Các nhà khoa học về robot lại một lần nữa lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Tại Đại học California Berkeley (UCB) - Mỹ, Phòng Nghiên cứu mô phỏng sinh học đang phát triển một robot mang tên STAR (Sprawl Tuned Autonomous Robot) có khả năng gập thân theo nhiều góc độ khác nhau, dựa theo khả năng di chuyển cơ thể của loài vật. STAR có thể gập 2 chân 2 bên từ vị trí 60 độ phía trên sang 90 độ phía dưới thân. Nhờ thế, robot này có khả năng thay đổi độ cao của cơ thể, góc chân chạm mặt đất và dịch chuyển trọng tâm trọng lượng. Nói cách khác, robot này có thể chuyển động cơ thể như các loài côn trùng để thích nghi với môi trường, luồn bên dưới kẽ hở, di chuyển qua các vật cản và bò với tốc độ cao. Bộ chân đặc biệt gồm 6 chong chóng cực kỳ hiệu quả cũng là một yếu tố quan trọng giúp STAR đạt vận tốc cực nhanh, lên đến 5,2 m/giây, trên bề mặt phẳng hay thậm chí gồ ghề. Robot ở 3 vị trí nằm khác nhau. (Nguồn: Phys.org) Robot STAR chỉ nặng 73g, dài 12cm, với cơ thể bao gồm bảng mạch điều khiển, pin và camera. Các bộ phận của STAR được sản xuất bằng công nghệ in 3D nên có thể dễ dàng thay thế, sửa chữa và thử nghiệm. Thời gian để lắp ráp một robot STAR chỉ tốn 30 phút. Công việc sản xuất thân, chân và bánh răng đều được thực hiện bởi máy in 3D ProJet 3000 với độ chính xác lên đến 0,05mm. STAR chỉ là một trong hàng loạt dự án của Phòng Nghiên cứu mô phỏng sinh học thuộc UCB. Các nhà khoa học về robot tại đây đã phối hợp sát sao với những nhà sinh vật học để có thể đem các khả năng di chuyển, vận động, truyền động, cảm biến và phương thức điều khiển từ thế giới loài vật để áp dụng trong công nghệ robot. Thành tựu robot mô phỏng các loài côn trùng như STAR có thể áp dụng để tạo nên robot cứu nạn và khảo sát. Nguồn KhoaHoc.com.vn