Tại phòng khám đông y trên đường Láng (Hà Nội), có một phụ nữ ngoài 30, ăn mặc thời trang nhưng khuôn mặt âu sầu. Chị vừa mất đi cái thai chưa đầy 8 tuần tuổi. Đây là lần thứ 7 chị mang thai nhưng chưa em bé nào được chào đời. Chị là Bích (31, Cần Thơ), lấy chồng 6 năm nay mà chưa có con. Chị kể lúc mới kết hôn một thời gian thì chị có thai nhưng không biết vì nguyên nhân gì thai tự sảy. Vợ chồng động viên nhau đi khám nhiều nơi. Khoảng 3 năm nay chị phải đi canh trứng liên tục và đã mang thai nhiều lần nữa nhưng cứ được 7-8 tuần thì sảy. "Cách đây 3 tuần, mình phát hiện có thai bằng que thử. Trong lòng như có luồng điện chạy qua, sung sướng nhưng ngay lập tức tim mình quặn đau vì đã sảy 6 lần trước đó rồi. Lần này đi siêu âm có tim thai, mình nghe theo lời dặn của bác sĩ nghỉ việc ở nhà dưỡng thai. Thế mà một tuần sau quay lại khám thì không thấy tim thai nữa, con mình không được đến cõi đời này rồi", chị nở nụ cười gượng gạo nhưng nước mắt đã rơi tự khi nào. Nhiều lần chị Bích tưởng như phát điên, cào xé, đấm đá chồng, thậm chí muốn tự vẫn. May sao, anh luôn là chỗ dựa, cho chị quậy phá một hồi rồi lại thổn thức như đứa trẻ. "Buồn thế mà vẫn luôn phải nghe những hỏi thăm, thắc mắc khó nuốt từ bạn bè, họ hàng. Vợ chồng mình phải xin bố mẹ ra ở riêng, tìm một chung cư nhỏ ít ai biết để chuyên tâm chữa trị. Bác sĩ nói cũng may tất cả lần sảy đều là tự nhiên nên vẫn còn cơ hội", người phụ nữ này tự trấn an. Có những phụ nữ bịs sảy thai nhiều lần mà không rõ nguyên nhân. Ảnh minh họa: Phan Dương. Lấy chồng hơn chục năm, có thai 3 lần thì cả 3 lần con của chị Hòa (32 tuổi, Phố Nối, Hưng Yên) đều ra đi ở tuần thứ 7. Chị Hòa kể, sau vài năm để tự nhiên không đậu thai, anh chị đã đi một số bệnh viện lớn khám tổng thể. Lần có thai đầu tiên năm 2006 là nhờ can thiệp bằng IUI (thủ pháp bơm trực tiếp tinh trùng vào buồng tử cung, còn gọi là thụ tinh nhân tạo). Song đến 8 tuần vẫn không có tim thai, chị Hòa đành phải buông đứa con mình mong mỏi bấy lâu. "Tất cả xét nghiệm của vợ chồng tôi đều tốt, từ đó đến nay cũng IUI nhiều lần, đậu thai thêm 2 lần nữa nhưng đều chết lưu ở tuần thứ 8. Tôi khó đậu thai, lúc có lại bị thai lưu, con đường có con gian khổ quá", chị sụt sùi kể. Mới đây, vợ chồng anh Thành (30 tuổi, Đông Hà, Quảng Trị) ra Hà Nội tìm nguyên nhân cho hiện tượng "thai cứ được 7 tuần lại tự sảy". Anh Thành cho biết vợ chồng anh cưới nhau gần 2 năm nay, sinh hoạt vợ chồng tự nhiên, có thai 3 lần nhưng không thai nào sống qua được 2 tháng đầu. "Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tại sao lại như vậy. Chúng tôi đã hết sức giữ gìn. Thậm chí từ lúc thử đậu thai, vợ tôi đã nghỉ hẳn ở nhà an dưỡng mà sao vẫn không thể qua được 2 tháng đầu", giọng anh buồn buồn. Theo thạc sĩ đông y Vũ Quốc Trung, trong đông y sảy thai theo thói quen (quen dạ sảy