"Tôi phải thường xuyên gội đầu buổi trưa vì tóc có mùi mồ hôi rất khó chịu. Hiện tôi là sinh viên năm hai đại học nhưng chưa bao giờ có bạn trai, cũng chưa dám hôn ai chỉ vì sợ họ ngửi thấy cái mùi kinh khủng ấy", một nữ sinh tâm sự. Chia sẻ về "nỗi buồn thầm kín" của mình trên trang Huffingtonpost, Corrin, một nữ sinh đại học cho biết, kể từ năm học lớp 8, cô bắt đầu nhận thấy tóc mình bốc mùi rất khó chịu. Tình trạng này khiến Corrin mất đi sự tự tin khi giao tiếp. Thậm chí trong chuyện tình cảm, cô không dám nhận lời yêu ai chỉ vì sợ khi hôn nhau, người đó sẽ "chạy mất dép" nếu ngửi thấy cái mùi khủng khiếp ấy. Ảnh minh họa: News. Theo phân tích của bác sĩ, thỉnh thoảng tóc và da đầu của mọi người bốc ra một mùi khó khịu, có thể là mồ hôi, bụi bẩn và do bận rộn nên ta không có thời gian để tắm gội. Đó là điều bình thường. Tuy nhiên đối với những người mắc phải căn bệnh có tên gọi là “Hội chứng tóc có mùi” (SHS) thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ và cuộc sống của họ. Như Sierra, một nữ nhân viên văn phòng nói: “Vì tính chất công việc nên tôi phải đến công ty hằng ngày. Các đồng nghiệp tỏ ra rất khó chịu mỗi khi tôi xuất hiện vì mùi hôi bốc ra từ tóc tôi. Họ thực sự không hiểu tôi đã phải khó khăn, khổ sở như thế nào để cố khắc phục tình trạng này”. Triệu chứng nổi bật nhất của căn bệnh "Tóc có mùi" là trên da đầu và tóc bốc ra mùi hôi rất khó chịu. Có người diễn tả mùi đó hôi như là tã lót dơ của trẻ sơ sinh, người khác lại bảo nó giống như mùi của sữa chua, cỏ khô bị mốc, mùi giày cũ hoặc tất dơ hay thậm chí là mùi chất nôn mửa. Một số người còn cho biết, tóc họ có mùi hôi như thể hàng trăm con ruồi bu quanh đầu vậy. Một điểm chung đó là mùi hôi ấy mạnh đến mức ai cũng dễ dàng ngửi thấy. Những người mắc phải căn bệnh SHS này đều phàn nàn, họ đã cố gắng tắm gội thật đều đặn nhưng dường cái mùi đáng ghét ấy vẫn không mất. Thậm chí mùi bốc ra ngay sau khi vừa gội đầu hoặc sau đó một, hai ngày. Ngoài mùi hôi, một số bệnh nhân còn có cảm giác như da đầu bị bong tróc và ướt nhẹp. “Chúng tựa như một lớp bột dày được trộn với dầu rắc lên đầu của tôi vậy”, một nữ bệnh nhân than thở. Nguyên nhân bệnh và phương pháp chữa trị Ban đầu, bệnh SHS được cho rằng là do chứng viêm da tiết bã nhờn (căn bệnh thường gây ra những vảy mỡ nhờn ở da đầu). Tuy nhiên, theo phân tích của các bác sĩ trên trang Mayo Clinic thì mùi hôi bốc ra từ da đầu bị bong tróc như mô tả của những người bệnh thì có thể không phải do chứng viêm da tiết bã nhờn. Trong vài trường hợp cá biệt, ngay cả bác sĩ điều trị cũng không thể xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra căn bệnh này. Không thỏa mãn với những lời giải thích chuyên môn, nhiều bệnh nhân đành phải tự tìm phương pháp chữa trị theo cách riêng của mình. Họ làm tất cả mọi thứ, bao gồm cả việc dùng tất cả các loại dầu gội trị liệu như nhưng không thành. Một số chuyển sang dùng những sản phẩm từ lá trà vì nghĩ rằng đặc tính từ tinh dầu trà có tác dụng chống nấm. Tuy nhiên hầu hết những dầu gội đầu chiết xuất từ tinh dầu trà lại chứa rất ít tinh dầu tự nhiên nên không có kết quả. Có nhiều người tuyệt vọng đến mức thử cả những dầu gội dành cho thú vật... Một số bệnh nhân không sử dụng đến những sản phẩm bán trên thị thường mà quay về những bài thuốc dân gian như sử dụng nước chanh, soda nóng, giấm táo, dầu dừa, lô hội, những loại bổ sung chất diệp lục và hỗn hợp quế và mật ong. Có những người thậm chí còn dùng tới cả nước rửa tay để bôi lên da đầu từ hai đến ba lần một ngày. Thậm chí vài người còn áp dụng một phương pháp trị bệnh khá cầu kỳ và phức tạp: “Tôi đến một thẩm mỹ viện và họ bôi một thứ chất lỏng lên tóc của tôi, sau đó ủ toàn bộ tóc trong một bọc nhựa và bắt đầu xông hơi. Tiếp theo họ đưa tôi vào một quy trình 'trị liệu tần số', tức là dùng một thanh thủy tinh được gắn vào một cái máy và chúng phát ra một cái gì đó giống như là xung điện vậy". Tuy nhiên liệu pháp này cũng không hiệu quả. Các nhà chuyên môn về tóc cho rằng, chứng bệnh trên có thể khắc phụ được bằng cách khá đơn giản là sử dụng sữa tắm kháng khuẩn và xà phòng có chứa lưu huỳnh. Thực ra nguyên nhân chính gây hội chứng SHS là do vi khuẩn hoặc nấm. Chất kháng khuẩn (giống như Triclosan có trong sữa tắm kháng khuẩn) có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của vi khuẩn, còn lưu huỳnh thì có khả năng làm giảm lượng dầu tiết ra trên da đầu. Từ đó có thể loại bỏ “môi trường thức ăn” khiến nấm và vi khuẩn phát triển. Mỹ Hạnh (theo Huffingtonpost) Nguồn VNExpress