Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế hay hủ tiếu gõ... là những món ăn hấp dẫn du khách của đất Sài Gòn. Hủ tiếu sườn non Có nguồn gốc từ thành phố biến Vũng Tàu, không phổ biến như các loại hủ tiếu khác nhưng hủ tiếu sườn non vẫn chiếm được cảm tình của thực khách vì hương vị thơm ngon. Món ăn biến thể từ món hủ tiếu Nam Vang, thay cho tôm, gan, thịt... là những khúc sườn non. Sườn chặt vừa ăn, ít mỡ, được ninh mềm và thấm đẫm vị ngọt xương của nước dùng rất vừa miệng. Ngoài sườn non, nước dùng chính là điểm cộng cho món ăn này, trong, có vị ngọt thanh đặc trưng của nước hầm xương. Ăn kèm với hủ tiếu sườn non là đĩa rau sống xanh mướt với xà lách, cần tây, giá tươi... cùng chén nước chấm đậm đà làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Hủ tiếu sa tế Món ăn là đặc sản của người Tiều, lưu truyền trong cộng đồng người Hoa nên những quán hủ tiếu sa tế rất hiếm gặp ở Sài Gòn, chủ yếu tập trung ở khu vực quận 5, quận 11. Sợi hủ tiếu của người Tiều không khác gì sợi hủ tiếu cá hay bánh phở Bắc thường thấy. Đây là món ăn rất độc đáo, bạn có thể đếm được gần 20 loại gia vị khác nhau trong một bát hủ tiếu như đậu phộng, vừng, tỏi, ớt, quế…. Sự pha trộn nhiều hương vị mang đến hương thơm thoang thoảng, béo ngậy rất đặc trưng. Ngoài các loại gia vị, nguyên liệu được sử dụng trong hủ tiếu sa tế là bò viên, thịt bò tái hoặc gân, gầu, thịt nai hoặc thịt heo cho bạn tha hồ lựa chọn. Hủ tiếu Nam Vang Trong những loại hủ tiếu ở Sài Gòn thì hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng nhất. Đây là món ăn được ví đa sắc tộc khi nó có nguồn gốc từ Campuchia, do người Hoa chế biến và người Việt thưởng thức. Thành phần khá đơn giản với sợi hủ tiếu, cùng các nguyên liệu như tôm, thịt nạc, lòng lợn, tim, thịt băm, trứng cút và nước dùng. Ngày nay, hủ tiếu Nam Vang được chế biến với nhiều nguyên liệu khác nhau, ngoài thịt lợn và tôm, người ta có thể thưởng thức cùng cua, mực... Dù thay đổi thành phần như thế nào thì thịt băm là nguyên liệu không thể thiếu, vì thiếu đi thành phần này sẽ không còn là hủ tiếu Nam Vang nữa. Hủ tiếu bò viên Cũng như hủ tiếu sườn non, hủ tiếu bò viên chỉ có một nguyên liệu duy nhất là những viên bò giòn sần sật khi ăn. Khác với hủ tiếu sa tế hay hủ tiếu Mỹ Tho với sợi bánh lớn... hủ tiếu bò viên có sợi nhỏ, màu trắng đục như hủ tiếu gõ. Tuy có thành phần đơn giản, lại không có gì đặc biệt nhưng bát hủ tiếu nóng hổi với sợi hủ tiếu dai, mềm cùng những viên bò ăn kèm ngon miệng thì sức hấp dẫn của món ăn này vẫn không thua bất kỳ một loại hủ tiếu nào khác. Hủ tiếu Mỹ Tho Muốn ăn hủ tiếu Mỹ Tho thơm ngon và đúng chất thì phải tìm về đất Tiền Giang. Ở Sài Gòn không có nhiều quán hủ tiếu Mỹ Tho và điều quan trọng là không có được hương vị đặc trưng của món ăn này. Hủ tiếu Mỹ Tho đã được biến tấu từ hương vị và nguyên liệu để làm sao phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn. Bát hủ tiếu Mỹ Tho như một bức tranh màu sắc đầy hấp dẫn với màu đỏ của tôm, màu xanh của cần tây, cải cúc, màu đỏ của ớt... Một gia vị rất quan trọng tạo nên hương thơm đặc trưng cho món ăn là tỏi băm nhỏ được phi thơm. Hủ tiếu Sa Đéc Cũng có đầy đủ các nguyên liệu quen thuộc như tôm, thịt, gan... nhưng hủ tiếu Sa Đéc có những nét khác biệt tạo nên sức hấp dẫn riêng so với hai thương hiệu còn lại. Nếu hủ tiếu Nam Vang có màu trắng, sợi nhỏ, mềm thì hủ tiếu Sa Đéc có sợi to, màu trắng đục, dai mềm và hơi giòn. Điều dễ nhận biết nhất là nước dùng trong vắt, ngọt thanh kết hợp với các nguyên liệu ăn kèm một cách hài hòa. Được điểm xuyết thêm hành lá và rau mùi làm cho bạn không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ món ăn có nguồn gốc từ đất miền Tây này. Hủ tiếu cá Hủ tiếu cá là món ăn nổi tiếng của người Hoa. Không nhỏ như sợi hủ tiếu chúng ta thường ăn, sợi hủ tiếu cá mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương làm sạch và lóc thịt, thái lát, ướp chút muối, hạt nêm. Nước lèo được nấu từ xương lợn, phải là xương ống có tủy để khi hầm nước có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm). Hủ tiếu cá được ăn kèm với xà lách, giá, ớt, chanh và không thể thiếu nước tương (xì dầu). Hủ tiếu gõ Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lóc cóc vào mỗi chiều tối của những người bán. Nếu mới vào Sài Gòn, bạn sẽ ngạc nhiên trước âm thanh lóc cóc vang lên từ hai thanh tre. Đó đích thị là tiếng rao mời của hủ tiếu gõ. Nếu hủ tiếu Nam Vang là món ăn mắc tiền thì hủ tiếu gõ chính là món ăn lót dạ của giới công nhân, sinh viên khi tan tầm hay đêm muộn. Chủ nhân của những chiếc xe hủ tiếu gõ không bao giờ là người miền Nam, mà thường từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Nghệ thuật của món ăn này được thể hiện qua việc thái thịt, từng lát thịt được thái mỏng như tờ giấy. Nhưng, ăn hủ tiếu không phải vì mê ăn thịt, người ta thích vì sự thuận tiện, luôn được phục vụ tận nơi với bát hủ tiếu đầy ắp còn bốc khói nghi ngút. Đơn giản là thế, nhưng với những người dân Sài Gòn, mỗi khi đi xa lại nhớ quay quắt tiếng lóc cóc quen thuộc của món ăn bình dân này. Khánh Hòa Nguồn VNExpress