Một thực tế khiến thực phẩm đông lạnh trở thành nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, đó là người dùng không biết và hiểu rõ cách bảo quản thực phẩm đông lạnh. Thực phẩm đông lạnh đang được nhiều chị em lựa chọn như một cứu cánh, để vừa hoàn thành công việc xã hội vừa đảm bảo vai trò người nội tướng đảm đang. Thị trường thực phẩm chế biến, sơ chế đông lạnh Việt Nam vài năm gần đây có tốc độ tăng trưởng 20-40% mỗi năm. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng biết rõ về chất lượng của loại thực phẩm này cũng như cách sử dụng sao cho an toàn. Đó là chưa kể hiện tượng dùng hàng quá hạn phù phép thành hàng mới qua mặt người tiêu dùng. Gần đây là vụ phát hiện 350 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của công ty Vinafood đã hết hạn sử dụng nhưng được công ty này tái hạn sử dụng thêm. Một nhà cung cấp khác, Công ty Thực phẩm Vàng cũng bị phát hiện khi đang lưu giữ trên 7,9 tấn thịt động vật đông lạnh, phần lớn là đùi gà tại kho chứa hàng ở đường An Bình, thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Khi nhập hàng vào kho, đa số thịt đùi gà còn hạn sử dụng từ 5 tháng trở lên. Công ty đã tổ chức cho công nhân sơ chế, xắt miếng rồi đóng gói rút chân không, in nhãn mác và tự đóng dấu ngày sản xuất cùng hạn sử dụng là 6 tháng. Trắng trợn nhất là vụ cướp 2,2 tấn thịt thối đông lạnh từ hố tiêu hủy ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào giữa năm 2012. Khi cơ quan chức năng từ hố tiêu hủy ra về thì một nhóm người đã bốc số thịt trên cho vào một xưởng chế biến lòng lợn ở Bình Dương. Đó là chưa kể nếu nguồn thịt, cá thừa không bán hết được cho đông lạnh lại để đánh lừa khách hàng. Theo bà Đào Tố Uyên, Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện dinh dưỡng quốc gia, sản phẩm đông lạnh đảm bảo chất lượng phải được đảm bảo tiêu chuẩn từ tất cả các khâu như giết mổ, chế biến và vận chuyển trước khi vào đông lạnh để bảo quản. Nếu một khâu bị làm sai, nhiễm khuẩn thì thịt đông lạnh đã có vấn đề. Một thực tế nữa cũng khiến thực phẩm đông lạnh trở thành nguy cơ gây ngộ độc, đó là người dùng không biết và hiểu rõ cách bảo quản thực phẩm đông lạnh. Người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý thực phẩm nhập cảng từ các nước tiên tiến là an toàn. Nhưng cũng đã có nhiều doanh nghiệp của các nước tiên tiến lợi dụng hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm lỏng lẻo của các nước đang phát triển để xuất khẩu, bán tháo sản phẩm không được tiêu thụ trong nước. Người tiêu dùng khi mua thực phẩm đông lạnh nên chọn những cơ sở có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm đóng gói có thời gian sử dụng và cơ sở sản xuất. Khi rã đông để dùng, các loại thịt và thịt gia cầm nên để trong ngăn mát tủ lạnh, nếu thịt được gói trong các gói kín thì nên để thịt trong tủ đến khi tan hết hoàn toàn. Tuyệt đối không ngâm nước để làm tan thực phẩm đông lạnh hoặc đưa ra môi trường bên ngoài để tan chảy vì vi khuẩn dễ xâm nhập gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Ngoài ra, nên quan sát trạng thái sản phẩm, sản phẩm đông lạnh đã xuất hiện đá cục hoặc lẫn các tinh thể băng thì không nên chọn mua. Nên kiểm tra thời hạn và nhiệt độ bảo quản, bởi thông thường thịt đông lạnh có thể bảo quản được ba tháng ở nhiệt độ âm 18 độ C, nhưng mùi vị và hương vị vẫn từ từ biến chất, các chất béo cũng oxy hóa dần dần, vì các vitamin cũng bị phân giải. Do đó, hạn sử dụng trên bao bì ba tháng không có nghĩa là thực phẩm chắc chắn được đảm bảo chất lượng trong vòng ba tháng. Bởi vậy khi chọn mua thực phẩm đông lạnh, người tiêu dùng cần xem rõ ngày sản xuất và thời gian bảo quản, nên chọn sản phẩm có ngày sản xuất gần nhất. Theo Đẹp/Vietnam+ Nguồn VNExpress