Bức xúc vì bị yêu cầu xét nghiệm hàng loạt 

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Aug 28, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 457)

    Thỉnh thoảng đau tức ngực, bà Vy (Gò Vấp, TP HCM) đến phòng khám đa khoa gần nhà. Sau khi thông báo sơ triệu chứng, bà được yêu cầu chụp Xquang, đo điện tim, thử nước tiểu và hàng loạt xét nghiệm axit uric, gan, cholesterol, đường huyết...


    "Khi tôi gặng hỏi tại sao bắt làm nhiều xét nghiệm thì được họ giải thích là cần biết cơ thể có bất ổn gì không để khi dùng thuốc khỏi bị ảnh hưởng", bà Vy kể. Cuối cùng bà từ chối xét nghiệm và đến một bệnh viện khác. Tại đây bà chỉ phải chụp Xquang và đo điện tim. Sau vài ngày điều trị thuốc, sức khỏe của bà hiện đã ổn.

    Với triệu chứng rối loạn tiền đình, thỉnh thoảng bị nhức nửa đầu khi thay đổi tư thế, ông Hùng (quận 2, TP HCM) đến khám tại một bệnh viện tư. Ngoài hàng loạt các xét nghiệm thường quy, ông được yêu cầu chụp MRI với giá 2 triệu đồng để kiểm tra "có mắc bệnh lý mạch máu não hay không". Trước khi về hưu, ông vốn là một bác sĩ, hiểu về bệnh của mình nên ông từ chối chụp MRI.

    "Tôi đâu có yếu liệt, mất cảm giác hay nôn ói gì đâu. Nếu như cái gì cũng đem chụp MRI thì có biết bao nhiêu bệnh nghĩ tới, phải làm hết à? Nguyên tắc khám bệnh là cái gì nghĩ tới nhiều nhất thì phải kiểm tra trước, tùy vào điều kiện bệnh nhân nữa chứ", ông Hùng cho biết.

    [​IMG]
    Một khâu trong quy trình xét nghiệm. Ảnh minh họa: Lê Phương.

    Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Đại học Y dược TP HCM, cần có sự hiểu đúng về "lạm dụng xét nghiệm". Không phải xét nghiệm ít là không lạm dụng mà xét nghiệm nhiều là lạm dụng. Nói đúng ra thì lạm dụng xét nghiệm là chỉ định xét nghiệm quá mức yêu cầu cần và đủ cho chẩn đoán, điều trị bệnh. Tuy nhiên, xác định thế nào là xét nghiệm quá mức cũng không đơn giản vì nó phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của bác sĩ.

    "Để dễ hình dung, việc chẩn đoán bệnh cũng như là việc đi tìm một cái kim rơi giữa đất, nếu ai giỏi phán đoán sẽ khoanh vùng nhỏ hơn để tìm, còn không thì phải tìm lan man, ắt sẽ tốn công sức", phó giáo sư Thắng ví von.

    Ba nguyên nhân chính có thể dẫn tới việc lạm dụng xét nghiệm là do khả năng trình độ của bác sĩ, do đạo đức lương tâm của thầy thuốc hoặc cũng có thể do mục tiêu kinh tế. Theo ông, bác sĩ có chẩn đoán ban đầu tốt thì chỉ cần xét nghiệm ngay vào cơ quan bị bệnh. Ví dụ nếu đã chẩn đoán bệnh gout thì chỉ cần xét nghiệm acid uric/ máu là đủ. Chẩn đoán bệnh ở gan hay thận thì tập trung xét nghiệm về gan hay thận thôi…, ngoại trừ một số trường hợp cần xét nghiệm một số cơ quan liên quan để sử dụng thuốc.

    Phó giáo sư Thắng cho biết trong khám và điều trị thường có nhiều loại thuốc có ảnh hưởng lên thận, gan, tim mạch, do đó bác sĩ phải biết chức năng các bộ phận của bệnh nhân, nếu nghi ngờ bác sĩ sẽ cho xét nghiệm. Có những bệnh tưởng không có liên quan gì tới xét nghiệm như khi có hình ảnh hủy xương nhiều nơi có thể do bướu nguyên phát của xương (bệnh Kahler, loạn sản sợi xương…) hay bướu của tuyến cận giáp hay ung thư ở cơ quan nào đấy di căn tới xương… Lúc này để chẩn đoán thì phải dựa vào kết quả cận lâm sàng. Hay bệnh nhân đau bụng cũng có rất nhiều nguyên nhân gây đau, để chẩn đoán bệnh ngoài việc dựa vào kinh nghiệm thăm khám lâm sàng của bác sĩ thì kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh.

    "Có thể tốn một ít tiền để xét nghiệm nhưng nhờ xét nghiệm chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng đích sẽ nhanh lành bệnh và tất nhiên sẽ ít tốn kém tiền bạc hơn. Có lẽ chúng ta dễ nhận ra xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, song chỉ định và sử dụng kết quả xét nghiệm thế nào cho hợp lý là cả một vấn đề", vị phó giáo sư này phát biểu.

    Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y khoa Medic, thông thường nếu có dấu hiệu nghi ngờ, để không bị lọt chẩn đoán, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết. Xét nghiệm giống một cửa lọc để hạn chế sai sót lâm sàng. Nhưng điều này đòi hỏi bác sĩ phải cân nhắc vì ảnh hưởng đến túi tiền bệnh nhân, không lạm dụng xét nghiệm vì vấn đề lợi nhuận. Nếu bệnh nhân nhìn vào bảng xét nghiệm thấy thắc mắc thì có quyền yêu cầu bác sĩ giải thích đó là xét nghiệm gì, mục đích gì để hiểu rõ hơn, không phải lãng phí vì những xét nghiệm không cần thiết.

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Bức xúc vì bị yêu cầu xét nghiệm hàng loạt 

Share This Page