Nơi trẻ sinh ra đã mang chì trong máu

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Aug 22, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 388)

    Thôn Đông Mai (Văn Lâm, Hưng Yên) phế thải cao ngập mái nhà, khắp nơi bình ắcquy chỏng chơ. Vài năm nay, nơi đây được mang danh "làng chết". Kiểm tra 100% trẻ em đều có chì vượt ngưỡng.


    Cách đây hơn một năm, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) làm xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ nhỏ ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm). Kết quả là tất cả đều mang chì trong máu.

    Theo khuyến cáo của Trung tâm phòng chống bệnh tật Mỹ, hàm lượng chì trong máu trẻ không được vượt quá 10mg/dl. Tuy nhiên trên 30 trẻ thôn Đông Mai có lượng chì cao vượt ngưỡng 4-5 lần, ở mức báo động. Một số trẻ có nồng độ chì cao gấp 6-7 lần cho phép, ở mức nguy hiểm, cần thải độc gấp. Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ mới 2-3 tuổi, sinh ra trong những gia đình không làm nghề cũng có lượng chì rất cao.

    Ông Lê Huy Gương, trưởng thôn Đông Mai cho biết, từ xa xưa làng làm nghề đúc đồng. Mấy chục năm gần đây, người dân ngược xuôi Nam Bắc thu mua bình ắcquy hỏng về phá bình lấy lõi chì, bán lại cho các nhà máy sản xuất ắcquy, làm mạ kẽm. Lúc cao điểm, làng có gần 200 hộ làm nghề tái chế bình, giờ còn hơn 40 hộ với khoảng 500 lao động. Tuy đã quy hoạch khu chế biến xa khu dân cư nhưng vẫn còn hơn chục hộ tái chế nhỏ lẻ tại nhà.

    "Có thời điểm, vừa về làng đã không thở được vì mùi khói bụi nồng nặc, đâu đâu cũng là ống khói. Người dân làm nghề thủ công, axít ngấm xuống nền đất, kênh mương, cánh đồng, khó để cày cấy được. Ngay đến cả ngọn rau, con cá còn nhiễm chì huống gì những người ngày ngày tiếp xúc với nó", ông Gương chua xót.

    Tuy nhiên, dù có kết quả xét nghiệm rành rành nhưng nhiều gia đình vẫn giấu, hoặc tự đưa con đi xét nghiệm, hoặc mặc kệ. "Gần như cả làng sống bằng nghề thu mua bình ắcquy về tái chế mà con cái lại bị ảnh hưởng sẽ khó chấp nhận. Vậy nên ít ai cởi mở, tự nhà nào biết nhà ấy thôi", ông chia sẻ.

    Chị Nguyễn Thị Lý - Trưởng trạm y tế xã - cho biết thêm, mới có 109 trẻ ở làng được sàng lọc, thực tế trên địa bàn số trẻ còn rất nhiều vẫn chưa được khám. Kết quả xét nghiệm năm ngoái đã gây nên một trận "rúng động" trong làng nhưng đến nay mới có một gia đình cho biết đã đưa con đi bệnh viện kiểm tra, còn những nhà khác vẫn chưa có động thái gì.

    [​IMG]
    Hơn 30 năm nay, người dân làng Đông Mai sống nhờ vào nghề phá bình ắcquy. Ảnh: P.D.

    Vuốt mái tóc xuề xòa, chị Lan - một phụ nữ góa chồng, gia đình từng có thời làm nghề tái chế bình ắcquy, nay đã chuyển sang bán hàng tạp hóa - không khỏi bực tức khi có người hỏi đến tình trạng nhiễm chì của con: "Con tôi mất bố đã là nỗi đau rồi, đừng vì một cái xét nghiệm không đâu mà khiến bé chịu tai tiếng thêm nữa".

    Con gái 4 tuổi của chị Lan (khi làm xét nghiệm mới 3 tuổi) có lượng chì trong máu lần một là 51,3mg/dl, lần hai là 73,16mg/dl. Nếu căn cứ vào khuyến cáo của Mỹ thì hàm lượng này đã vượt ngưỡng cho phép tới... hơn 7 lần.

    Người mẹ vẻ ngoài khắc khổ chia sẻ, lúc nghe kết quả này cả gia đình chị hoang mang, đã đưa bé đi Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm lại. "Kết quả khám là bình thường, bác sĩ nói chỉ cần ăn, uống tự cơ thể bé sẽ đào thải dần", chị nói. "Con tôi mới 4 tuổi thôi nhưng đã biết đọc chữ. Bé thông minh, nhanh nhẹn chứ không có biểu hiện gì chậm phát triển cả", chị cũng cho biết thêm.

    Nhà chị Tú, chị Thảo và ông Chín sát nhau, trước đây mỗi nhà có một xưởng chế biến tại nhà. Con cháu của 3 gia đình này đều bị nhiễm chì ở mức cao trong lần xét nghiệm năm ngoái.

    Ở trong căn nhà vào dạng khang trang nhất làng, ông Chín kể, nhà ông hơn 30 năm theo nghề này. Thời đầu ông phá bình ắcquy tại nhà, những năm gần đây kinh tế khấm khá hơn nên đã xây một xưởng sản xuất riêng, ở xa khu dân cư.

