Mất ngủ nên đi khám chuyên khoa tâm thần

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Sep 10, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 404)

    Cứ nửa đêm là giật mình thức giấc đến gần sáng, nhức đầu, mệt mỏi nên bà Ngà, 47 tuổi ngụ Vũng Tàu, đi phòng khám cạnh nhà. Được bác sĩ cho dùng Diazepam 5mg (Seduxen), bà Ngà tuy ngủ được hơn nhưng vẫn giật mình lo sợ và uể oải.


    Từ đó bà Ngà tự mua thêm Seduxen uống nhưng phải uống 1,5 viên rồi 2 viên mỗi tối. Khi không mua được Seduxen, người bán thuốc “gợi ý” dùng thuốc khía (Lexomil 6 mg), bà Ngà cũng mua uống 3 khía, 4 khía, rồi 6-8 khía mới ngủ được. Có lần tìm được vỉ Seduxen còn sót, bà Ngà phải uống thêm 2 viên mới ngủ được.

    Tương tự, bà Thanh, 44 tuổi, kinh doanh tại quận Phú Nhuận, TP HCM, không ngủ được vì lo học phí nước ngoài cho con, có đợt bị thúc ép tới mức sợ hãi lạnh tay chân, không thể chợp mắt… Khám bác sĩ gần nhà, không rõ chẩn đoán nhưng được dùng Alprazolam 0,25 mg 2 viên mỗi tối, rồi 0,50 mg đến 1,5 viên, 2 viên, rồi 2,5 viên mỗi tối mới hết sợ và ngủ được nhưng cũng thức sớm. Sau một thời gian dùng thuốc, người bà gầy đi, da xanh xao, không buồn trang điểm…

    [​IMG]
    Tùy tiện sử dụng thuốc điều trị mất ngủ có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa: agoracosmopolitan

    Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Trụ, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, khá nhiều bệnh nhân đến khám tại bệnh viện này đều kể triệu chứng khó ngủ, ngủ không được phải thức trắng và nhiều triệu chứng lo âu trầm cảm do buồn phiền về bệnh tật, về cuộc sống. Nhiều bệnh nhân do được thăm khám và điều trị không đúng chuyên khoa, dùng thuốc không đúng bệnh nên tình trạng mất ngủ kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.

    Bác sĩ Trụ phân tích, chẳng hạn trường hợp của bà Ngà là do không khám bác sĩ chuyên khoa nên có thể chẩn đoán chưa chuẩn, thuốc Seduxen và Lexomil chỉ hiệu quả đối với triệu chứng mất ngủ và một phần lo âu. Sau khi chuyển sang uống thuốc chống trầm cảm gây ngủ và giảm dần liều Lexomil, tình trạng bệnh nhân này cải thiện rất nhiều.

    Tất cả trường hợp mất ngủ dài ngày này, theo bác sĩ, người bệnh cần đi khám ở chuyên khoa tâm thần bởi nó có thể là dấu hiệu trầm cảm, đi khám để được cho thuốc hợp lý, chứ không nên tùy tiện tự "kê đơn" cho mình, hoặc dùng lại đơn của người khác, hoặc dùng lại chính đơn của mình trong các lần đi khám trước.

    Theo Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ FDA, các loại thuốc dùng khi có rối loạn giấc ngủ bao gồm cả 4 loại thuốc chính trong các nhóm thuốc chống trầm cảm (amitriptyline, doxepine, mirtazapine và trazodone). Tất cả loại thuốc đều có chỉ định hiệu quả điều trị và đều có nguy cơ bất lợi. Với các loại thuốc ngủ, dùng khi có triệu chứng khó ngủ hoặc không ngủ được cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đơn giản vì thuốc gây nhiều nguy cơ tác dụng phụ trước mắt và lâu dài ở các lứa tuổi, như có thể gây suy giảm nhận thức dễ dẫn đến té ngã ở người già, gây quen thuốc, ghiền hay nghiện ở người trẻ...

    Theo bác sĩ Safwan Badr, Viện trưởng Viện Hàn lâm thuốc ngủ Mỹ, tỷ lệ người uống thuốc ngủ theo toa bác sĩ thấp hơn tỷ lệ mất ngủ trong dân số chung. Ước tính có tới 50% người Mỹ mất ngủ nhưng chỉ có 4% dùng thuốc ngủ theo toa bác sĩ. Trong tỷ lệ 50% này, nhiều người không dùng thuốc điều trị mất ngủ mà áp dụng các phương pháp trị liệu khác không dùng thuốc.

    10 quy tắc vàng khi uống thuốc ngủ

    1. Đừng bao giờ uống thuốc ngủ mà không hỏi bác sĩ điều trị.

    2. Nói rõ cho bác sĩ biết các thuốc khác bản thân đang dùng.

    3. Nói rõ cho bác sĩ biết bản thân đang mắc căn bệnh khác, ví dụ bệnh về gan.

    4. Đọc, tìm hiểu kỹ những vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc ngủ.

    5. Uống thuốc đúng theo liều lượng ghi trong toa.

    6. Đừng bao giờ uống thuốc ngủ sau hoặc trước khi uống bia rượu.

    7. Chỉ uống thuốc ngủ khi thấy mình sẽ có đủ thời gian để ngủ (ví dụ uống Ambien hay Lunesta cần 7–8 giờ ngủ, có thể uống Intermezzo lúc nửa đêm nếu bạn sẽ thức dậy sau ít nhất 4 giờ ngủ).

    8. Lần đầu tiên uống thuốc ngủ cữ tối nên ở lại nhà sáng hôm sau.

    9. Đừng bao giờ lái xe máy sau khi uống thuốc ngủ.

    10. Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ khi có bất thường trong thời gian dùng thuốc ngủ.

    Bác sĩ Trụ cũng lưu ý, có nhiều người mất ngủ vì thói quen tâm sinh lý như uống các loại giải khát có chất kích thích, hoặc do sử dụng máy vi tính, điện thoại nhiều trong đêm nên cần cân nhắc điều chỉnh lối sống trước khi sử dụng thuốc ngủ. Cần chú ý “vệ sinh giấc ngủ” như chuẩn bị nơi nằm ngủ hợp lý trước, ăn tối nhẹ, thức ăn ấm không quá nóng hoặc lạnh, dễ tiêu, uống thuốc nghỉ ngơi, nghe nhạc hay chương trình tivi quen thuộc nhỏ nhẹ, khi buồn ngủ mới đi nằm, không nên đọc sách báo, đếm hay đọc kinh để ngủ.

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Mất ngủ nên đi khám chuyên khoa tâm thần

Share This Page