Máy chiếu hiện nay thường dùng 3 loại công nghệ khác nhau để tạo hình ảnh: DLP, LCD và LCoS. Mỗi công nghệ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Bài viết sau sẽ so sánh và giúp người dùng nhận biết được công nghệ nào phù hợp nhất với nhu cầu của mình khi chọn mua máy chiếu. DLP (digital light processing) là công nghệ xử lý ánh sáng kỹ thuật số, dùng các gương rất nhỏ để phản chiếu ánh sáng về phía màn hình (gọi là điểm ảnh “đến”) hay khỏi màn hình (điểm ảnh “đi”). Hầu hết các model máy chiếu DLP đều dùng một bánh xe lọc màu có từ 3 thành phần trở lên để tạo các màu sắc khác nhau. Một số model cao cấp dùng đến 3 chip DLP; mỗi chip cho một loại màu đỏ, xanh lục và xanh dương. Máy chiếu DLP thường có giá từ vài trăm đến hàng chục nghìn USD hay cao hơn. Hầu hết máy chiếu trong các rạp chiếu phim đều dùng công nghệ DLP do các hãng Optoma, BenQ, Mitsubishi và nhiều hãng khác sản xuất. LCD, từ viết tắt của liquid crystal display (màn hiển thị tinh thể lỏng), là công nghệ quen thuộc được dùng trong đa số các mẫu TV gần đây. Máy chiếu LCD dùng 3 khung màn hình tinh thể lỏng, mỗi khung có nhiệm vụ tạo hình ảnh bằng cách chỉ dùng một trong các màu chủ yếu (đỏ, xanh lục và xanh dương). Cả 3 được chiếu lên màn hình cùng một lúc nên bạn sẽ thấy hình ảnh có đầy đủ màu sắc. Máy chiếu công nghệ LCD thường có giá từ vài trăm đến vài nghìn USD của các hãng như Epson, Panasonic và một số hãng khác. LCoS (Liquid crystal on silicon - Công nghệ tinh thể lỏng trên nền silicon) là công nghệ lai giữa LCD và DLP. Công nghệ này dùng chip tinh thể lỏng có hỗ trợ phản chiếu (mirrored backing) nên hình ảnh được phản chiếu như DLP, nhưng ánh sáng được lọc bằng tinh thể lỏng như LCD. Sony và JVC là các hãng sản xuất chủ yếu các loại máy chiếu LCoS, lần lượt được gọi là công nghệ SXRD và D-ILA đặc trưng của từng hãng. Máy chiếu LCoS có giá từ vài nghìn USD, đặc biệt vài model trong tầm giá lên đến hàng chục nghìn USD. Nhìn chung, mỗi loại máy chiếu tốt hay chưa tốt tùy theo công nghệ chúng sử dụng. Tuy nhiên, mỗi loại công nghệ đều có mặt mạnh và mặt yếu, do đó hiểu được các điều này sẽ giúp bạn sắm được chiếc máy chiếu phù hợp với nhu cầu. Mẫu máy chiếu 4K đầu tiên trên thế giới Sony VPL-W1000ES sử dụng công nghệ LCoS (hay còn gọi là công nghệ SXRD độc quyền của Sony). Epson PowerLite Pro Cinema 6020UB, mẫu máy chiếu sử dụng công nghệ LCD. Mẫu máy chiếu BenQ W7000 sử dụng công nghệ DLP. Độ tương phản (Contrast Ratio) Độ tương phản là yếu tố quan trọng nhất của chất lượng hình ảnh. Đây là yếu tố quyết định chính để cho một hình ảnh trông hiện thực đến mức nào. Trước giờ, các loại máy chiếu D-ILA của JVC sử dụng công nghệ LCoS có tỷ lệ độ tương phản tốt nhất so với các máy chiếu khác hay màn hình, thậm chí tốt hơn màn hình plasma. Máy chiếu SXRD của Sony được xếp hạng nhì. Máy chiếu công nghệ LCD trong những năm gần đây cũng có vài loại đạt được hiệu năng tuyệt vời. Trong khi đó, hầu hết máy chiếu công nghệ DLP lại chưa đạt chất lượng về yếu tố này. Tỷ lệ tương phản của máy chiếu loại này đã có thay đổi phần nào trong vài năm qua, nhưng vẫn thua xa so với LCD và LCoS. Hầu hết các máy chiếu đều có một “màn điều sáng tự động” (auto iris), có thể đóng lại để làm mờ hình ảnh trên các cảnh tối và mở ra để giữ các cảnh sáng được sáng rõ. Dù các máy chiếu này đã phần nào cải thiện tỷ lệ độ tương phản, nhưng máy chiếu LCoS nói chung vẫn có tỷ lệ tương phản riêng cao hơn. Mức độ đen (Black Level) Yếu tố này có liên quan với tỷ lệ độ tương phản. Các model máy chiếu của cả JVC và Sony có tỷ lệ độ tương phản riêng cao, kết quả là cho ra mức độ đen sâu hơn cùng với mức độ trắng sáng hơn. Các loại máy chiếu có màn điều sáng có thể cho ra mức độ đen sâu hay mức