    Ông cũng không thể giải thích tại sao cháu mình lại bị nhiễm độc chì bởi đã tách xưởng với nơi ở từ trước lúc cháu ra đời. Ngay trong nhà ông, nước sinh hoạt cũng phải qua vài lần lọc.

    "Nhà tôi đã cho cháu đi khám, may sao lần xét nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai thấp hơn lần có chuyên gia nước ngoài về. Bác sĩ khuyên chỉ cần cho cháu tôi ăn nhiều hoa quả, uống nước và tách xa khu vực làm nghề là được. Một năm cho đi kiểm tra định kỳ để theo dõi", ông Chín cho biết.

    [​IMG]
    Tuy đã quy hoạch thành cụm tách khỏi khu dân cư nhưng vẫn còn một số hộ nhỏ lẻ phá bình ắc-quy tại nhà. Ảnh: P.D.

    Còn tại nhà chị Tú, khu sản xuất nằm ngay trước nhà, la liệt các bình ắc quy, đồ phế liệu. Phía cổng vào, một cái bếp lò cũ đang rực lửa, phía trên đặt một chảo gang sôi sục, bốc hơi hắc đến ngạt thở.

    Trong danh sách trẻ được xét nghiệm chì thì hai con nhà chị thuộc mức cao nhất. Cả bé gái 7 tuổi và con trai nhỏ 3 tuổi đều vượt ngưỡng 6-7 lần. Người phụ nữ này phân bua, nhà chị tuy nấu ở nhà nhưng làm cũng rất ít, không trực tiếp phá bình mà mua lại các gia đình trong làng. "Chúng tôi không nấu chì mà chuyển sang nấu thiếc".

    Chị cũng thành thật, chuyện con cái nhiễm chì là một vấn đề "nhạy cảm", chị không muốn chia sẻ. Ngay khi có kết quả, vợ chồng chị đã đưa con đi khám lại. "Sau khi tẩy độc và dùng thuốc vài đợt thì giờ các cháu đã hết chì rồi", chị vừa nói, vừa xua đuổi khách.

    [​IMG]
    Kết quả thử nghiệm 109 trẻ ở làng Đông Mai thì tất cả đều nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép. Nhiều trẻ có lượng chì ở mức nguy hiểm, nguy cơ ảnh hưởng đến trí não, thậm chí tính mạng. Ảnh minh họa: P.D.

    Theo Phó giáo sư Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nhiễm độc chì là một loại nhiễm độc rất nguy hiểm. Tuy trong quá trình lớn lên trẻ có thể tự đào thải nhưng chắc chắn sẽ để lại di chứng. Nếu ngộ độc nặng trẻ sẽ bị co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Ở mức nhẹ hơn, trẻ bị chậm phát triển tinh thần, vận động, giảm sút chỉ số IQ, tàn tật, thiếu máu... Trí tuệ kém phát triển, thậm chí không biết nhận dạng mặt chữ...

    Theo Phó giáo sư Duệ, ở thôn Đông Mai có nghề tái chế bình ắcquy - nguồn dễ gây ngộ độc chì. Tuy nhiên, từ khi có kết quả xét nghiệm đến nay, Bệnh viện Bạch Mai mới tiếp nhận có 2 trường hợp người dân thôn này đưa con đi khám.

    "Các gia đình đang rất chủ quan, vẫn thấy con ăn chơi, đi học chưa bị co giật như những trường hợp khác nên vẫn nghĩ rằng con bình thường, không tiên lượng được các nguy cơ có thể xảy đến", phó giáo sư Duệ cho biết.

    Việc nhiễm chì có thể qua đường nước, không khí, đất, rau quả được trồng trên vùng đất có chì. Nếu bố mẹ làm nghề, quần áo dính chì, con cái cũng có nguy cơ nhiễm độc chì cao. Người mẹ đang cho con bú cũng dễ lây nhiễm chì sang con.

    Trước đó, đã một nghiên cứu năm 2007-2008 của Viện Y học và Vệ sinh Môi trường thực hiện tại xã Chỉ Đạo, kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần, có nơi vượt tới 10 lần. Các loại thực phẩm như rau, cá nuôi trồng trên địa bàn có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn 4,6 lần...

    Phó giáo sư Phạm Duệ đánh giá, kết quả xét nghiệm năm 2012 do các chuyên gia nước ngoài thực hiện chưa phản ánh đúng thực tế. Người dân nên sớm mang con mình đi các bệnh viện lớn kiểm tra.

    Con đường chạy qua thôn Đông Mai đang được nâng cấp. Hai bên nhà tầng san sát. Giữa trưa nắng nhưng gần xa vẫn vang lên tiếng phá bình ắcquy đều đều, những ống khói bốc lên nghi ngút. Đâu đâu cũng thấy bình ắcquy xếp thành hàng rào, che nắp cống, quây cây cảnh hay vứt la liệt ven đường. Trong sân trường cạnh đó, những đôi mắt ngây thơ của trẻ vẫn vô tư chơi đùa...

    * Tên nhân vật đã được thay đổi

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nơi trẻ sinh ra đã mang chì trong máu

Share This Page