Lưu ý khi chọn giày cho người tiểu đường

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Aug 27, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 397)

    Đi chọn giày cho bố, chị Thuận (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết bố chị bị tiểu đường đã 5 năm nay, biến chứng đục thủy tinh thể làm mù một bên mắt, chân cũng thỉnh thoảng bị nhiễm trùng.


    Bác sĩ dặn bệnh này không được đi chân không, phải mang dép thường xuyên, nhưng dù chị Thuận chọn giày rất kỹ thì vẫn có đôi cứ mang vài bữa là thể nào cũng bí hơi, khó chịu, phải vứt đi. "Mỗi lần vào bệnh viện khám bệnh, thấy một vài người bị cắt chân là cả mình và ông cụ đều lo, có bất kỳ sơ suất nào gây trầy xước, tổn thương chân là lại mất ăn mất ngủ", chị Thuận chia sẻ.

    [​IMG]
    Có nhiều lưu ý khi chọn giày cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: C.T.

    Theo chị Diệu Linh, nhân viên cửa hàng giày trên đường Lê Văn Sỹ (Tân Bình, TP HCM), những loại giày dành cho người tiểu đường thường là thấp cổ để phù hợp với đặc điểm bàn chân dễ tổn thương. Hiện trên thị trường đã có một số loại giày chuyên biệt rất tiện dụng cho họ.

    "Nên chọn giày có gót thấp khoảng 1,5 đến 2,5 cm, tiết diện gót rộng, tức gót bằng nhằm phân bố áp lực bình thường lên bàn chân, hạn chế nén ép, tránh gây tổn thương da, mạch máu, dây thần kinh hoặc làm trầy xước da", chị Linh cho biết thêm.

    Ngoài ra, cần chú ý mũi giày tròn, dày dặn, giúp tạo độ vững chắc khi di chuyển và đứng lâu. Cửa giày cũng cần mở rộng hơn thông thường để dễ xỏ chân ra vào. Phần mũ, lót giày phải êm, mềm mại, không cộm nhằm tránh tổn thương, trầy xước da bàn chân khi đi lại. Lót mặt giày cần có độ êm nâng đỡ giúp đảm bảo phân bố áp lực đều lên lòng bàn chân, giảm chấn thương..., có bộ phận đóng mở giày thuận tiện, linh hoạt như dây buộc, băng dính nhám giúp dễ điều chỉnh giày vừa vặn với bàn chân.

    Theo chị Linh, giày dành cho người tiểu đường cũng cần hạn chế tối đa tác động của vi khuẩn để tránh hôi chân và có thể gây bệnh lý cho bàn chân. Phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, không gây độc hại, giúp bàn chân luôn khô ráo sạch sẽ, hạn chế tối đa khả năng va đập, đâm xuyên của các vật thể…

    Theo các bác sĩ nội tiết, loét bàn chân là một trong những biến chứng nguy hiểm hàng đầu ở bệnh tiểu đường, thường xảy ra ở mu bàn chân, ngón cái, với tỷ lệ tử vong cao tương đương ung thư. Do bệnh thường làm tổn thương các mạch máu ở bàn chân, dễ dẫn đến tắc mạch máu, gây trở ngại cho quá trình máu lưu thông đến chân nên dễ dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử.

    Thông thường, nguyên nhân phổ biến của biến chứng này là do bệnh nhân đi giày dép chật, không biết cách chăm sóc đôi chân.


    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Lưu ý khi chọn giày cho người tiểu đường

Share This Page