Tất cả chúng ta đều là người Sao Hỏa?

Discussion in 'Thiên văn - Vũ trụ' started by bboy_nonoyes, Sep 9, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 401)

    Bao năm qua chúng ta đều tin rằng sự sống của mọi sinh vật, trong đó có loài người, đều bắt nguồn trên Trái Đất. Thế nhưng một nghiên cứu khoa học gần đây lại cho rằng sự sống có thể có nguồn gốc từ trên Sao Hỏa, sau đó theo các tảng thiên thạch rời khỏi Sao Hỏa mà đến Trái Đất.

    >>> Sự sống ở trái đất bắt nguồn từ sao Hỏa

    Kết quả nghiên cứu nói trên được Giáo sư Steven Benner ở Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Westheimer (Mỹ) trình bày trong Hội thảo Hóa học Địa cầu Goldschmidt 2013 họp tại Florence nước Ý từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 vừa qua.

    Vào thời đại cách đây hàng tỷ năm, so với Trái Đất thì Sao Hỏa có những điều kiện thích hợp hơn cho sự phát triển sự sống. Thời ấy Trái Đất chưa có những yếu tố để tạo nên sự sống, cụ thể là chưa có những khoáng chất để hình thành RNA, tức phân tử gene đầu tiên của sinh vật.

    Nhiều năm nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu vấn đề nguyên tử dùng cách nào để hình thành 3 yếu tố quan trọng cấu tạo nên nguồn gốc của sinh vật: RNA (Ribonucleic acid), DNA (Deoxyribonucleic acid) và Protein.

    Các phân tử cấu thành vật chất di truyền thì phức tạp hơn rất nhiều so với các chất hữu cơ nguyên thủy mà Trái Đất tự sinh ra được cách đây 3 tỷ năm. Nếu chỉ đơn giản thêm nhiệt hoặc ánh sáng cho các chất hữu cơ nguyên thủy ấy thì các chất đó chỉ có thể hình thành hắc ín (tar) chứ không phải là RNA.

    [​IMG]

    Hơn thế nữa, trên Trái Đất thời kỳ đầu, khoáng chất có ích nhất cho sự hình thành RNA - đó là các khoáng chất chứa nguyên tố Boron và nguyên tố Môlipđen - đã bị hòa tan hết trong nước biển, bởi lẽ thời ấy toàn bộ bề mặt Trái Đất đều ngập trong biển nước, mà nước thì ăn mòn và hủy hoại RNA.

    Trong lúc đó trên Sao Hỏa lại có trữ lượng cực lớn loại khoáng chất đó. Sao Hỏa ngày ấy cũng có nước nhưng không nhiều, chỉ có khoảng một phần cực nhỏ bề mặt Sao Hỏa bị ngập nước.

    “Điều đó chứng tỏ trước khi sự sống được thiên thạch (rơi từ Sao Hỏa) chở xuống Trái Đất thì sự sống đã được sinh ra trên hành tinh màu đỏ này”, Giáo sư Benner nói.

    Ông cho biết: nguyên tố Boron và Môlipđen chứa trong khoáng chất là hai thành tố quan trọng để nguyên tử tạo nên RNA, thế nhưng như trên đã nói, Trái Đất thời kỳ sơ khai thì không thích hợp cho sự hình thành khoáng chất chứa Boron và Môlipđen.

    Benner giải thích tiếp: Chỉ khi nào Môlipđen được ôxy hóa cao độ - tức hình thành ôxyt Môlipđen, thì nó mới có thể ảnh hưởng tới việc hình thành sự sống thời kỳ đầu. Muốn Môlipđen được ôxy hóa cao độ, dĩ nhiên phải có ôxy.

    Nhưng Benner cho biết: Ba tỷ năm trước, Trái Đất thiếu ôxy, vì thế không thể nào ôxy hóa được Môlipđen. Nhưng Sao Hỏa khô hơn, có rất nhiều ôxy, thích hợp hơn cho sự hình thành khoáng chất chứa Boron và ôxyt Môlipđen.

    Bởi vậy, cho dù trên Trái Đất có tồn tại một số lượng nhất định khoáng chất chứa Boron và Môlipđen nhưng hình thái hóa học của chúng cũng không thể giúp ích cho sự hình thành RNA.

    “Những điều đó nói lên rằng chúng ta thực ra được sinh ra trên Sao Hỏa, nhưng sau đó theo các thiên thạch tới Trái Đất”, GS Benner kết luận.

    Nói cách khác, sự sống có nguồn gốc trong đất đá Sao Hỏa, sau đấy do tác động bên ngoài hoặc do núi lửa phun mà một số đất đá ấy trở thành các tảng thiên thạch bay ra khỏi Sao Hỏa và một số rơi xuống Trái Đất.

    Hiện nay có khoảng 1 tỷ tấn nham thạch bay lơ lửng trong khoảng không gian giữa Sao Hỏa và Trái Đất, khi bị các tiểu hành tinh va phải, chúng vỡ ra thành các thiên thạch và rơi xuống Trái Đất chúng ta.

    Dù sao Benner vẫn thừa nhận Trái Đất là hành tinh thích hợp hơn cho sự sinh tồn của các loài sinh vật. Ông nói: “Giả thử tổ tiên Sao Hỏa mà chúng ta phỏng đoán bây giờ hãy còn ở trên ấy thì chúng ta chẳng có chuyện gì để nói cả”.

    Boron là nguyên tố hóa học ký hiệu B, số nguyên tử 5, tiếng Việt gọi là Bo. Môlipđen là tên tiếng Việt của nguyên tố hóa học ký hiệu Mo, số nguyên tử 42, tên La-tinh là Molybdenum.

    Phải chăng là do thấy được tính chất quan trọng của Sao Hỏa trong sự hình thành nguồn gốc loài người mà ông Obama sau khi nhậm chức Tổng thống đã thay đổi phương hướng nghiên cứu của Cơ quan NASA, chuyển trọng tâm từ Mặt Trăng sang Sao Hỏa?

    Quả thật là các tàu vũ trụ-robot do NASA phóng lên đang đào bới Sao Hỏa, như tàu Curiosity, đã phát hiện thấy Sao Hỏa có nước và có dấu vết của chất hữu cơ. Nếu loài người buộc phải đi khỏi Trái Đất thì nơi họ đến có lẽ chỉ có thể là Sao Hỏa.

    Hiện nay đã có hàng nghìn người tình nguyện đăng ký tham dự chuyến đi một lần lên Sao Hỏa sinh sống (có đi, không có về), trong đó có cả một số người Việt Nam.

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tất cả chúng ta đều là người Sao Hỏa?

Share This Page