23h đêm, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K chìm trong yên ắng. Cuối hành lang, một người mặc áo bệnh nhân đang quàng chân qua ghế ngủ. Bên cạnh, một phụ nữ trung tuổi đang dùng tay phe phẩy muỗi... Người phụ nữ đuổi muỗi tên Anh Đào, là giáo viên trong Sài Gòn. Kỳ nghỉ này, cô quyết định đi chăm chị gái đang nằm viện. Chị gái cô tên Nhượng, là giáo viên dạy văn cấp 2 về hưu, quê ở Lộc Hà, Hà Tĩnh, bị ung thư cổ tử cung và hiện di căn sang trực tràng, tá tràng. Dịp cuối năm này, các bệnh nhân nhẹ đều được bệnh viện giải quyết cho về hết, chỉ một số ít ở lại. Để tiện chăm sóc, bệnh nhân dồn về vài phòng sát nhau. Cũng là bệnh nhân nặng, song cô giáo Nhượng đã để lại giường cho các bệnh nhân vừa mổ. Hai chị em mang chăn ra ngủ hành lang cùng với số đông người nhà bệnh nhân khác. "Năm nay, chị ấy đón giao thừa thứ 2 trong viện. Thường thì chị ấy điều trị ở Viện K theo đợt, nhưng bất cứ lúc nào đau vẫn phải nhập viện", cô Đào xót xa kể. Chỉ cách đó mấy ngày, chồng cô giáo Nhường - bị xơ gan, tiểu đường - cũng mới ở bệnh viện 108 về. "4 con gái anh chị ấy, đứa đã lấy chồng, đứa phải ở quê chăm bố. May thay dịp này được nghỉ lễ nên tôi quyết định ra với chị", cô Đào cho biết thêm. Cô giáo Nhượng ăn Tết sớm bằng quà bánh của nhà hảo tâm. Ảnh: P.D. Theo một y tá trong ca trực, khoa Ngoại tổng hợp là khoa có đông bệnh nhân nhất so với các khoa khác trong viện. Bình thường, ở khoa có từ 80 đến 90 bệnh nhân. Trước Tết, bệnh viện đã xem tình hình bệnh và giải quyết cho bệnh nhân về bớt. Hiện tại, ở đây chỉ còn lại hơn 25 bệnh nhân đều là những người mới mổ hoặc những bệnh nhân nặng đang trong thời gian điều trị. "Đặc thù bệnh nhân ở Viện K đều là những người bệnh nặng, phải điều trị lâu dài, lại có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên những bệnh nhân phải ở lại đều được các tổ chức từ thiện tặng quà. Đêm giao thừa, bệnh viện cũng tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho các bệnh nhân và người nhà", y tá này nói. Giao thừa sắp đến mà không ít người nhà bệnh nhân vẫn phải túc trực ngày đêm trong bệnh viện. Ảnh: P.D. 12h đêm, ở một góc tối của Bệnh viện Việt Đức, ông Cung (54 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình) thao thức chưa ngủ. Ông cho biết, mọi hôm vào giờ này bệnh viện vẫn tấp nập nhưng từ tối qua bệnh nhân được cho về đoàn tụ với gia đình nên giờ khá vắng. Chỉ riêng có khoa cấp cứu là ngày nào cũng như ngày nào. Là bộ đội tại ngũ, thường xuyên phải xa nhà nhưng đây là năm đầu tiên ông Cung nếm không khí Tết cổ truyền trong viện. Vợ ông bị thận, nằm viện đã hơn 1 tháng nay. Bệnh vẫn chưa diễn biến khả quan nên phải điều trị qua năm mới được về. "Cả đời tôi đi biền biệt không mấy khi được ở với vợ con. Chỉ khi vợ bị bệnh mới có thể báo đáp cái tình bà ấy dành cho tôi. Riêng chuyện Tết nhất ở nhà phải nhờ tới anh em gói hộ vài cặp bánh chưng đặt lên bàn thờ tổ tiên.Ở đây, vợ chồng tôi cũng không chuẩn bị gì. Bệnh nhân mình cùng động viên nhau là đủ trong ngày này rồi", ông Cung nói. Trong suy nghĩ của ông, năm nay không có ngày đoàn viên thì đoàn viên năm sau, chỉ mong mọi bệnh nhân nhanh khỏi bệnh, không phải ăn trải qua những ngày năm mới trong bệnh viện thêm nữa. Không còn nỗi buồn chán, lo lắng nào bằng trước ngày Tết đoàn viên lại nghe tin dữ người thân phải nhập viện. Ảnh: P.D. Cùng lúc đó, dưới chân cầu thang khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức, 5 người già trẻ, gái trai cùng quây vào một cái ruột chăn mỏng, thì thầm trong màn đêm lờ mờ ánh điện. Người không biết sẽ tưởng họ là người nhà của một bệnh nhân nào đó. Trên thực tế, họ đang đi chăm 3 bệnh nhân khác nhau. Bà Gấm (67 tuổi) lấy tay che miệng, khụ khụ vài tiếng rồi chỉ: "Tôi ở Bắc Giang đi chăm con gái đang mang thai 3 tháng bị ngã gãy chân. Cô này với 2 con ở Tuyên Quang đi chăm bố bị tắc tĩnh mạch, áp xe háng. Còn anh kia ở Lào Cai cũng đi chăm bố bị ngã chấn thương sọ não". Tất cả họ, người đã nhập viện vài ngày, người mới đến tối nay nhưng trông có vẻ đã hiểu về nhau rất nhiều. Người này kể về hoàn cảnh của người kia. Người kia thương cảm cho người này. Câu chuyện của họ, ngoài tiếng thở dài cũng có những tiếng cười đùa. Cứ thế, trong một đêm cuối năm, những con người vốn trước đó và kể cả sau này xa lạ lại gần nhau trong khoảnh khắc đi chăm người ốm. 1h45' sáng, trước phòng mổ cách đó không xa, một nhóm 7 người rệu rã tựa vào nhau. Không một ai chợp mắt vì họ đều đang có một nỗi lo chung về tính mạng người bệnh và thai nhi được 7 tháng đang trong phòng mổ. Bà Sự (63 tuổi) - mẹ đẻ bệnh nhân vừa khóc vừa nói: "Trưa nay con gái tôi lên cơn đau bụng dữ dội. Sau đó, gia đình đã đưa cháu lên bệnh viện huyện rồi được chuyển vào đây mổ ruột thừa. Giờ nó vẫn đang trong phòng mổ chưa biết kết quả ra sao, mà nó thì đang mang thai 7 tháng". Trong cơn mưa phùn rạng sáng 28 Tết, 7 con người vẫn ngồi trên nền gạch lót một lớp giấy báo, chẳng ai nói với ai câu nào. Trong lúc này tất cả họ dù không nhìn về một phía nhưng đều chung một lo lắng. "Sáng nay tôi và nó còn đi mua sắm đồ. Gạo, đậu cũng đã ngâm, thịt đã mua để đó. Không khí năm mới đã về khắp nhà thì đột nhiên có tin dữ này. Giờ thì chẳng còn ai quan trọng Tết nhất nữa, cầu cho mẹ con nó an toàn", bà mẹ sụt sùi. Phan Dương Nguồn VNExpress