Mỗi hệ điều hành đều có những ưu, khuyết điểm riêng, nhưng điểm thu hút nhất mà mọi người dùng đều quan tâm chính là kho ứng dụng bên trong với nhiều tiện ích giải trí kèm theo. Việc chạy đua các ứng dụng giải trí cũng góp phần vào niềm tin chọn mua một thiết bị di động tương ứng với hệ điều hành. Bên trong các kho ứng dụng Nhìn chung, có 2 loại ứng dụng phổ biến hiện nay bao gồm: các ứng dụng “Premium app”, là loại người dùng trả tiền để sử dụng; và ứng dụng “Freemium app”, miễn phí, nhưng người dùng có thể phải trả tiền để mua sắm các tiện ích hoặc thêm tính năng trong đó. Ứng dụng Freemium đang có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc và là nguồn thu lời chính của cả 2 kho ứng dụng Google Play và App Store. Nội dung trong kho ứng dụng có thể chia làm ba nhóm chính là: giải trí đa phương tiện với các hình thức trò chơi tương tác cảm ứng hoặc xem phim nghe nhạc; tăng hiệu ứng hoặc thêm tiện ích cho camera và hình ảnh; tối ưu hoặc tăng tiện ích bằng những ứng dụng liên quan đến các tính năng tích hợp trong smartphone như: thay đổi giao diện màn hình, báo thức, lịch làm việc, danh bạ, email, thời tiết, tin nhắn, gọi điện, ghi âm, cập nhật thông tin mạng xã hội, đọc tin tức… Theo thống kê của Business Insider trong 25 ứng dụng trả phí bán chạy nhất công bố đầu tháng 6/2013 của iOS thì đã có 20 ứng dụng thuộc về các trò chơi giải trí, nổi bật hơn cả vẫn là Angry Bird (Chim điên), Fruit Ninja (Chém trái cây)…, 5 ứng dụng còn lại thì chỉ một ứng dụng liên quan đến tính năng nghe – gọi qua mạng là Whatsapp và 4 ứng dụng kia là các tính năng, tiện ích mở rộng cho camera, định vị, hiệu ứng chỉnh sửa hình ảnh, tiện ích vẽ tương tác cảm ứng. Với từ khóa “VietTV” trên hai kho ứng dụng thì Android có nhiều ứng dụng miễn phí hơn. Tương tự, đối với ứng dụng miễn phí cho iPhone và iPad thì các hãng thứ ba cung cấp tiện ích mở rộng lại chiếm đa số. Cụ thể là các “đại gia” như Google và Facebook thống lĩnh, đi kèm với các ứng dụng nhỏ được nhiều người dùng ưa thích tải về. Chẳng hạn. Google có tới 4 trong số 25 ứng dụng dẫn đầu là: YouTube, Google Search, Google Earth và Google Maps. Trong đó, đáng lưu ý là Google Maps chỉ vừa được phát hành khoảng 5 tháng và ứng dụng YouTube cũng chỉ mới phát hành vào tháng 10/2012. Tương tự, Facebook cũng có tới 3 ứng dụng lọt vào danh sách, bao gồm Instagram, Facebook và Facebook Messenger, trong đó ứng dụng Facebook đứng ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Còn Google Play sở hữu nhiều ứng dụng và trò chơi miễn phí hơn so với App Store vì thế người dùng Android cũng sẽ được lợi hơn. Nhiều công ty nghiên cứu thị trường đã từng thống kê và đưa ra nhận định chung là người dùng của Android trẻ hơn, năng động, chịu chơi hơn, sẵn sàng thỏa hiệp khi được dùng miễn phí và chấp nhận quảng cáo kèm theo sản phẩm. Do vậy có thể nhận định kho Google Play thực sự là “thiên đường miễn phí” dành cho những người chỉ thích giải trí toàn diện với mọi thể loại từ trò chơi, xem phim, nghe nhạc… cho đến các tiện ích mở rộng khác. Hãng Gameloft, nhà sản xuất trò chơi hàng đầu cho thiết bị di động có khoảng 72 trò chơi dành cho hệ điều hành Andorid, trong đó có 30 trò chơi được tải về miễn phí. Còn với iOS thì hãng có đến 115 trò chơi nhưng số lượng trò chơi tải về miễn phí chỉ ở mức 18. Trong khi đó, kho ứng dụng Windows Store vẫn tập tễnh những bước đi đầu tiên bởi quá chậm trễ trong việc đầu tư cho