Ý tưởng sử dụng một bộ cảm biến để theo dõi một trong những chức năng của cơ thể bạn (như nhịp tim, huyết áp) trước đây thường được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp y tế hoặc cho các vận động viên chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay, nó đã phổ biến đến mức bất cứ ai cũng có thể mua được tại các cửa hàng bán smartphone như hệ thống Apple Store của Apple. Dạo quanh khu bán phụ kiện của bất kỳ cửa hàng bán smartphone nào bạn sẽ thấy những cái tên như Fibit, Nike+, Jawbone, Striiv, BodyMedia và những sản phẩm khác, tất cả những thiết bị này có thể lắng nghe cơ thể bạn bằng cách này hoặc cách khác. Chúng thường không giống nhau, chúng là những thiết bị thú vị, nhỏ bé mà bạn có thể gắn vào quần jean, giống như dây đai để bạn đeo vào bắp tay hoặc giống đồng hồ để bạn đeo vào cổ tay, và thậm chí cái tên chung của chúng, "wearables" (có thể mang theo), cũng không hoàn toàn phản ánh được những gì chúng đại diện. Những thiết bị tự định lượng (quantified-self devices) là một cái tên đơn giản hơn và mô tả tốt hơn các sản phẩm này. Tuy khó đọc nhưng dễ hình dung hơn: Thiết bị ghi lại những tương tác của chúng ta với thế giới, sau đó chuyển dữ liệu ghi nhận được thành một dạng biểu thị dễ hiểu, cho chúng ta biết cách để thay đổi hành vi của chúng ta và cải thiện cuộc sống. Đó là một mục tiêu đơn giản, nhưng cho tới nay vẫn khá khó khăn trong việc tạo ra một thiết bị tiêu dùng như vậy với kích cỡ nhỏ và mức giá hợp lý. Tuy nhiên tiến bộ công nghệ đã cung cấp cho các thiết bị công nghệ có thể mang theo nguồn động lực kép. Chúng nhỏ bé, sở hữu những cảm biến giá rẻ, chúng có thể kết hợp với những smartphone vô cùng mạnh mẽ, và liên tục kết nối với điện toán đám mây. Hiện tại, khả năng thu thập dữ liệu từ cơ thể bạn và xử lý trực tiếp những dữ liệu này thành một điều gì đó hữu ích thực sự trong tầm tay của bạn. "Đã từ lâu, con người muốn theo dõi sức khỏe của mình và đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời, hiện tại đã có những công cụ hỗ trợ họ làm điều đó", Brad Kittredge, giám đốc quản lý sản phẩm của Jawbone, chia sẻ với trang công nghệ Mashable. Jawbone là hãng sản xuất phụ kiện chuyên sản xuất những sản phẩm như loa Bluetooth và vòng tay hỗ trợ thể dục. Những công nghệ đằng sau thiết bị có thể mang theo Hầu như tất các các cảm biến có thể mang theo kết nối với smartphone hoặc tablet bằng một cách nào đó, sử dụng kết nối dữ liệu của điện thoại như đường dẫn của chúng tới điện toán đám mây, nơi diễn ra hầu hết quá trình xử lý dữ liệu. Hơn một nửa trong số tất cả các thuê bao di động ở Mỹ sở hữu smartphone, và mỗi một chiếc smartphone trong số đó đều là một thiết bị công nghệ kỳ diệu mà các thiết bị có thể mang theo có thể tận dụng. Bên cạnh kết nối mạng, một trong những thành phần quan trọng mà smartphone đóng góp cho các thiết bị công nghệ có thể mang theo đó là màn hình độ phân giải cao, lên tới full HD (1920x1080 px) của nó. "Điều này là quan trọng nhất, bởi vì nó giúp bạn có thể hiểu dữ liệu và xem xét nó chi tiết hơn, để tìm ra những gì nó có thể cho bạn biết", Kittredge cho biết. Ngoài ra, smartphone thông thường cũng kết nối chúng ta với các mạng xã hội. Một phần lý do đằng sau sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ có thể mang theo đó là mọi người muốn chia sẻ dữ liệu của họ, đặc biệt là những thành tựu của họ. Hiện tại, smartphone rất thông minh, nên rất công bằng khi đưa ra câu hỏi tại sao chúng ta còn cần các thiết bị với những cảm biến riêng khi mà đã sở hữu smartphone? Thực tế, hầu hết smartphone hiện