Hôm qua sau khi uống say, tôi đi chơi với một cô bạn bị HIV. Tay cô ấy ra nhiều mồ hôi và mình có chạm vào. Về nhà, tôi bị ngã xe, một bàn tay bị trầy xước, thế là tôi lấy bàn tay hồi nãy xoa lên vết thương của mình. Cũng xin nói thêm, lúc gần gũi nhau, tôi không quan hệ tình dục nhưng có để tinh dịch của mình bắn lên người cô ấy. Giờ tôi lo quá không biết mình có nhiễm HIV không. Tôi phải làm sao bây giờ? (Hưng). [Ảnh minh họa: suckhoe. Trả lời: Chào Hưng, Theo mô tả của bạn, tôi tạm thời tóm tắt tình huống của bạn như sau: - Bạn có tiếp xúc tình dục với một người có H. - Bạn cho biết không quan hệ tình dục, theo tôi, có thể bạn muốn nhắc đến hành vi quan hệ tình dục ngả âm đạo. Trong chia sẻ bạn không mô tả rõ, nhưng tôi có thể mường tượng rằng bạn đã quan hệ tình dục đường miệng với cô gái ấy. - Bạn có tiếp xúc với mồ hôi của cô gái. Sau đó, do ngã xe, bạn bị trầy xước và dùng tay chạm vào vết thương. Trong phần chia sẻ của Hưng, có lẽ mối lo ngại lớn nhất của bạn là yếu tố “tiếp xúc với mồ hôi của người nhiễm HIV rồi lại chạm vào vết thương hở”. Không thể phủ nhận, trong bất kỳ dịch tiết cơ thể nào của người nhiễm HIV đều có chứa virus HIV. Tuy nhiên nồng độ hay số lượng virus trong các loại dịch tiết ấy là khác nhau tùy thuộc vào bản chất của dịch tiết và tình trạng bệnh. Yếu tố nồng độ đóng vai trò quan trọng trong lây truyền các bệnh nhiễm trùng. Nói cụ thể, một bệnh nhiễm trùng muốn lây nhiễm cần có một lượng vi sinh vật xâm nhập nhất định. Đây là điều kiện cần cho sự xâm nhiễm của tác nhân gây bệnh, gọi là “ngưỡng gây bệnh”. Tôi có thể mô tả đơn giản như sau. Muốn xâm chiếm một lãnh thổ, ta cần có một đội quân với số lượng nhất định, nếu ít hơn quân số này, khi tấn công hệ thống phòng ngự sẽ phản kháng và bảo vệ, tiêu diệt toàn bộ quân số mà ta điều đi. Y học chứng minh rằng, mồ hôi cùng các dịch tiết thông thường (nước mắt, nước bọt, nước tiểu…) đều chứa nồng độ virus HIV cực kỳ thấp, không đủ để gây nhiễm. Lý luận này được củng cố bằng hai khảo sát thực tế là: + Chưa ghi nhận ca nhiễm HIV nào chỉ thông qua tiếp xúc thông thường. + Rất nhiều gia đình có người nhiễm HIV vẫn duy trì sinh hoạt bình thường (giặt đồ chung, ngủ chung giường, sử dụng chung quần áo, nhà vệ sinh…) mà không bị lây nhiễm HIV từ người bệnh. Nói tóm lại, mối lo sợ mà bạn cho là lớn nhất, trên thực tế là “nguy cơ rất thấp”. Bạn không nên quá lo ngại. Trái lại, hành vi nguy cơ mà tôi quan tâm và lo ngại nhiều hơn là tiếp xúc tình dục, dù có thể chỉ bằng đường miệng trong trường hợp của bạn. Oral sex (quan hệ tình dục bằng đường miệng) được xem là quan hệ tình dục xâm nhập. Đây là hành vi nguy cơ trong lây nhiễm HIV, mặc dù thấp hơn so với quan hệ ngả âm đạo và hậu môn. Đường lây này đôi khi bị bỏ qua, tuy nhiên, nó vẫn góp phần đáng kể trong lây nhiễm HIV, và nguy hiểm hơn là những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, vì nhóm bệnh này phổ biến hơn rất nhiều so với HIV. Tôi khuyên bạn nên đến cơ sở y tế để được tham vấn và xét nghiệm HIV, cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Cũng xin lưu ý với bạn, say xỉn không phải là yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV, tuy nhiên được xem là yếu tố nguy cơ gián tiếp vì nó liên quan rất nhiều đến thực hành “tình dục an toàn”. Cụ thể là một người khó kiểm soát hành vi và thường không sử dụng bao cao su hay sử dụng chưa đúng cách. Trong trường hợp của bạn tình trạng say xỉn cũng đã gây ra hậu quả là tai nạn trên đường, và còn nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì thế qua vụ việc này, bạn cũng nên rút kinh nghiệm hạn chế sử dụng bia rượu. Thân ái. BS Nguyễn Tấn Thủ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới Nguồn VNExpress