Gần chục vụ người nhà bệnh nhân vì quá bức xúc khi thân nhân tử vong được cho là có lỗi tắc trách của nhân viên y tế đã lao vào đánh bác sĩ, trong vòng 2 năm qua. Có bác sĩ chết, hàng chục người dân phải đứng trước vành móng ngựa. Gần nhất là vụ việc xảy ra ngày 12/8 tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Bệnh nhân 75 tuổi đang điều trị tại Khoa chấn thương bị sốc thuốc sau khi được tiêm kháng sinh, chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng ngừng tuần hoàn, chết lâm sàng. Trong khi đang cố gắng cấp cứu thì các y bác sĩ khoa Hồi sức bị khoảng chục người thân của bệnh nhân lao vào đánh tới tấp. Bác sĩ trưởng khoa bị đánh rách vùng trên mắt, một bác sĩ khác rách giác mạc, vỡ kính cận, hai y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ kính phòng điều trị của Khoa Hồi sức tích cực. Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh làm rõ nguyên nhân bệnh nhân tử vong. Hiện tại, bác sĩ phó khoa Chấn thương là người chỉ đạo tiêm thuốc và điều dưỡng trực tiếp chích thuốc bị tạm đình chỉ công tác một thời gian để phục vụ điều tra. Chỉ hơn một năm trước, một vụ người nhà bệnh nhân đập phá tương tự đã xảy ra ở Bệnh viện Sản nhi Cà Mau. Ngày 10/7/2012, sản phụ chuyển dạ nên được đưa vào Bệnh viện Sản nhi Cà Mau sinh con. Sau khi mổ bắt con, bụng sản phụ sưng, đau nhiều nhưng bác sĩ siêu âm không phát hiện bất thường. Một tuần sau, bệnh nhân tiếp tục đau bụng dữ dội nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu. Chị tử vong chiều 28/7. Hai ngày sau, hơn 30 người thân sản phụ kéo đến Bệnh viện Sản nhi Cà Mau đập phá và yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị. Công an phải có mặt để giải tán đám đông. Theo hội đồng chuyên môn, bệnh nhân bị thuyên tắc phổi và sốc nhiễm trùng do hoại tử manh tràng. Gia đình đòi bồi thường 300 triệu đồng. Nhiều người tụ tập xem "bắt đền" bệnh viện - Ảnh: Thiên Phước. Trước vụ này 3 tháng, hồi tháng 4/2012, mẹ con sản phụ cùng tử vong tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, gia đình không rượt đánh mà xông vào tát bác sĩ vì bức xúc. Khi sản phụ mệt nhiều mà chưa sinh được, người nhà đề nghị mổ đẻ nhưng bác sĩ không đồng ý, cho rằng có thể đẻ thường vì đây là lần thứ ba chị sinh con. Qua một đêm, sản phụ sinh được bé nặng 4kg nhưng đã tử vong, người mẹ cũng qua đời 1 tiếng sau đó vì mất máu. Họ hàng sản phụ kéo đến rất đông vây kín khoa sản của bệnh viện. Tình thế hỗn loạn, các bác sĩ khoa sản buộc phải tạm lánh khỏi bệnh viện để chờ lực lượng công an can thiệp. Sau đó, gia đình bệnh nhân gửi đơn tố cáo đến lãnh đạo bệnh viện, thanh tra Bộ Y tế, thanh tra Bộ Công an. Năm 2011 cũng xảy ra hai vụ người nhà gây rối bệnh viện do bức xúc với cách làm việc của các bác sĩ. Ngày 23/9, một bệnh nhân tử vong trong phòng cấp cứu khiến các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu bị người nhà họ rượt đánh. Bệnh nhân 67 tuổi ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, ngất xỉu được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh, sau đó chuyển sang khoa nội tim mạch. So chưa bố trí được giường vì khoa này có quá nhiều bệnh nhân, ông phải tạm nằm ngoài hành lang khoảng nửa giờ. Đến khuya, bệnh nhân đột ngột lên cơn co giật. Các bác sĩ chuyển bệnh nhân vào khu cấp cứu, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và đặt nội khí quản nhưng không bao lâu bệnh nhân tử vong. Hội đồng chuyên môn kết luận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nên diễn biến bệnh lý rất nhanh. Công an tỉnh Bạc Liêu đã phải cử cán bộ đến lập biên bản để xử lý những người có hành vi gây rối. Đặc biệt, vụ các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Năm Căn, Cà Mau bị người nhà bệnh nhân rượt đánh hồi tháng 7/2011 kéo dài mấy ngày và diễn ra trên diện rộng. Nhiều kẻ xấu có tiền án tiền sự cũng tranh thủ vào phá bệnh viện cũng như nhà bác sĩ, lấy đi những tài sản giá trị. Đêm 27/6/2011, một thiếu nữ 16 tuổi bị người quen sàm sỡ đã chống cự dẫn đến ngã xuống đường, chấn thương sọ não kín ở phía sau đầu. Sáng hôm sau, cô được người đi đường phát hiện và đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Sau 18 giờ nhập viện, bệnh nhân qua đời. Gia đình bức xúc vì đã xin chuyển viện lên tuyến trên nhưng các bác sĩ không đồng ý, đưa thi thể nạn nhân đi khắp nơi ở Năm Căn gây tắc nghẽn giao thông để "bắt đền" bệnh viện. 5 bác sĩ trong ca trực đã bị kỷ luật. Bốn ngày sau khi sự việc, Bệnh viện Năm Căn mới trở lại hoạt động khám chữa bệnh bình thường. Kim Kim Nguồn VNExpress