Giải mã bí ẩn các hành tinh "con hoang"

Discussion in 'Thiên văn - Vũ trụ' started by bboy_nonoyes, Aug 23, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 417)

    Các nhà khoa học tin rằng, họ đã giải mã được bí ẩn tại sao một số hành tinh lại tồn tại trong vũ trụ mà không quay quanh quỹ đạo của bất kỳ ngôi sao nào.

    Các nhà thiên văn học đến từ Thụy Điển và Phần Lan nhận định, những hành tinh "con hoang", không có ngôi sao bố/mẹ có thể hình thành từ các đám mây bụi tí hon, lạnh lẽo trong không gian. Nghiên cứu cho thấy, chỉ trong mình thiên hà của chúng ta cũng có thể tồn tại tới 200 tỷ hành tinh trôi nổi tự do như vậy.

    Cho tới nay, người ta vẫn cho rằng, các hành tinh "mồ côi" như trên chắc chắn phải bắn ra từ hệ mặt trời của chúng. Tuy nhiên, những quan sát mới nhất cho thấy, khả năng một số hành tinh trôi nổi tự do này đã tự hình thành.

    [​IMG]
    Tinh vân Rosette chứa nhiều đám mây globulette (ảnh nhỏ) hình thành nên các hành tinh "con hoang". (Ảnh: PA)

    Kết luận trên được rút ra khi các nhà thiên văn sử dụng nhiều kính viễn vọng quan sát tinh vân Rosette, một đám mây khí và bụi khổng lồ, cách Trái đất 4.600 năm ánh sáng trong chòm sao Kỳ lân (Monoceros). Tinh vân Rosette là nơi trú ngụ của hơn 100 đám mây hình thành hành tinh bất thường, gọi tắt là "globulette". Mỗi đám mây globulette có đường kính nhỏ hơn 50 lần khoảng cách từ Mặt trời tới sao Hải vương.

    Tiến sĩ Carina Persson đến từ Đại học Công nghệ Chalmers ở Gothenburg, Thụy Điển tuyên bố: "Chúng tôi phát hiện, các đám mây globulette rất đậm đặc và nén chặt. Nhiều đám mây trong số chúng có lõi vô cùng đậm đặc. Thực tế ám chỉ rằng, nhiều đám mây có thể sụp đổ vì trọng lượng của chúng và hình thành các hành tinh trôi nổi tự do".

    Theo đồng tác giả nghiên cứu - Minja Makela thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan), các đám mây tròn, nhỏ (globulette) đã vỡ ra từ các cột bụi và khí cao ngất, vốn tạo thành do bức xạ mãnh liệt từ các ngôi sao trẻ. Chúng đã được tăng tốc tới 80.000km/h để thoát khỏi trung tâm tinh vân nhờ áp lực từ bức xạ của những ngôi sao nóng này.

    Nhóm nghiên cứu tin, hàng triệu tinh vân như Rosette đã xuất hiện và biến mất trong lịch sử dài lâu của dải Ngân hà. Nhiều tinh vân có thể đã sản sinh ra các hành tinh "con hoang" trong vũ trụ.

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Giải mã bí ẩn các hành tinh "con hoang"

Share This Page