Các APU Richland cho máy tính để bàn vẫn tập trung vào việc cải thiện hiệu năng qua việc tích hợp đồ họa Radeon HD 8000 series. Cách đây không lâu, AMD đã giới thiệu những mẫu chip APU thế hệ thứ ba (tên mã Richland) đầu tiên cho máy tính xách tay và thiết bị lai trong khi chip điện áp thấp (TDP 17W) và chip dành cho máy tính để bàn (TDP 100W) đã được trình làng vào cuối quý II vừa qua. Về cơ bản, APU Richland được xem là phiên bản làm mới từ chip Trinity với thiết kế dựa trên vi kiến trúc Piledriver cùng công nghệ sản xuất High-K Metal Gate SOI 32nm. Tuy có cùng mức công suất tiêu thụ (TDP) nhưng Richland có xung nhịp (core clock) cao hơn và hoạt động hiệu quả hơn so với Trinity. Bên cạnh đó, các APU Richland còn tích hợp chip xử lý đồ họa Radeon HD 8000 series cũng góp phần đáng kể cải thiện năng lực xử lý đồ họa. Khái niệm APU (bộ xử lý tăng tốc đồ họa) được AMD đưa ra vào năm 2009 qua việc giới thiệu nền tảng Fusion nhưng dự án này đã kéo dài đến giữa năm 2010, hãng mới trình làng APU Fusion đầu tiên tại triển lãm Computex 2010. Dù vậy trên thực tế, những đột phá của AMD bắt đầu từ các APU dòng A (bộ xử lý tăng tốc đồ họa) thế hệ thứ hai (tên mã Trinity) được hãng tung ra thị trường vào tháng 5 năm ngoái. APU Trinity được sản xuất dựa trên vi kiến trúc Piledriver công nghệ 32nm, thiết kế hướng đến dòng máy tính xách tay và để bàn phổ thông. Dòng Richland hiện có 5 mẫu APU dành cho nền tảng máy tính để bàn, trải dài từ phân khúc phổ thông cho tới cao cấp, trong đó mẫu hiệu năng cao nhất là A10-6700 có mức công suất tiêu thụ (TDP) 65W và mẫu APU không khóa hệ số nhân A10-6800K, TDP 100W. Ngoài ra, các mẫu APU Richland cũng sử dụng socket FM2 – 904 chân, tương thích với các bo mạch chủ chipset AMD A55, A75 và A85X. Như vậy, người dùng không phải thay đổi cả nền tảng phần cứng mới khi nâng cấp từ Trinity lên Richland. Hiệu năng Để bạn đọc tiện tham khảo, Test Lab tiến hành thử nghiệm 2 chip APU Richland gồm A10-6800K, A8-6600K và so sánh hiệu năng với chip Trinity A10-5800K. Thiết kế 3 mẫu APU trên cùng dựa trên vi kiến trúc Piledriver, trang bị 4 nhân xử lý không khóa hệ số nhân, bộ nhớ đệm cache L2 4MB và có mức công suất tiêu thụ (TDP) 100W. Điểm khác biệt là A10-6800K chạy ở xung nhịp mặc định 4,1GHz và có thể tăng tốc đạt mức 4,4GHz nhờ công nghệ Turbo Core. Bộ xử lý này cũng hỗ trợ bộ nhớ kênh đôi DDR3 xung nhịp đến 2133GHz, trang bị đồ họa tích hợp (iGPU) HD 8670D chạy ở xung nhịp 844MHz, có 384 đơn vị xử lý dòng (stream processing unit), 24 đơn vị phủ vân bề mặt hình ảnh (texture unit) và 8 đơn vị ROP màu (color ROP unit). Chip xử lý tầm trung A8-6600K có xung nhịp thấp hơn một chút so với A10-6800K, mặc định là 3,9GHz và đạt mức 4,2GHz khi tăng tốc. A8-6600K hỗ trợ RAM kênh đôi DDR3 bus 1866GHz, trang bị đồ họa tích hợp (iGPU) HD 8570D chạy ở xung nhịp 844MHz nhưng chỉ có tổng cộng 256 stream processing unit, 16 texture unit và 8 color ROP unit. Tương tự mẫu chip Trinity A10-5800K cũng chạy ở xung nhịp mặc định 3,9GHz và 4,2GHz khi tăng tốc, hỗ trợ RAM kênh đôi DDR3 bus 