Lần đầu cắt trọc mà cô bé Ngọc Ánh (6 tuổi) vẫn cười rạng rỡ. Người xung quanh không khỏi đau lòng nhìn từng sợi tóc lơ thơ của em rơi xuống. Cuối hành lang, nước mắt bố em chỉ chực rơi: 'Con bé biết hết chuyện nhưng nó cứ vô tư thế'. Hành lang khoa Điều trị hóa chất (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ở Hà Nội) chiều thứ năm nào cũng đông đúc, nườm nượp người. Bệnh nhân xếp thành hàng dài đăng ký được cắt tóc. Ở hành lang, một chị điều dưỡng đẩy xe dụng cụ cắt tóc vào góc. Chị cẩn thận kiểm tra tông đơ và nhỏ dầu bôi trơn trước khi cắt. Trên tấm biển cạnh đó ghi "Điểm cắt tóc miễn phí, thứ năm hàng tuần từ 16h30 đến 18h". Vậy mà chưa đến 16h người cắt tóc đã nườm nượp và các nhân viên y tế cũng bắt tay vào công việc luôn. Cô bé Ngọc Ánh, mới 6 tuổi, là người thứ hai chạy lên ghế cắt tóc. Mái tóc chấm vai, lơ thơ chỉ còn vài sợi của em - hệ quả của việc điều trị hóa chất - khiến mọi người đau lòng. Khi người y tá đưa tông đơ cạo sạch từng mảng tóc còn lại, em vẫn cười rạng rỡ, cổ co rúm lại la lên: "Buồn quá, buồn quá". Tất thảy người xung quanh đều chú ý vào em. Không ít người xuýt xoa: "Bé xinh quá nhỉ". Ở một góc tường khuất phía sau, đôi mắt anh Hùng (Bình Gia, Lạng Sơn), bố bé Ngọc Ánh, hằn lên những vệt đỏ, nước mắt chỉ chực rơi. "Con bé biết hết chuyện nhưng nó cứ vô tư thế", lời anh nặng trĩu. Ngọc Ánh bị phát hiện mắc bạch cầu cấp hơn một năm nay. Từ đó, tuổi thơ vui cười của em gắn liền nơi bệnh viện. Cứ sau một đợt hóa trị liệu, mái tóc tơ hơi vàng của em lại rụng từng mảng. "Tóc cháu rụng nhiều, trông xác xơ, khó vệ sinh lắm. Bố con tôi từ quê xuống thủ đô chỉ biết quanh quẩn bệnh viện, may sao ở đây có tổ chức điểm cắt tóc miễn phí hỗ trợ bệnh nhân", người bố chia sẻ. Anh nhìn sang con, tiếp: "Lần đầu tiên bị cắt trọc lóc mà con bé vẫn cười vô tư được". Lời anh đau đớn nhưng có sự tự hào vì sự can đảm của cô con gái nhỏ có nụ cười xinh xắn. Clip Bác sĩ cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân Đối với bệnh nhân, cắt tóc là một khâu quan trọng để giữ vệ sinh cá nhân. Ảnh: Phan Dương. Một cụ ông chừng 70 tuổi, mái tóc bạc quá nửa được khoác tấm áo choàng lên cổ. Cô điều dưỡng cất giọng nhỏ nhẹ: "Hôm nay bác muốn cắt kiểu gì". Ông cụ nhìn sang cạnh, đôi mắt dán vào cái đầu tròn xoe: "Cắt cho tôi kiểu giống anh này". Cô điều dưỡng cầm lược nhỏ tạo kiểu tóc, rồi đưa những đường kéo thành thục. Đôi mắt và bàn tay cô chuyên tâm làm việc nhưng miệng vẫn không ngớt hỏi đủ thứ chuyện, nào là trưa nay cụ ăn gì, con gái đầu hay cậu con trai đến viện chăm nom... Cứ sau một tháng, anh Tiêu (46 tuổi, Ninh Bình) lại có một đợt điều trị và trước mỗi lần như vậy, anh đều cắt tóc tại viện. Khi người bệnh đã tản mác về hết về các khoa phòng tắm rửa, anh Tiêu mới ngồi vào ghế cắt tóc. Như bao người khác, cô "thợ cắt tóc" hỏi nhẹ nhàng: "Anh thích kiểu nào". Người đàn ông trung tuổi, nước da ngăm đen, khuôn mặt buồn cất giọng chậm chạp: "Nó rụng nhiều nên cô cứ cạo trọc cho tôi". Cô điều dưỡng vâng dạ, cầm tông đơ đưa lên xuống. Chỉ chừng một phút mái tóc đang lơ thơ của anh đã được cạo sạch sẽ. Trên đó có vài vết sẹo mà theo anh chia sẻ là "sẹo từ thuở chăn trâu"... Cô bé Ngọc Ánh lạ lẫm với mái đầu mới. Lần đầu bị cạo trọc mà em vẫn cười tươi. Ảnh: Phan Dương. Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Quang Hưng, Phó trưởng khoa điều trị hóa chất, người đầu tiên lên ý tưởng cắt tóc cho bệnh nhân cho biết, sáng kiến này xuất phát từ thực tế bệnh nhân ở viện phải điều trị hóa chất khiến tóc rụng, mất vệ sinh. Bệnh nhân thường ở tỉnh xa, khó tìm nơi cắt tóc. Nếu có tìm được thì người cắt, người bệnh đều rất e ngại vì xây xước khó cầm máu... Bởi vậy, từ năm 2011, lãnh đạo bệnh viện và Đoàn thanh niên đã tổ chức điểm cắt tóc do chính các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện làm "thợ". Những ngày đầu, lượng bệnh nhân đến đông "quá sức tưởng tượng". Một mình bác sĩ Hưng làm không xuể nên anh đã "truyền nghề" cho vài người. "Ban đầu dạy, ai cũng lo sợ sẽ cắt vào tai bệnh nhân, sợ cắt tóc không thành hình, bị bệnh nhân bắt đền... Tôi phải động viên, trực tiếp ở bên hướng dẫn. Giờ đã có một đội ngũ khoảng chục 'thợ cắt tóc chuyên nghiệp' thay phiên nhau phục vụ bệnh nhân", bác sĩ Hưng cho biết. Đối với bác sĩ Hưng, cắt tóc cho bệnh nhân như một đam mê. Anh vui khi giúp cho những bệnh nhân tóc không bị rụng mà vẫn muốn cắt. Anh lại xót xa, áy náy khi phải cầm kéo cắt đi mái tóc dài của những cô thiếu nữ hay cắt trọc mái đầu các em nhỏ. "Hơn 3 năm cắt tóc tại đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân khóc khi mái tóc bị cạo đi", giọng anh trùng xuống. "Có một cô gái là sinh viên năm đầu Cao đẳng công nghiệp Hà Nội. Sau một đợt điều trị hóa chất, mái tóc dài chấm eo của em dần rơi rụng. Để tránh tâm lý cho bệnh nhân mỗi sáng thức dậy đau lòng vo từng nắm tóc, tôi đã khuyên em nên cạo", bác sĩ Hưng nhớ lại. Trong ký ức bác sĩ luôn nhớ về cô gái này, chuyện cắt tóc với em rất khó khăn. Sau 4 lần khuyên bảo, em mới quyết định cắt khi bộ tóc dài óng ả. "Chứng kiến cảnh cắt tóc, bố mẹ em đứng ngoài hành lang khóc, cậu bạn trai nhìn em đầy thương cảm thổn thức theo. Tôi và những người có mặt cũng không khỏi xót xa...", người bác sĩ tâm sự. Qua 3 năm, đã có hơn 1.000 lượt bệnh nhân được bệnh viện cắt tóc miễn phí. Số nhân viên từng được đào tạo cắt tóc ở viện lên đến hàng chục người. Giờ đây đã thành thông lệ, bệnh nhân tự bảo nhau đến ngày thứ năm đi cắt tóc. Trước 16h thứ năm hàng tuần, các chị điều dưỡng đi khắp các phòng bệnh mời bệnh nhân cắt tóc. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm một buổi cắt tóc nữa vào thứ ba để bệnh nhân không phải chờ lâu", bác sĩ Hưng cho biết. Bác sĩ Hưng (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn một y tá cắt tóc cho bệnh nhân để tuyệt đối tránh những va chạm. Ảnh: Chí Toàn. Y tá Thu Trang, người có thâm niên hơn hai năm cắt tóc, tâm sự, có những bệnh nhân chị cũng không vui vẻ gì khi cắt, ví như với cô thiếu nữ Phương Anh (18 tuổi). Năm ngoái, tương lai tươi đẹp của Phương Anh đột ngột đóng lại khi căn bệnh bạch cầu cấp được phát hiện. Khi điều trị hóa chất, em được khuyên bỏ mái tóc thiếu nữ dài dày ngay từ đầu để tránh sốc. Phương Anh phải mất một ngày đấu tranh tâm lý. "Mới ngày nào mà nay đã được một năm, tóc em ấy đã mọc trở lại và đã thêm 4-5 lần cắt rồi. Giờ em ấy để tóc tém, màu hạt dẻ rất xinh", chị y tá cười nhìn sang cô bé có nước da trắng đang điều trị ở phòng 723. Với Phương Anh, giờ đây bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của em. Ở đây em có bạn, có các bác sĩ, y tá thân thiết như người anh, người chị. "Em sợ tóc không mọc được nữa nên lần cắt năm ngoái bác sĩ phải khuyên mãi. Thế nhưng khi cắt xong em cũng thấy bình thường, còn nhờ bác sĩ chụp ảnh lại làm kỷ niệm. Giờ chuyện bị cắt trọc với em đã thành quen. Vui nhất là vào các buổi cắt tóc được kể chuyện thoải mái với các bác sĩ", Phương Anh cười cho biết. Phan Dương Nguồn VNExpress