Trước khi có ý định mang bầu, chị em nên khám sức khỏe, bổ sung axit folic, tìm hiểu tiền sử bệnh tật... Trang Babycenter tổng hợp 17 điều chị em cần chuẩn bị khi có ý định thai nghén. 1. Khám sức khỏe Bác sĩ sẽ xem xét tổng quan tình hình sức khỏe của bạn, tiền sử bệnh gia đình và bất cứ loại thuốc nào bạn đang dùng. Một số loại thuốc rất nguy hiểm phải dừng sử dụng ngay trước khi bạn thụ thai, vì những chất này được lưu trữ trong chất béo của cơ thể và sẽ tích tụ ở đó, gây nguy hiểm về sau. Bạn cũng nên thảo luận với bác sĩ về chế độ ăn uống, cân nặng, tập thể dục và cả một vài thói quen không lành mạnh, như hút thuốc, uống rượu hay sử dụng ma túy. Hãy kiểm tra khả năng miễn dịch với một số căn bệnh như rubella, thủy đậu... Nên khám phụ khoa, cổ tử cung, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... nếu bạn thấy mình có nguy cơ mắc bệnh. Nhiều vợ chồng còn muốn xét nghiệm những bệnh như hồng cầu lưỡi liềm, xơ nang... dựa trên bệnh di truyền của gia đình. 2. Bổ sung axit folic Các bác sĩ khuyến cáo bạn nên uống 400 microgram axit folic trong suốt 3 chu kỳ kinh nguyệt trước khi có em bé, hoặc ít nhất một tháng trước khi thụ thai. Uống axit folic giúp bạn ngăn ngừa một số bệnh dị tật bẩm sinh, như khuyết tật ống thần kinh, nứt đốt sống... Bạn có thể mua bổ sung axit folic ở nhà thuốc hoặc dùng viên vitamin tổng hợp. Hãy để ý nhãn các hộp vitamin tổng hợp để đảm bảo chúng có chứa đủ 400 microgram axit folic và không nhiều hơn 770 microgram RAE vitamin A. Để chắc chắn, nên hỏi bác sĩ về những loại thuốc sẽ dùng. 3. Bỏ rượu, thuốc lá và một số loại thuốc Nếu đang hút thuốc lá thì đây là lúc nên dừng lại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc hoặc dùng một số loại thuốc có thể dẫn đến sảy thai, đẻ non hoặc trẻ nhẹ cân. Sử dụng thuốc lá ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm giảm số lượng tinh trùng đối tác của bạn. Khói thuốc lá cũng ảnh hưởng đến việc mang thai. Rượu cũng không tốt cho việc thụ thai. Uống rượu khi đang mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh và một loạt vấn đề khác cho em bé của bạn sau này. Không dùng thuốc lá khi chuẩn bị có em bé hoặc khi mang bầu. Ảnh: Babycenter 4. Chú ý chế độ dinh dưỡng Nên lựa chọn những thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng để thai nhi khỏe mạnh. Cố gắng ăn 2 chén trái cây, 1/2 chén rau mỗi ngày, các loại ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chứa nhiều chất như đậu, các loại hạt, nước cam, sữa chua... Những chất giàu protein, sản phẩm đậu nành, thịt... cũng rất tốt cho bạn trước khi mang thai. 5. Tránh dùng cà phê Trong khi chưa có sự đồng thuận về việc sử dụng cà phê bao nhiêu là an toàn thì các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời kỳ thụ thai không nên sử dụng với số lượng lớn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ caffein nhiều sẽ giảm khả năng sinh sản, nó cũng có thể gây sẩy thai sau này. Bà bầu hạn chế dùng cà phê 200 mg mỗi ngày. 6. Kiểm tra trọng lượng cơ thể Bạn có thể dễ dàng thụ thai nếu đang có trọng lượng ổn định, khỏe mạnh. Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hoặc cao đều gây khó khăn trong việc mang thai. Hãy nói chuyện với bác sĩ để đạt mục tiêu cân nặng mà bạn muốn, cố gắng không bị béo phì quá mức. 7. Chú ý khối lượng tiêu thụ cá Nếu bạn là tín đồ của món ăn tanh này, hãy bắt đầu để ý đến số lượng ăn mỗi ngày. Cá bao gồm nhiều chất như omega-3, axit béo rất quan trọng đối với não bộ của bé và phát triển của mắt như protein, vitamin D, và các chất dinh dưỡng khác, nhưng nó cũng chứa thủy ngân có thể gây hại. Hầu hết chuyên gia cho rằng phụ nữ mang thai nên ăn một số loại cá, tuy nhiên nên tránh những loại có hàm lượng thủy ngân cao. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ độ tuổi sinh đẻ không ăn cá mập, cá kiếm, cá thu, hoặc cá kình, và ăn không quá 6 ounces (1 phần ăn) cá ngừ đóng hộp mỗi tuần. 8. Tập thể dục Bắt đầu và cố gắng tập thể dục ngay từ bây giờ để có cơ thể khỏe mạnh, rất tốt cho việc mang bầu và cả sinh bé sau này. Đổ mồ hôi là cách tuyệt vời khiến bạn giảm căng thẳng trước và trong khi mang bầu. Một chương trình thể dục lành mạnh bao gồm bài tập khoảng 30 phút hoặc hơn, có thể đi bộ, đi xe đạp, yoga... Bạn hãy cố gắng tập đều đặn mỗi ngày trong tuần. 9. Gặp nha sĩ Bạn đang chuyên tâm cho việc chuẩn bị có thai, nhưng đừng quên những vấn đề về răng miệng của mình. Thay đổi hormon trong quá trình mang thai có thể làm cho bạn dễ bị bệnh nướu răng. Tăng progesteron và estrogen làm cho nướu răng phản ứng với các vi khuẩn mảng bám, dẫn đến sưng đỏ, răng bị chảy máu khi bạn dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải. Việc nhai kẹo cao su thường xuyên cũng gây ra nhiều bệnh về răng miệng. Vì vậy, hãy đến gặp nha sĩ để kiểm tra và làm sạch răng nếu bạn chưa làm trong 6 tháng qua. Xem tiếp Tuệ Minh (Theo Babycenter) Nguồn VNExpress