các lập trình viên hoặc nhà sản xuất thứ ba có điều kiện phát triển ứng dụng. Những ứng dụng của Window Store vẫn tập trung theo công thức nêu trên gồm trả phí và miễn phí, nhưng chưa có nhiều nhà sản xuất đẩy mạnh sản phẩm giải trí cho hệ này nên thiếu sức thu hút. Chẳng hạn như với Gameloft, nhà sản xuất này có 16 trò chơi cho kho ứng dụng, nhưng chỉ có 1 trò chơi được miễn phí. Còn BlackBerry World là một kho ứng dụng chỉ phù hợp cho những tín đồ trung thành với sản phẩm của hãng, mặc dù kho ứng dụng này khá phong phú nhưng chỉ dành cho những người biết cách khai thác và chịu trả tiền cho việc dùng ứng dụng. Khảo sát những ứng dụng đang có trên BlackBerry World thì các ứng dụng trả tiền chiếm đa số so với miễn phí. Gameloft có khoảng 115 trò chơi cho kho ứng dụng nhưng không có bất cứ một trò miễn phí nào. Ứng dụng giải trí chiếm đa số Cùng là trò chơi miễn phí được nhiều người tải về, nếu iOS có Chim điên với đồ họa 2D, cách chơi thú vị, đơn giản và dung lượng nhẹ nhàng thì Android sẵn sàng cung cấp những trò chơi 3D cao cấp như Blood and Glory với đồ họa đẹp, cách chơi không đơn giản, đòi hòi tính thử thách cao hơn. iOS là kho ứng dụng được nhiều người dùng quan tâm bởi có khá nhiều trò chơi giải trí từ đơn giản đến phức tạp, có cốt truyện hoặc nội dung dẫn dắt người chơi bước vào các cuộc phiêu lưu. Tuy nhiên, người dùng tiếp cận giải trí trên iOS cũng được chia làm 2 dạng rõ nét là trả phí và miễn phí. Phần miễn phí với những ứng dụng giải trí nổi tiếng như Chim điên, Chém trái cây… chiếm đa số cộng đồng người dùng, còn phần trả phí tuy rất đa dạng nếu so sánh với Android bởi có nhiều trò chơi giải trí hoành tráng hơn nhưng tính phổ biến lại không cao. Đặc biệt là ở môi trường người dùng tại Việt Nam, đa phần sử dụng các thiết bị dùng iOS bẻ khóa để cài đặt ứng dụng nên hạn chế hơn, không có nhiều trò chơi 3D kiểu “bom tấn” được phổ biến trực tiếp từ App Store như: Infinity Blade, Modern Combat, Asphalt… Tương tự, các ứng dụng trình chiếu phim hoặc xem phim trực tuyến qua mạng cũng có sự phân nhánh rõ nét bởi ứng dụng trả phí trên iOS mặc dù đa dạng hơn, có nhiều tính năng độc đáo nhưng không nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam do thói quen tiêu dùng “miễn phí”. Riêng các ứng dụng giải trí để xem phim, nghe nhạc hoặc truyền hình trực tuyến hỗ trợ tiếng Việt trên iOS chịu sự ràng buộc bởi những điều khoản của Apple khắt khe hơn Android nên phân biệt rõ ràng giữa chất lượng hình ảnh, nguồn phim, số lượng. Cụ thể, các nguồn dữ liệu có thể trích dẫn từ Youtube hoặc tự tạo một máy chủ cá nhân và cung cấp miễn phí cho người dùng nhưng với chấp lượng hình ảnh kém hoặc số lượng giới hạn. Tuy nhiên khi cập nhật những nguồn phim mới, chất lượng HD hoặc cập nhật thêm những kênh truyền hình bản quyền thì buộc lòng phải chuyển qua thành các ứng dụng trả tiền. Thử nghiệm khảo sát trên kho ứng dụng iOS với từ khóa “VietTV” thì chỉ có 6 ứng dụng liên quan, trong đó có 3 miễn phí và 3 trả phí. Với từ khóa tương tự trên kho ứng dụng Google Play thì có đến 13 ứng dụng miễn phí liên quan đến việc xem truyền hình tiếng Việt. Tương tự, với từ khóa “phim” thì kho ứng dụng của Android có khoảng 1000 ứng dụng liên quan, trong khi iOS có con số khiêm tốn, chỉ bằng khoảng ¼. Kho Android có nhiều “món” miễn phí được hỗ trợ trực tiếp từ kho ứng dụng nên người dùng khá thoải mái trong việc lựa chọn tải về. Chẳng hạn với những trò