Cách đây một thế kỷ, vào ngày 23/8/1913, bức tượng "Nàng tiên cá" dựa theo câu chuyện cùng tên của nhà văn Đan Mạch nổi tiếng Hans Christian Andersen (1805-1875), đã được dựng lên ở vùng nước ven trung tâm thủ đô Vương quốc Đan Mạch, trở thành biểu tượng tiêu biểu của kinh thành Copenhagen giống như tháp Eiffel ở Paris (Pháp), hay tháp đồng hồ Big Ben ở London (Anh) vậy. Ý tưởng dựng tượng nảy sinh vào năm 1909 từ doanh nhân Carl Jacobsen (1842-1914), con trai cả của nhà doanh nghiệp Jacob Christian Jacobsen (1811-1887) cũng là người sáng lập Hãng bia Carlsberg trứ danh. Do bị cuốn hút sau khi xem vở nhạc kịch ballet "Nàng tiên cá", được chuyển thể từ câu chuyện cổ tích của nhà văn Andersen tại Nhà hát Hoàng gia Copenhagen, C. Jacobsen đã đặt nhà điêu khắc kỳ cựu Edvard Eriksen (1876-1959) làm một bức tượng bằng đồng, mô phỏng tư thế khi nổi lên mặt nước của nàng tiên cá như trong cốt truyện, thành quà tặng cho thành phố quê hương mình. Đồng thời C. Jacobsen cũng thỉnh cầu nữ diễn viên ballet Ellen Price (1878-1968), người thủ vai chính trong vở nhạc kịch làm khuôn mẫu cho pho tượng. Nhưng do E. Price không đồng ý với việc ngồi làm mẫu khỏa thân, nên chỉ có phần đầu với gương mặt xinh đẹp của nữ diễn viên được sử dụng, còn phần bên dưới dựa theo đường nét cơ thể của vợ điêu khắc gia E. Eriksen là bà Eline Eriksen (1881-1963). Gương mặt khả ái của nữ diễn viên E. Price đã được lấy làm khuôn mẫu cho bức tượng huyền thoại. (Ảnh: stjohnswoodmemories.org.uk) Được sự chấp thuận của Hội đồng thành phố Copenhagen, bức tượng đồng "Nàng tiên cá" cao 1,25m, nặng 175kg đã được đặt trong tư thế ngồi trên một tảng đá ở rìa bến tàu Langelinie, trong một buổi lễ khánh thành long trọng đúng 100 năm trước với sự hiện diện của tất cả thành viên Tòa đô chính Copenhagen, cũng như đông đảo công chúng và du khách có mặt ở thủ đô Vương quốc Đan Mạch. Cùng với thời gian, tượng Nàng tiên cá đã trải qua những bước thăng trầm đầy biến động cho thân phận lịch sử của mình. Ngoài nghi thức biểu tượng tiêu biểu của thành phố Copenhagen ra, vô hình trung pho tượng nổi tiếng này đã trở thành "đích nhắm" của bọn đạo chích, những kẻ ưa phá hoại các công trình văn hóa, hay đơn giản hơn là biến thành mục tiêu của những phong trào phản kháng khác nhau. Ngày 24/4/1964, phần đầu bức tượng đã bị các phần tử thuộc phong trào nghệ thuật quá khích Situationist cưa đứt và đem đi biệt tích, khiến Tòa thị chính Copenhagen buộc phải đặt làm đầu tượng khác thay thế. "Nàng tiên cá" luôn là tụ điểm lôi cuốn du khách muôn phương. (Ảnh: AFP) Hơn 20 năm sau, vào đêm 22/7/1984 cánh tay phải của tượng tì trên mặt đá đã bị lấy mất, sau đó cảnh sát truy lùng ráo riết mới tìm thấy. Đến ngày 6/1/1998, một lần nữa đầu tượng lại bị cưa đứt, rồi tìm lại được ở gần cổng Đài Truyền hình Copenhagen gần đó. Nguy hiểm hơn vào đêm 10/9/2003, những kẻ giấu mặt đã đặt chất nổ xô đổ tượng. Ngoài ra chưa kể nhiều lần tượng bị đổ sơn bê bết, khiến giới phục chế phải vất vả gột rửa cho sạch. Thậm chí trong 2 năm 2004 và 2007, toàn thân tượng bị phủ bởi chiếc váy trùm đầu theo kiểu Hồi giáo, nhằm phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập vào khối Liên minh châu Âu... Năm 2006, Hội đồng thành phố Copenhagen quyết định di chuyển biểu tượng Nàng tiên cá xa hẳn chỗ cũ, đồng thời đặt thiết bị báo động đề phòng mọi sự phá hoại, cũng như để ngăn chặn du khách tự tiện leo lên chỗ tượng ngồi chụp ảnh và vuốt ve khiến tượng chóng xuống cấp. Ảnh: mypostcard-page.blogspot.com Sự kiện tiêu biểu trong một thế kỷ tồn tại bức tượng huyền thoại, là lần đầu tiên tượng Nàng tiên cá được "xuất ngoại" chu du xuyên đại dương. Trong gần nửa năm, từ tháng 5 đến tháng 10/2010, biểu tượng Nàng tiên cá đã hiện diện, án ngữ gian hàng Đan Mạch trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ triển lãm quốc tế World Expo - 2010, được tổ chức ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Và để thỏa mãn sở thích của du khách hiếu kỳ, nghệ sĩ Đan Mạch gốc Trung Quốc Ai Weiwei đã cho dựng một màn hình khổng lồ ngay bên trên tảng đá mà tượng tọa lạc, cùng máy chiếu thường trực suốt ngày đêm mô tả các góc quan sát khác nhau về bức tượng Nàng tiên cá. Lễ kỷ niệm một thế kỷ tồn tại biểu tượng Nàng tiên cá đã diễn ra vào ngày 23/8 vừa qua ở thủ đô Copenhagen, được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh để khán giả toàn cầu tiện theo dõi. Một trong những hình ảnh tiêu biểu của buổi lễ là 100 nữ vận động viên bơi lội trong trang phục giống nàng tiên cá, vừa bơi vừa xếp hình con số 100 ở vùng nước quanh tượng đài bất hủ. Nguồn KhoaHoc.com.vn