Sau ôtô, xe máy, vải, đồ uống, đến lượt sản phẩm sữa được nhà sản xuất yêu cầu thu hồi với lý do bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo giới chuyên gia, việc thu hồi có thể khiến nhà sản xuất thiệt hại về mặt kinh tế nhưng đổi lại uy tín, thương hiệu tăng lên. Tuyên bố thu hồi một loạt sản phẩm sữa bột nghi nhiễm khuẩn hồi đầu tháng 8 vừa qua khiến thị trường sữa xáo trộn. Dù các hãng chủ động chấp nhật thiệt hại hàng tỷ đồng về mặt kinh tế để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng song không ít người băn khoăn về chất lượng sản phẩm hàng hóa đang được bày bán trên thị trường. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về mặt kinh tế để ra quyết định thu hồi sản phẩm kịp thời khi sản phẩm đó xuất hiện thông tin nghi ngờ chứa chất không an toàn cho người dùng. Câu chuyện bắt đầu từ việc cuối tháng 7 - nhà sản xuất Fonterra (New Zealand) thông báo nguyên liệu bột đạm whey protein concentrate (WPC 80) của họ có thể nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Một loạt hãng sữa có sử dụng nguyên liệu của Fonterra ra quyết định thu hồi sản phẩm bị nghi ngờ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, câu chuyện lại bị đẩy đi khá xa khi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, ra quyết định thu hồi thì chắc chắn sản phẩm đã bị nhiễm khuẩn. Cũng có thể do tâm lý quá lo lắng cho sức khỏe của con em mà bỏ qua tuyên bố của chính cơ quan chức năng rằng sự việc này chỉ ở dạng nghi vấn và các nhà chức trách vẫn đang tích cực làm rõ. Sau khi chính phủ New Zealand cho kiểm nghiệm lại 195 lần thì kết quả hoàn toàn ngược lại, sản phẩm này không bị nhiễm khuẩn như đã thông báo mà đó chỉ là một loại khuẩn bình thường khác. Ông Jean - Pierre Catherin, Tổng giám đốc Danone Dumex Việt Nam cho rằng việc thu hồi sản phẩm là chuyện không ai muốn, vì nó gây sụt giảm doanh thu của công ty, thậm chí là thương hiệu. "Bạn muốn bảo vệ cho con mình, chúng tôi cũng vậy. Đó chính là lý do chúng tôi quyết định thu hồi mà không đắn đo gì, lợi ích và sự an toàn của trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông nói. Ở nhiều nước trên thế giới, việc các hãng sản xuất ra thông báo thu hồi sản phẩm bị lỗi là chuyện cơm bữa. Hàng loạt đại gia nổi tiếng trong công nghiệp ôtô vẫn thường ra quyết định thu hồi sản phẩm ngay khi có bất cứ dấu hiệu nào mà nhà sản xuất phát hiện có thể gây nguy hiểm cho khách hàng của họ. Hãng sản xuất xe hơi của Nhật Bản - Toyota thường xuyên ra các quyết định thu hồi xe của họ dù phát hiện lỗi rất nhỏ. Mỗi khi có bất kì nghi vấn nào về chất lượng xe, hoặc những trục trặc kĩ thuật có thể ảnh hưởng đến an toàn cho khách hàng thì Toyota lại nhanh chóng đưa ra lệnh thu hồi để sửa lỗi. Phần lớn các lần thu hồi của Toyota, hãng này đều cho biết không có khiếu nại nào được thông báo, nhưng trước những nguy cơ có thể xảy ra cho khách hàng, Toyota vẫn không chấp nhận đánh đổi. Hồi năm ngoái, Tập đoàn Kimberly-Clark của Mỹ cũng ra tuyên bố phải thu hồi 16.500 hộp băng vệ sinh Kotex Natural Balance Security mà họ cho là chưa thẩm định được chất lượng. Theo ông Bob Brand, phát ngôn viên của tập đoàn, thì số hàng này bị đánh cắp và bọn trộm đã đem hết số hàng trên bán cho những người bán lẻ. Tại các nước phương Tây, quyết định thu hồi của các công ty vẫn không làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của công ty mà trên thực tế, các sản phẩm của họ vẫn được đón nhận tích cực vì người tiêu dùng hiểu rằng, một khi nhà sản xuất trung thực thì chính họ là người được đảm bảo an toàn. Giới chuyên gia nhìn nhận sau các quyết định thu hồi sản phẩm, hầu như các hãng sản xuất không gặp các khiếu nại từ người tiêu dùng bởi ai cũng biết việc thu hồi nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính họ. Việc làm này gây tốn kém không ít thời gian và tiền bạc cho hãng sản xuất nhưng doanh nghiệp vẫn làm nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu. Trong một phát biểu với báo giới, ông Trần Quang Trung - Cục Trưởng Cục An Toàn Thực Phẩm – Bộ Y Tế cho biết ông đánh giá cao hành động thu hồi phòng ngừa và những doanh nghiệp luôn trung thực và đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. "Những hành động này cần phải được hoan nghênh”, ông nói. Thu Ngân Nguồn VNExpress