Các nhà khoa học tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã kết hợp hình ảnh chụp cắt lớp não bộ của đối tượng với các bài kiểm tra đọc. Từ đó, họ phát hiện ra một số khu vực trong não bộ có chức năng giúp con người đọc. Qinghua He-tác giả của nghiên cứu, hiện đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện não và sáng tạo USC (Mỹ), cho biết: "Đọc sách là hành vi phức tạp, cần sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều phần não bộ khác nhau". Nghiên cứu này xem xét mối tương quan giữa khả năng đọc và cấu trúc não bộ thông qua hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) của hơn 233 người tham gia có cùng độ tuổi và trình độ học vấn (sinh viên đại học); thuận tay phải (những người thuận tay trái sử dụng bán cầu não trái để đọc) và có ngôn ngữ giống nhau (nói tiếng Trung Quốc, sử dụng ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh hơn 9 năm). Đầu tiên, nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 7 bài kiểm tra đọc khác nhau của các đối tượng tham gia. Mục đích để khám phá ba khía cạnh của khả năng đọc: khả năng giải mã âm vị học (khả năng phát âm); sự liên tưởng âm thanh (khả năng liên tưởng một từ mới với âm thanh); và tốc độ nói (làm thế nào những người tham gia nhanh chóng đọc to). Trên cơ sở dữ liệu này, họ tiến hành so sánh và đối chiếu với kết quả chụp cộng hưởng từ những người tham gia Giáo sư Gui Xue, Đại học Bắc Kinh, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Kết quả cho thấy khả năng đọc được hỗ trợ bởi hệ thần kinh riêng biệt, tương đối độc lập với khả năng nhận thức chung". Phát hiện này mở ra cơ hội cho các cá nhân gặp khó khăn trong việc đọc. Có thể họ chỉ cần rèn luyện thêm cho phần não bộ đặc biệt này. Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu làm thế nào để nâng cao khả năng đọc của mỗi cá nhân. "Nghiên cứu sẽ cho phép chẩn đoán sớm những người gặp khó khăn khi đọc và phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả", Xue nói. Nguồn KhoaHoc.com.vn