thai) còn gọi là “hoạt thai” hay “số đọa thai”. Phụ nữ sau khi có thai, mười hai kinh, khí huyết đều tập trung vào để dưỡng thai nhi. Trong đó 3 cơ quan là can, tỳ, thận là quan trọng nhất. Tam kinh can, tỳ, thận có liên quan mật thiết với 2 mạch Nhâm và mạch Xung. Do vậy khi thận khí bị tổn thương thì không thể giữ được thai; tỳ khí quá suy thì thai không bám được nên sảy thai là khó tránh; và can khí cường thịnh, uất kết sẽ gây thịnh nộ, đa ưu dẫn tới sảy thai... Có hai loại sảy thai: sảy thai tự nhiên và sảy thai liên tiếp. Theo thống kê, tỷ lệ sảy thai tự nhiên chiếm khoảng 20% số phụ nữ có thai, trong đó 2% sảy thai theo thói quen. Trong thực tế có phụ nữ sảy thai theo thói quen, sảy liên tiếp nhiều lần sẽ dẫn tới vô sinh, khó có con. Nguyên nhân gây sảy thai liên tục là tử cung kém phát triển (tử cung nhỏ, cổ tử cung nhỏ và dài), tử cung gấp và đổ ra sau hay u xơ tử cung, dị dạng tử cung, hở eo tử cung, bệnh lạc nội mạc tử cung... Ngoài ra còn do giảm nội tiết Estrogen, Progesteron, cường hoặc thiểu năng tuyến giáp. Hoặc cũng có thể do nhiều bệnh như giang mai, đái tháo đường, bệnh tim mạch, thận, bất đồng yếu tố RH giữa mẹ và con. "Người hay sảy thai không nên sinh đẻ quá dày, nếu không có thai lại dễ sảy, tạo thành tiền lệ để khí huyết bị hư tổn, mạch Xung Nhâm bị tổn thương, cuối cùng dẫn đến vô sinh", lương y Vũ Quốc Trung nói. Theo vị này, khi bị sảy nên tránh có thai ít nhất một năm. Trong thời gian này nên dùng các vị thuốc: đỗ trọng, tục đoạn, thỏ ty tử, phúc bồn tử, thục địa, tử hà xa… để bồi bổ can thận, làm cho tử cung bị thương tổn do sẩy thai được phục hồi bình thường rồi mới có thai lại. Lúc đó thai nhi cứng cáp không dễ bị sẩy. Các phương pháp chữa cụ thể: - Theo Đông y, bổ khí, ích huyết, trọng khí đầy đủ thì thai không xuống, nên không bị sẩy. Có ích huyết mới đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển bình thường. Hai vị thuốc thống ích huyết nên dùng là thục địa, a giao. - Nếu động thai bất an hoặc không vững chắc mà bong ra là do thận khí hư nhược gây ra. Tăng cường thận khí, làm cho Xung Nhâm mạnh mẽ thì thai sẽ ổn định, đỗ trọng và tục đoan là hai vị thuốc nên dùng. - Tỳ vị là nguồn giúp tiêu hóa. Hấp thụ và vận chuyển tinh khí có ảnh hưởng trực tiếp đến dinh dưỡng sức khỏe của con vì vậy cần phải kiện tỳ, dưỡng vị. Các vị thuốc nên dùng là sa sâm, bạch truật, hoài sơn. Bài thuốc ngừa sẩy thai quen dạ gồm các vị thuốc: thục địa, đương quy, cam thảo, bạch thược, tang ký sinh, tục đoan, đảng sâm, thỏ ty tử, ngũ vị tứ, hoài sơn, bạch truật, hoàng kỳ, nam để qua (tai bí ngô). Ngoài ra, dân gian có những bài thuốc chữa sảy thai đơn giản và hiệu quả, đó là lấy vỏ bao ngoài bắp ngô sao vàng sắc lấy nước uống, mỗi ngày một bắp. Đến tháng có thể sẩy thai thì tăng lượng gấp đôi cho đến khi đẻ thì thôi. Phan Dương Nguồn VNExpress