độ trắng sáng (nhưng không cùng một lúc). Độ sáng (Brightness) Yếu tố này hơi khó so sánh vì công suất ánh sáng thay đổi tùy theo model máy chiếu. Hiện nay, hai loại máy chiếu có độ sáng nói chung đạt yêu cầu là LCD và DLP. Trong khi đó, các loại máy chiếu LCoS thường không sáng bằng, nhưng một số máy chiếu LCoS sản xuất gần đây đã có công suất ánh sáng nhiều hơn. Do đó, có thể cho là tất cả các loại máy chiếu đều có thể được xem là “thích hợp” về mặt này. Màu sắc (Color) Độ chính xác màu sắc khác nhau cũng tùy theo loại máy chiếu. Nhìn chung, các loại máy chiếu dùng các công nghệ khác nhau đều có độ chính xác màu sắc. Tốt nhất là nên tham khảo kỹ các bài đánh giá thực tế để xem mẫu máy bạn đang dự tính mua có hiệu năng tốt về mặt này hay không. Độ nhòe chuyển động (Motion Blur) Độ nhòe chuyển động (hay độ mịn của hình ảnh khi có chuyển động) là một vấn đề đối với máy chiếu LCD và LCoS. Một số người dùng không quan tâm về vấn đề này nhưng những người khác lại dễ dàng nhận ra. Khi đặt cạnh nhau, máy chiếu DLP cho hình ảnh sắc nét hơn và nhiều chi tiết hơn khi có chuyển động nhanh so với máy chiếu LCD hay LCoS. Tuy nhiên, yếu tố này vẫn chưa đủ để bù lại cho hiệu năng tỷ lệ độ tương phản kém hơn của DLP. Ngược lại, nhiều loại máy chiếu LCD và LCoS có tốc độ làm mới cao hơn giống như nhiều loại TV LCD nên hầu như không còn cảm thấy hiện tượng nhòe chuyển động khi trình chiếu. Hiện tượng cầu vồng (Rainbow) Cầu vồng là hiện tượng khi các vật thể sáng (nhất là trên một hậu cảnh tối) xuất hiện các vệt ánh sáng với các màu khác nhau như đỏ, xanh lục và xanh dương. Các loại máy chiếu dùng 3 chip như LCD, LCoS và các model DLP cao cấp thường không có hiện tượng cầu vồng. Tuy nhiên, các loại máy chiếu DLP dùng chip đơn lại tạo hình ảnh bằng cách dùng màu “nối tiếp”. Trong một khoảnh khắc nào đó, chỉ có một màu trên màn hình. Việc này thực hiện đủ nhanh để não bộ của bạn kết hợp nó lại thành một hình ảnh đủ màu sắc như cầu vồng trên bầu trời sau cơn mưa. Một số người nhạy cảm với hiện tượng “cầu vồng” khi não bộ của họ nhận thức được màu nối tiếp. Nó trông giống như một vệt cầu vồng và đặc biệt thấy rõ nếu bạn di chuyển mắt nhanh quanh màn hình, hay khi các vật thể đang di chuyển có màu sáng trên một hậu cảnh tối (như đèn đường). Người dùng thường có 3 nhóm: nhóm những người có thể thấy hiện tượng cầu vồng và có quan tâm, nhóm người có thể thấy hiện tượng cầu vồng và không quan tâm, và cuối cùng là nhóm người không thể thấy được hiện tượng cầu vồng. Hầu hết mọi người thuộc 2 nhóm sau cùng, nhưng nếu bạn thuộc nhóm đầu tiên thì máy chiếu công nghệ DLP sẽ không thích hợp cho bạn. Với công nghệ bánh quay màu ngày càng nhanh hơn và với khuynh hướng chuyển sang dùng nguồn ánh sáng LED và laser, hiện tượng cầu vồng ít thấy rõ hơn trước đây. Một tùy chọn khác là máy chiếu DLP 3 chip, nhưng loại này đắt tiền hơn nhiều so với loại dùng chip đơn và vẫn không có được tỷ lệ độ tương phản của các model LCoS. Độ hội tụ (Convergence) Các chip tạo ra hình ảnh trong máy chiếu đều rất nhỏ và thậm chí các biến thiên rất nhỏ trong vị trí mỗi chip đều có thể thấy trên màn hình. Chúng có thể trông giống như đường viền có màu đối với các vật thể màu trắng, hay tệ hơn là bị mờ đi. Hầu hết máy chiếu 3 chip đều chỉnh được độ hội tụ (ở các mức độ khác nhau), nhưng không thể luôn loại bỏ hoàn toàn lỗi độ hội tụ. Khó có thể nói rằng một máy chiếu có độ hội tụ tốt hay xấu vì độ hội tụ có thể thay đổi tùy theo theo từng máy. Nghĩa là, một máy chiếu có thể được đánh giá là hoàn hảo, nhưng đôi khi máy chiếu có độ hội tụ rất xấu do bị va đập hay vô tình rơi xuống đất. Máy chiếu DLP chip đơn dĩ nhiên không bị vấn đề độ hội tụ vì… không có gì để hội tụ. Nguồn PC World VN