tại đều được trang bị cảm biến ánh sáng, gia tốc kế và thậm chí là cả con quay hồi chuyển, vậy tại sao chúng ta vẫn cần một thiết bị công nghệ có thể mang theo riêng biệt để theo dõi những thứ như sự vận động? "Các thiết bị có thể mang theo có thể được mang theo theo một số cách mà điện thoại không thể, ví dụ như gắn trên da hoặc trên cơ thể bạn", Kittredge chia sẻ. "Các thiết bị công nghệ có thể mang theo dễ dàng nhận biết được bạn đang ngủ hay thức. Và nó cũng có thể tương tác với bạn. Ví dụ, vòng đeo tay thể dục UP của Jawbone có thể lay bạn, để đánh thức bạn". Ngoài ra, mặc dù cảm biến trên điện thoại di động đã được cải tiến đáng kể trong vài năm qua, nhưng có một vài điều mà chúng vẫn thiếu. Cảm biến đo độ cao dùng để đo độ cao không phải là cảm biến tiêu chuẩn mà bạn thường thấy trên một chiếc smartphone, vì vậy một thiết bị tương tự Striiv là một thiết bị hứa hẹn cho người dùng theo dõi chuyển động cá nhân bao gồm theo dõi quá trình leo núi, cầu thang. Kittredge chỉ ra rằng khi mang theo một thiết bị có thể mang theo hành vi của con người sẽ thay đổi . "Khi bạn mang theo một thiết bị nào đó, bạn hiểu rõ rằng bạn đang mang nó", ông nói. "Chúng tôi nhận ra rằng những người đeo vòng tay UP di chuyển nhiều hơn 26% so với bình thường". Sản phẩm thực: Dữ liệu Theo dõi cơ thể của chúng ta - cho dù là chuyển động, giấc ngủ hay các bữa ăn - chỉ là bước một. Phần quan trọng nhất là chuyễn những dữ liệu đó thành một điều gì đó dễ hiểu để chúng ta hành động theo đó. Hầu hết các thiết bị có thể mang theo thường đi với một ứng dụng cho chúng ta thấy hoạt động của bản thân theo thời gian thực, giúp chúng ta hình dung hiện tại và thay đổi những gì chúng ta làm. Jawbone đã tiến xa hơn ở bước này với nền tảng UP của hãng, nhập dữ liệu từ các dịch vụ khác và cho phép các dịch vụ này truy cập dữ liệu từ chiếc vòng tay UP. "Với API này, chúng tôi đang cố gắng để cung cấp điều này như một cách duy nhất", Kittredge tuyên bố. "Sử dụng API này, bạn có thể truy cập các nguồn dữ liệu mà bạn quan tâm và theo dõi nó theo cách mà bạn muốn. Bạn càng nắm bắt được nhiều tín hiệu, thì chúng ta càng có thể hiểu được càng nhiều những điểm và mẫu kết nối". Quá trình thu thập dữ liệu này ngày càng trở nên sâu rộng và tinh vi hơn, trong tương lai nó có thể kết hợp với các dịch vụ chăm sóc y tế. Bác sỹ của bạn có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích hơn, nếu họ biết bạn di chuyển như thế nào và ăn những gì trong một ngày bình thường. Cuối cùng, các công ty bảo hiểm cũng có thể tham gia bằng cách hỗ trợ người dùng có thiết bị công nghệ có thể mang theo tham gia bảo hiểm với giá ưu đãi, đổi lại họ được phép truy cập và chia sẻ dữ liệu của bạn. Tiềm năng của các thiết bị công nghệ có thể mang theo khiến mọi người quan tâm tới khả năng bảo mật của nó, đặc biệt là khi những tin tức về vụ NSA thu thập dữ liệu của người dân đang xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Kittredge cho biết, cuộc đối thoại giữa những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và ngành công nghiệp thiết bị công nghệ có thể mang theo đã bắt đầu, và những mối quan tâm đang được giải quyết. "Từ quan điểm văn hóa, chúng ta ý thức hơn về những ưu và nhược điểm của việc chia sẻ dữ liệu", Kittredge nói. "Tôi nghĩ rằng những thiết bị dạng này (thiết bị công nghệ có thể mang theo) có tiềm năng thực sự, nhưng mọi người sẽ phải nhận thức rõ về vấn đề có người theo dõi mình. Một điều chắc chắn là sẽ có rất nhiều người sẽ quan tâm tới việc chia sẻ dữ liệu của họ với bác sỹ của họ". Nguồn KhoaHoc.com.vn