thông báo đưa con đi bệnh viện tỉnh cấp cứu thì hai vợ chồng nghĩ con chỉ bị uống vài ngụm nước không có gì nghiêm trọng. "Chưa đầy nửa tiếng sau thì vợ chồng tôi nghe tin con được chuyển đến bệnh viện ngoài Hà Nội. Sợ quá, vợ chồng liền mua vé bay bay về luôn, đến trưa ngày hôm sau thì gặp được con. Hỏi cháu biết, gật đầu, lúc đấy chúng tôi mới yên tâm biết con mình sống rồi. Mới đầu cả nhà tưởng cháu chết, cấp cứu mấy tiếng liền", anh Chuyền kể lại. Theo phó giáo sư Dũng, thế giới phân đuối nước ra làm 2 loại: ở hồ bơi và ở nguồn nước tự nhiên như: ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch... Nếu nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, chứa vi trùng... thì sau vài tiếng vào phổi nó có thể phá hủy phổi. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị đuối nước, đặc biệt là ở nguồn nước tự nhiên, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả bệnh nhân tự thở được thì dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện kiểm tra. Lý do là có khoảng 25-30% trong số này có khả năng bị phù phổi cấp, xảy ra ngay sau đó vài giờ. Như trường hợp của Đan nếu chụp phổi phát hiện sớm thì việc cứu chữa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nam Phương Nguồn VNExpress