Xu hướng di động hóa thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phải tìm ra những cách tiếp cận thị trường phù hợp với xu thế khách hàng ngày càng chuộng thu thập thông tin qua smartphone kết nối Internet. Vừa qua tại khách sạn Intercontinental TP HCM, hội nghị cấp cao về CNTT đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, Microsoft, Nokia, IBM, Nielson.... Hội nghị tập trung thảo luận xoay quanh các xu hướng công nghệ di động hiện nay và tương lai. Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực CNTT, di động, nghiên cứu thị trường và nước giải khát. Thị trường Việt Nam đang thể hiện mạnh mẽ xu hướng di động hóa và mạng, nhất là với đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Kèm theo đó là doanh thu smartphone tăng một cách mạnh mẽ, thay đổi cách thức truy cập Internet chỉ bằng máy tính để bàn. Ông Javier Polit, Giám đốc tin học thuộc bộ phận đầu tư của Coca-Cola cho rằng CNTT đang đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của tập đoàn này. Do vậy Coca-Cola sẽ phải thật linh hoạt và liên tục biến chuyển trong phương thức kinh doanh trên nhiều nền tảng công nghệ ở mọi thị trường. Ông Javier Polit nhận xét: "Làm cách nào để tận dụng các thiết bị di động như một phương thức tiếp cận người tiêu dùng chính là điểm mấu chốt để doanh nghiệp phát triển". Coca-Cola hoạt động tại thị trường Việt Nam không chỉ đơn thuần là hội nhập, tìm hiểu và áp dụng xu hướng công nghệ mới nhất, mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực về CNTT cho những nhân viên tiềm năng của tập đoàn cũng như giới trẻ năng động nhất là học sinh, sinh viên. Ông Javier Polit cũng cho rằng việc tạo vị trí và gây ảnh hưởng về các xu hướng CNTT sẽ dần thay đổi so với việc phương Tây và đặc biệt là Mỹ đang dẫn đầu hiện nay. Cụ thể các quốc gia châu Á như Việt Nam sẽ sớm định hình những xu hướng mạng xã hội và công nghệ di động thay vì chịu sự ảnh hưởng từ xu hướng của nước Mỹ. Sự thay đổi này sẽ là một quá trình rất thú vị và mang tính chiến lược lâu dài. Để có thể xác định giải pháp công nghệ phù hợp với xu thế và mối quan tâm hiện tại của Việt Nam, nhất là vấn đề bảo mật thông tin thì Chính phủ phải đảm nhận nhân tố quan trọng có khả năng định hướng và điều chỉnh các khuôn khổ cũng như chính sách thích hợp. Bên cạnh đó sự hợp tác giữa các tập đoàn và Chính phủ cũng sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế cùng lợi ích xã hội cho tất cả các bên. Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ CNTT Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc ứng dụng đào tạo CNTT trong xu thế di động hóa hiện nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ CNTT Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Việt Nam từ lâu đã xác định CNTT là một trong những động lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển quốc gia. "Do vậy các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần áp dụng CNTT vào hợp tác và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cơ quan hữu quan sẽ tìm hiểu thêm về khả năng cũng như định hướng của từng doanh nghiệp để Nhà nước có thể hỗ trợ, hợp tác tốt và đúng hướng, mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng", Tiến sĩ Tuyên nhấn mạnh. Theo đó cần mở rộng các dự án đào tạo CNTT cho cấp trung học cơ sở và ủng hộ các doanh nghiệp mở ra các khóa đào tạo công nghệ ngắn hạn bên cạnh hệ thống đào tạo, giáo dục chuẩn của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao, các doanh nghiệp nên tham khảo các cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông để thiết kế chương trình cho phù hợp. Minh Trí Nguồn: VNExpress