Dự thảo sửa đổi luật hôn nhân gia đình với đề xuất không cấm kết hôn đồng giới sắp trình Chính phủ phê duyệt, nhiều chuyên gia cũng như cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới lạc quan về lộ trình đấu tranh vì quyền của nhóm này. Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, những người cùng giới tính bị cấm kết hôn. Dự thảo sửa đổi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình vừa đưa ra thảo luận trong phiên họp của chính phủ hôm 13/8 trình phương án không nhắc đến việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong luật nữa. Theo đó, quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, về cơ bản cũng giống như giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Trong phiên họp hôm 13/8 của chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định, hôn nhân đồng giới là một thực tế xã hội, vấn đề của toàn cầu, không thể “né”, và cần đưa vào luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ. Trong một cuộc họp báo cách đây không lâu của Bộ Tư pháp, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, cho biết từ quy định "cấm” trong pháp luật hiện hành đến “không thừa nhận” trong dự thảo sửa đổi là cả bước tiến về nhận thức. Khi còn quy định cấm thì người vi phạm sẽ bị xử phạt. Nhưng không thừa nhận thì không có nghĩa là cấm. Không thừa nhận vì hành vi đó chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là văn hóa, thuần phong mỹ tục của nước ta. Hiện nay, cả thế giới chỉ có 11 quốc gia chính thức thừa nhận hôn nhân đồng tính và đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Ông cho rằng, quy định không cấm là đảm bảo xử lý thực tế xã hội đang đặt ra. Trước thông tin trên, cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới tỏ ra lạc quan hơn về tương lai họ được pháp luật bảo vệ các quyền cơ bản, được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Duy Linh, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội, tình nguyện viên của các hoạt động vì quyền LBGT - cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, cho rằng, quy định không cấm nghĩa là hôn nhân đồng giới vẫn không được ủng hộ, nhưng đó cũng là một bước tiến mới. "Đồng tính là xu hướng tình dục, chuyện riêng của mỗi người, cấm hay không cấm không ảnh hưởng lắm đến việc hai người yêu thương nhau, chung sống và thậm chí cùng nuôi con. Dù vậy, chúng em vẫn mong được quy định được thông qua, vì nó khẳng định các quyền cơ bản của người đồng tính - một con người hoàn toàn bình thường", Duy Linh chia sẻ. "Đám cưới' tập thể của các cặp đồng tính - một hoạt động nhân ngày Quốc tế chống kỳ thị với người đồng tính diễn ra vào tháng 5 tại Hà Nội. Đại diện CARE - một tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển quốc tế lớn tại Việt Nam cho hay, việc thay đổi quy định, từ cấm sang không cấm thể hiện sự giảm kỳ thị, giúp người đồng tính, song tính, chuyển giới sống hòa nhập, có môi trường an toàn hơn. Từ trước tới nay, khi hôn nhân đồng giới bị cấm, những đám cưới của các cặp này bị chính quyền địa phương ngăn cản. Ngoài ra, khi quan hệ trong cuộc sống chung của những đôi này trục trặc, việc phân chia tài sản, quyền nuôi con... của họ rất khó giải quyết. "Chúng tôi sẽ cố gắng vận động chính phủ chấp nhận hôn nhân đồng giới, hy vọng Việt Nam là nước châu Á đầu tiên có thể chấp nhận việc này. Tuy nhiên, đó là cả quá trình dài. Luật được xây dựng cho cả xã hội. Muốn thay đổi luật về hôn nhân đồng tính, phải thay đổi cách nhìn của xã hội về người đồng tính, từ kỳ thị tới chấp nhận đến tôn trọng rồi tới đánh giá cao", ông nói. Vũ Kiều Châu Loan, nhân viên dự án tổ chức ICS (tổ chức vận động vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) cho biết, trước thông tin về việc không cấm kết hôn giữa những người cùng giới, cộng đồng LGBT bất ngờ và vui. "Vui vì chính phủ đã có tiếng nói chính thức về vấn đề này, vui vì chúng tôi đã tiến thêm một bước trên con đường đấu tranh giành những quyền bình thường nhất cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Bất ngờ vì còn nhiều mong mỏi giản đơn hơn của những người LBGT như không bị kỳ thị, được chuyển giới... vẫn chưa được thông qua mà vấn đề hôn nhân đã được bàn tới... Song chúng tôi nghĩ rằng, được bước nào hay bước đó, và đây cũng là tín hiệu vui", Châu Loan chia sẻ. Cô cho rằng, bước tiến công nhận hôn nhân đồng giới chắc chắn chưa đến ngay trong thời gian tới, mà có thể phải vài chục năm nữa. Việc không cấm đã là một bước đi về phía trước chứng tỏ có những điều chỉnh trong pháp luật hỗ trợ cho việc sống chung giữa hai người đồng giới. Thuộc cộng đồng LGBT, Loan cho biết, việc hai người đồng giới chung sống với nhau không có sự bảo vệ của pháp luật gặp rất nhiều khó khăn, tương tự như các cặp yêu nhau khác giới chỉ sống chung chứ không đăng ký kết hôn: ảnh hưởng tới quyền lợi về kinh tế, y tế, đời sống thường ngày. "Chẳng hạn, một trong hai người ốm đau, người kia đến thăm nuôi thì tư cách không phải bạn đời mà như người dưng, nếu một người cần mổ thì người kia không thể ký bảo lãnh như vợ, chồng được", cô dẫn chứng... Bác sĩ Nguyễn Anh Thuận - một người đồng tính nam, cho rằng, đây là một tín hiệu tốt, thể hiện chính phủ công nhận người đồng tính và chuyển giới cũng là công dân. Vấn đề chống phân biệt đối xử với nhóm thiểu số này có lẽ là vấn đề cần thiết hơn. "Có lẽ cần có chương trình giáo dục cụ thể, nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là của những người thi hành luật ở các cấp dưới như phường, xã... về người đồng tính, song tính và chuyển giới", ông nói. Ông cho rằng, hiện nay, thái độ kỳ thị LGBT còn rất nặng nề, nhất là với những người chuyển giới, gay lộ... tại trường học, công sở, nơi công cộng... và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cuộc sống của những người này. "Một cô gái bị cưỡng bức có thể đến đồn cảnh sát trình báo để được bảo vệ. Nhưng một người đồng tính nam thì không dám, nếu có, họ có thể gặp tình trạng bị phân biệt đối xử. Tôi cũng từng rơi vào tình huống đó", ông Thuận dẫn chứng. Theo ông, ngay cả khi luật đã thừa nhận hôn nhân đồng giới mà vẫn chưa đảm bảo xóa bỏ được sự phân biệt đối xử, thì những người đồng tính, song tính và chuyện giới còn dễ gặp tổn thương hơn. Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc CSaGa - Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, cho hay là con người ai cũng có quyền ngang nhau, quyền được yêu, được kết hôn, chăm sóc gia đình, con cái. Việc không cấm hay cho phép hôn nhân đồng giới cho thấy Việt Nam đã trở nên cởi mở hơn, biết chấp nhận sự đa dạng của cuộc sống. Vương Linh Nguồn VNExpress