Sợ con mình lơ ngơ trước các vấn đề giới tính khi sống ở bên trời Tây, một số phụ huynh đã mạnh dạn mời thầy về nhà giải đáp các thắc mắc xoay quanh tâm sinh lý tuổi mới lớn. Thời điểm này cách đây một năm, Nguyên (16 tuổi), con trai chị Lan (Tây Hồ, Hà Nội) chuẩn bị trở thành du học sinh Mỹ. Bên cạnh kiến thức văn hóa, chị Lan còn trăn trở về những kiến thức tâm sinh lý tuổi mới lớn của con, bởi cậu mới bước sang tuổi 16, độ tuổi ẩm ương mà trẻ con không phải, người lớn cũng không ra. Chị lo lắng không biết con mình có nhận thức đầy đủ, rõ ràng các vấn đề “nhạy cảm” này không. Nghĩ vậy, chị đã khuyên con đến phòng khám Nam học với mong muốn Nguyên sẽ được tư vấn đầy đủ. Ảnh minh họa: mop.com Tuy nhiên, khi bước vào phòng khám, cảm giác đầu tiên của Nguyên là e ngại. Khác hẳn với suy nghĩ của cậu, các bác sĩ ở đây không trò chuyện, tâm sự cởi mở mà chủ yếu là khám bệnh. Kết quả là sau khi nhận được giấy khám cộp mác “sức khỏe hoàn toàn bình thường”, Nguyên gần như không tiếp thu thêm được gì kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản. Vẫn chưa yên tâm, chị Lan tiếp tục tìm kiếm các trung tâm tư vấn tâm sinh lý tuổi mới lớn. Cuối cùng chị tìm được trung tâm y tế nằm trên đường Phạm Hùng và mời một bác sĩ tâm sinh lý trẻ, hài hước đến trò chuyện với con trai một buổi trước khi đi du học. Buổi chia sẻ kéo dài gần 3 tiếng tại nhà chị Lan, dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Trương Gia Bảo. Mới đầu Nguyên cùng 3 người bạn chuẩn bị du học đều ngại ngùng nên không hỏi nhiều. Nhưng chỉ một lúc sau, bầu không khí thay đổi hoàn toàn, Nguyên và các bạn háo hức đưa ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề nhạy cảm. Kiến thức mà cậu và các bạn quan tâm cũng giống như sự tò mò của hầu hết teen nam đang bước vào tuổi dậy thì như mộng tinh, lông mọc vùng kín, "cậu nhỏ" cương cứng mỗi khi ở bên cạnh người bạn gái mà mình thích, "chuyện ấy"… Buổi học kết thúc trong không khí thoải mái, hào hứng của cả thầy và trò. “Thật ra kiến thức đấy em có biết sơ sơ vì từng tìm hiểu trên mạng, đọc sách. Nhưng sau khi nói chuyện, được bổ sung kiến thức một cách đầy đủ, chính xác, em thấy vững vàng, tự tin hơn nhiều”, Nguyên cho biết. Chị Lan cũng rất vui mừng chia sẻ: “Là mẹ, mình rất muốn con học được kiến thức sức khỏe giới tính từ một nguồn chính thống, chứ không phải kiến thức thiếu chuẩn mực trên các trang mạng hiện nay. Sau khi cho con nói chuyện với chuyên gia, thấy con tự tin, cởi mở hơn về các vấn đề nhạy cảm, mình cũng yên tâm". Đến nay, sau một năm du học tại Mỹ, Nguyên có phản hồi khá tích cực về buổi học đặc biệt ấy. “Buổi nói chuyện khiến em thấy tự tin hơn nhiều. Khi ra nước ngoài, em không bị bỡ ngỡ, cũng không gặp rắc rối gì liên quan đến vấn đề tâm sinh lý. Và chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều lúc em cần đến kiến thức đó”, Nguyên chia sẻ. Bác sĩ, chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm sinh lý Trương Gia Bảo, cho biết hình thức phụ đạo kiến thức tâm sinh lý cho học sinh chuẩn bị đi du học xuất hiện khoảng hai năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh mong muốn con em mình được giáo dục tâm sinh lý một cách chính thống, đầy đủ nhất. Vì bố mẹ bao giờ cũng lo lắng con đi du học xa nhà, thiếu hụt kiến thức rất dễ dẫn đến hậu quả. Đến nay, hình thức này chưa thực sự phổ biến, mới dừng lại ở việc dạy tư và các phụ huynh giới thiệu lẫn nhau là chính. Khi mới bắt đầu buổi học, các em thường tỏ ra bỡ ngỡ, ngại ngần không dám hỏi, nhưng chỉ một lúc sau, các em đã nhập cuộc hào hứng với rất nhiều câu hỏi thú vị, thiết yếu với lứa tuổi mới lớn. Chuyên gia cũng nhận thấy một điều khá thú vị khi so sánh câu hỏi của các bạn nam và nữ. Các bạn nữ kín đáo tế nhị hơn, chỉ hỏi những vấn đề liên quan đến bộ phận trên cơ thể, như lần đầu có kinh nguyệt, "núi đôi" sưng đau bất thường, quan hệ tình dục thì nên làm thế nào để an toàn nhất… mà tuyệt đối không hỏi về người khác phái. Trong khi các bạn nam thì ngược lại, tò mò đủ thứ chuyện liên quan đến tâm sinh lý cả nam lẫn nữ. Theo chuyên gia, các em dù du học hay ở trong nước, khi bước vào tuổi dậy thì đều cần được trang bị kiến thức sức khỏe giới tính một cách đầy đủ, chính thống nhất. Bên cạnh đó, các em cũng nên dành nhiều thời gian hơn nữa vào hoạt động nhóm để giảm nguy cơ mắc phải tệ nạn xã hội. Đặc biệt, với những em du học, hay học xa gia đình thì cần tự tạo cho mình tính tự lập, không được sống buông thả, tránh để lại hậu quả đáng tiếc. Thế Đan Nguồn VNExpress