NASA đang lên kế hoạch cụ thể từng bước để tìm ra dấu vết của sự sống trên sao Hỏa và hoàn thành mục tiêu chủ chốt đưa con người lên hành tinh này vào năm 2030. Các nhà nghiên cứu của NASA sẽ phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi trước áp lực về nhiệm vụ tìm hiểu toàn bộ bề mặt sao Hỏa vào năm 2020. Josh Grunsfeld – Giám đốc Trung tâm khoa học vũ trụ NASA phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến: “Chúng tôi vẫn đang trong công cuộc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi lớn: Liệu có sự sống tồn tại ở một hành tinh nào khác ngoài Trái Đất?” Trong lần thăm dò trước, NASA đã tìm thấy dấu hiệu của nước tại một miệng núi lửa và mẫu đá có chứa khoáng chất và đất sét. Grunsfeld chia sẻ sau khi đọc một bản báo cáo dài 160 trang của Khoa học Định nghĩa sao Hỏa 2020 – một đội nhỏ được NASA lập ra để phác thảo mục tiêu nhiệm vụ của toàn Trung tâm: “Chúng tôi cần phải thăm dò bề mặt sao Hỏa thêm một lần nữa và chuyển đến bước tiếp theo của kế hoạch để trả lời cho câu hỏi: Sự sống đã từng tồn tại trên sao Hỏa?” Mục tiêu thăm dò toàn bộ sao Hỏa vào năm 2020 là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ mà tổng thống Mỹ Barack Obama đã giao phó: đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030. Jack Mustard – thành viên của nhóm phát triển, hiệu trưởng và cũng là giáo sư khoa học địa chất tại trường Đại học Brown nói: “Chúng tôi đang tìm kiếm dấu vết của sự sống. Nếu sự sống thực sự đã từng tồn tại ở đây, nó sẽ lưu lại những dấu vết”. Theo một bản báo cáo gần đây, NASA đang lên kế hoạch cho một cuộc thi mở rộng về lĩnh vực công nghệ không gian và các thiết bị khoa học cho máy thăm dò sẽ được sử dụng để tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa. Ngoài mục tiêu dài hạn của năm 2020, NASA dự định khởi động kế hoạch nghiên cứu khí quyển và sự bay hơi ở sao Hỏa trong tháng 11 tới đây. Kế hoạch này nhằm khảo sát các hợp chất trong khí quyển sao Hỏa, từ đó đánh giá khí hậu ở đây có thích hợp cho sự sống hay không. Năm 2016, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga sẽ bắt tay nhau trong việc khởi động một cỗ máy thăm dò khí trên sao Hỏa hiện đại có tên ExoMars nhằm thiết lập bản đồ methane và các loại khí khác trên sao Hỏa. ExoMars sẽ được phóng lên sao Hỏa vào năm 2018. Jim Green – Giám đốc phân viện Khoa học Hành tinh của NASA ở Washington nói: “Những gì chúng tôi thu thập được trong 10 năm tới đây sẽ hoàn thiện cho kế hoạch đưa hàng loạt các trạm nghiên cứu quốc tế lên sao Hỏa". Nguồn VNExpress