Iqbal Arshad, Phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm của Motorola, cho rằng những người chỉ trích Moto X đã không hiểu được thiết kế mang tính cách mạng của sản phẩm mới. Smartphone của Google (do bộ phận Motorola sản xuất) được xếp ngang hàng với những điện thoại cao cấp trên thị trường như Apple iPhone 5, Samsung Galaxy S4, HTC One. Tuy nhiên, không ít chuyên gia công ngệ cho rằng, nếu xét riêng về cấu hình thì Moto X không ngang tầm với đối thủ. Nhiều bình luận trên mạng xã hội như Facebook, Twitter cho rằng có thể Moto X vẫn hoạt động mượt mà, nhưng nó sẽ khó thuyết phục người tiêu dùng bỏ ra 199 USD (với hợp đồng thuê bao 2 năm) hoặc 575 USD để mua một thiết bị "sử dụng công nghệ của năm ngoái". Arshad cho rằng sản phẩm của họ đã bị hiểu sai, chẳng có gì gợi nhớ đến "năm ngoái" trên Moto X. Thậm chí, ông cho rằng đây là "điện thoại tân tiến nhất trên thị trường tại thời điểm này". "Tôi nghĩ những người quá coi trọng việc so sánh cấu hình đơn giản đã không hiểu về thiết kế của sản phẩm", Arshad nói. Moto X (giữa) về mặt cấu hình có vẻ kém đối thủ, nhưng lại hoạt động thông minh hơn theo lời đại diện Mototola. Hai lời than phiền chính về Moto X là máy sử dụng chip lõi kép của Qualcomm trong khi Galaxy S4, HTC One ra mắt đầu năm đã có chip lõi tứ. Thứ hai là màn hình chỉ có độ phân giải HD 720p với mật độ điểm ảnh 312 pixel mỗi inch dù các dòng smartphone cao cấp năm 2013 đã chuyển sang Full HD. Tuy vậy, kiến trúc của thiết bị mới có phần khác biệt so với các smartphone khác. Thay vì dựa vào các chip đa lõi để thực hiện mọi tác vụ trên máy, Motorola tạo ra hệ thống X8 bao gồm một tổ hợp các vi xử lý, trong đó mỗi vi xử lý đảm nhận các chức năng khác nhau. Thành phần chính của X8 là chip lõi kép S4 Pro 28 mm tốc độ 1,7 GHz được Qualcomm tùy biến riêng cho Moto X. Phần còn lại là 2 chip tiêu thụ điện năng thấp của Motorola giúp nhận biết các cử chỉ (như lắc máy) hay xử lý ngôn ngữ (cho công nghệ nhận diện giọng nói). Arshad cho hay kiến trúc này giúp thiết bị "luôn sẵn sàng" mà không lo kiệt pin. Người dùng cũng có thể kích hoạt một số ứng dụng không cần chạm vào nút bấm nào, như chỉ cần nói "Ok, Google Now" để tra cứu, tìm đường... "Moto X dùng chip lõi kép, nhưng mọi người cần hiểu là trên các thiết bị di động, thêm lõi không đồng nghĩa với việc thiết bị sẽ hoạt động tốt hơn hay chạy nhanh hơn. Thực tế, hiếm có khi nào có nhiều hơn 2 lõi hoạt động cùng một thời điểm. Thị trường đòi hỏi mọi thứ ra đời ở giai đoạn này phải có cấu hình thế này, màn hình thế kia. Nhưng Motorola chỉ nghĩ đến chuyện thay đổi cách smartphone hoạt động. Những chiếc máy tính di động mà chúng ta đang mang theo bên mình không thực sự thông minh. Ý tôi là, có thứ gì bạn thực hiện trên Galaxy S4 (sản phẩm năm 2013 của Samsung) mà lại không làm được trên Galaxy S3 (sản phẩm ra đời năm ngoái) không? Câu trả lời là không. Chúng tôi muốn thay đổi cách mọi người tương tác với thiết bị mà không khiến họ phải hy sinh thời lượng pin", vị Phó chủ tịch Motorola nhấn mạnh. Arshad cho hay sẽ khó để mọi người hiểu được khi họ đã được "đào tạo" để luôn nhìn vào cấu hình khi mua máy. Họ đếm từng mật độ pixel để so sánh, như Galaxy S4 hay LG G2 vừa trình làng ngày 7/8 có độ phân giải Full HD. Tuy nhiên, thực tế là mắt người không phân biệt rõ các độ phân giải trên 300 pixel mỗi inch, nhưng lại thấy được sự khác nhau về độ tái tạo màu sắc. Màn hình của Moto X là màn hình tiêu chuẩn RGB (mỗi điểm ảnh hiển thị được 3 màu là đỏ, xanh lá và xanh dương - Red, Green, Blue) trong khi với cấu trúc PenTile mà Samsung hay dùng, một điểm ảnh chỉ có thể hiển thị hai màu (xanh lá và đỏ, hoặc xanh lá và xanh dương). Về chuyện Moto X sử dụng Android 4.2.2 thay vì 4.3, Arshad thừa nhận Motorola là một bộ phận của Google nhưng lại hoạt động hoàn toàn độc lập với nhóm phát triển Android. Nhóm này chỉ làm việc với các đối tác được mời sản xuất thiết bị Nexus và Google muốn đảm bảo mọi công ty trong hệ sinh thái của họ đều được đối xử công bằng. Châu An Nguồn: VNExpress