chơi hành động 3D “bom tấn” thì Android luôn có nhiều trò miễn phí hơn như Blood and Glory, Frontline Commandos, Dungeon Hunter, Eternity Warriors… Đa phần trò chơi dạng này có tính thử thách khá cao do nhà sản xuất đặt ra tiêu chí: nếu muốn dành chiến thắng người chơi phải nâng cấp vũ khí hoặc các tiện ích bên trong. Tuy nhiên với những game thủ thực thụ thì đây cũng là một thử thách thú vị, nâng cao thêm tính hấp dẫn, bởi khi người chơi đạt mức chuyên nghiệp thì không cần sự nâng cấp tiện ích vẫn có thể vượt qua với vài chục giờ chơi… Đây chính là sự thu hút thật sự của kho ứng dụng, bởi vừa được chơi miễn phí, vừa thưởng thức hình ảnh, âm thanh với chất lượng cao hơn rất nhiều nếu so với iOS chỉ có những trò chạm, quẹt đơn giản trên màn hình. Ngoài ra, kho ứng dụng của Android đang chứng kiến một sự bùng nổ mới từ các nhà sản xuất ứng dụng tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí xem phim nghe nhạc. Chẳng hạn Zing đã cung cấp các ứng dụng liên quan như ZingTV, ZingMp3… để người dùng tải về và xem phim hoặc nghe nhạc trực tuyến từ máy chủ đặt ở Việt Nam. Nhờ vậy, tốc độ đường truyền xuyên suốt hơn, ít bị nghẽn mạng, khả năng xem phim, nghe nhạc trực tuyến tốt hơn, giúp tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị. Thậm chí, việc xem phim đã “nâng cấp” sang một bước mới với các ứng dụng xem phim chuẩn HD vừa ra mắt như HDViet… Đây là ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh, bởi trong vòng 3 tháng trở lại đây, ứng dụng này đã gần đạt mốc 500.000 ngàn lượt tải về. Cần lưu ý thêm, ứng dụng HDViet cũng có trên App Store nhưng phiên bản chạy không hiệu quả so với Andorid đang được nhà sản xuất chăm chút và cập nhật liên tục. Tuy nhiên có một thực tế khá phũ phàng xuất hiện ở cả hai kho ứng dụng của iOS và Android chính là có nhiều ứng dụng “đồi trụy” đang được Việt hóa công khai. Các ứng dụng này sử dụng các máy chủ làm nhiệm vụ cung cấp nội dung gợi tình, thậm chí công khai hơn là các đoạn phim “người lớn” mời gọi nhắn tin với cước phí 15.000 đồng/lần. Tất cả đều không có bất cứ sự sàng lọc nào ngoài việc xếp đặt vào thư mục “người lớn” và nếu vô tình trẻ em truy cập vào thì rất nguy hại. Hãng bảo mật Trend Micro vừa thống kê số lượng ứng dụng Android độc hại và rủi ro cao được đưa ra ít nhất là 350.000 vào cuối năm 2012 và con số này có khả năng sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối năm 2013, ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của chính hệ điều hành. Ngoài ra, bên cạnh việc tăng số lượng, phần mềm độc hại trên Android đang trở nên tinh vi hơn và tạo cơ hội cho tội phạm phát triển, người dùng dễ dàng bị móc túi bằng tin nhắn hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân nhạy cảm lưu trên máy. Nhìn chung, ứng dụng giải trí đang có một sức thu hút khiến người dùng mua các thiết bị di động nhiều hơn. Trong đó, đa phần các ứng dụng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu chơi game trên các thiết bị di động. Đối với các thiết bị sử dụng iOS thì có nhiều hạn chế hơn so với Android bởi vấn đề bản quyền, trả phí và các ứng dụng miễn phí ít hơn. Còn Android thật sự là một “thiên đường giải trí” cho người dùng khi lựa chọn thiết bị bởi có rất nhiều “món” miễn phí hấp dẫn, nhưng kèm theo là rủi ro cũng rất lớn: mã độc, chèn quảng cáo hoặc tự động kích hoạt nhắn tín “móc túi”, bị đánh cắp thông tin… là điều không tránh khỏi. Nguồn PC World VN