1866GHz. Đồ họa tích hợp (iGPU) HD 7660D chạy ở xung nhịp 800MHz, có 384 stream processing unit, 24 texture unit và 8 color ROP unit. A10-6800K với xung nhân xử lý cao, đồ họa tích hợp mạnh nên điểm số đạt được có phần vượt trội so với 2 mẫu APU còn lại trong các phép thử. Cụ thể với phép thử đồ họa 3DMark 11, chế độ Performance (độ phân giải 1280x720 pixel), Richland A10-6800K cao hơn 2,1% so với Trinity A10-5800K và cao hơn A8-6600K đến 21,2%. Với Cinebench đánh giá khả năng xử lý đa luồng của CPU, A10-6800K cũng cao hơn lần lượt là 8,1% và 6,5% so với A10-5800K và A8-6600K. Trong phép đánh giá tổng thể cấu hình thử nghiệm với PCMark 8, Richland A10-6800K tiếp tục chứng tỏ sức mạnh toàn diện với điểm số cao hơn lần lượt là 2,5% và 8,8% so với 2 mẫu APU còn lại. Về phía A8-6600K, việc đẩy xung nhịp CPU lên mức cao hơn và tích hợp nhân xử lý đồ họa HD 8570D giúp cải thiện đáng kể hiệu năng tổng thể lẫn năng lực xử lý đồ họa mẫu APU tầm trung này. Với Cinebench, A8-6600K đạt 3,38 điểm, nhỉnh hơn so với A10-5800K là 3,33 điểm. Tương tự trong các phép thử đồ họa 3DMark 11 và 3DMark Fire Strike, điểm số Physic cho thấy hiệu năng CPU của A8-6600K cũng không hề kém so với A10-5800K. Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả bên dưới. Điện năng tiêu thụ Kiểm tra công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark 11, công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường bình thường (khoảng 30 – 31 độ C). Ở chế độ không tải, công suất cấu hình thử nghiệm cả 3 mẫu APU không có sự chênh lệch đáng kể, trong đó cao nhất là A10-6800K đạt 56,3W và thấp nhất là A8-6600K chỉ với 53,6W (tính theo trị số trung bình). Tuy nhiên trong phép thử đồ họa 3DMark 11, A10-6800K và A8-6600K lần lượt có công suất tiêu thụ là 150,5W và 148,5W (tính theo trị số cao nhất), cao hơn so với mức 140,2W của A10-5800K. Xét mức điện năng tiêu thụ, 2 mẫu APU Richland không có “tiến bộ” so với thế hệ trước. Điều này cũng phản ánh một thực tế là các chip xử lý của AMD vẫn tập trung vào việc cải thiện hiệu năng trong khi chip Haswell của Intel đã chuyển sang hướng di động, kiểm soát tốt hơn việc sử dụng năng lượng của các thành phần trong chip. Đánh giá chung Kết quả thử nghiệm bên dưới cho thấy mỗi chip xử lý đều có cơ hội thể hiện những ưu thế riêng. Bên cạnh đó, kết quả 3DMark và các game DirectX 11 như DiRT 3, Alien vs. Predator 1.03 cũng cho thấy hiệu năng xử lý đồ họa của các APU thử nghiệm khá ấn tượng, có thể chơi tốt những game nặng hiện nay ở độ phân giải 1280x720 pixel với chất lượng đồ họa khá, thậm chí với một số game cụ thể như DiRT 3 hoàn toàn chạy mượt khi đẩy độ phân giải lên mức 1920x1080 pixel, thiết lập chế độ khử răng cưa 2xAA. Đây cũng là tin vui cho người dùng khi chi phí bỏ ra không quá lớn, hiệu năng tương đối, phù hợp cả cho nhu cầu học tập, công việc lẫn chơi game giải trí. Cấu hình thử nghiệm bo mạch chủ Gigabyte GA-F2A85X-UP4, RAM Corsair Dominator Platinum kit 8GB, bus 2.133MHz, SSD Kingmax SMP3C 60GB, PSU Cooler Master Real Power Pro 1250W; Windows 8 64bit. Nguồn PC World VN