Con gái tôi năm nay 13 tuổi, đã dậy thì. Thời gian qua cháu hay cáu gắt, nổi nóng, tức giận, bướng bỉnh, tính thay đổi thất thường. Có những việc tuy đơn giản nhưng cháu cũng nổi cáu dám đánh người lớn, cự cãi, xưng hô vô lễ, mắt trợn lên, trách kể tội mọi người, gào khóc, thét lên... khiến tôi bị sốc và hết sức lo lắng. Mặc dù trước đây còn bé cháu cũng hay cáu và nổi nóng nhưng chỉ mức độ bình thường nhưng giai đoạn này thì khác hẳn. Vậy cháu có phải biểu hiện bệnh tâm thần không ạ? Bởi tôi thấy trẻ em khác dậy thì cũng không đến mức độ như vậy. Vậy xin chuyên gia cho biết tôi phải phải làm gì đây? Tôi xin chân thành cảm ơn - (Huyền). Ảnh minh họa: News. Trả lời: Chị Huyền thân mến, Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn. Đây là giai đoạn có những thay đổi mạnh mẽ cả về thể chất, chức năng, tinh thần, hành vi và tình cảm. Những thay đổi nhanh và mạnh về sinh lý và tâm lý là nguyên nhân xuất hiện khủng hoảng tâm lý lứa tuổi ở giai đoạn này. Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ thường có những biểu hiện như ít nói, lầm lì, hay cáu gắt, nổi nóng, bướng bỉnh, tính tình thay đổi bất thường. Thậm chí trẻ còn có những hành động quá đáng như chửi mắng cha mẹ, tỏ thái độ chống đối kịch liệt hay bỏ nhà đi… Trong thư chị cho biết con gái mình đã bước vào tuổi dậy thì và có những những biểu hiện về thái độ, hành vi và tình cảm khiến chị bị sốc. Khi so sánh với cháu trước đây và với những trẻ khác, chị thấy con mình có vẻ “bất thường” nên đặt nghi vấn cháu có biểu hiện gì của bệnh tâm thần hay không. Tuy nhiên, chị không nên lo lắng quá vì những biểu hiện dậy thì thường giống nhau ở mọi đứa trẻ nhưng khác nhau ở từng giai đoạn và mức độ biểu hiện. Với chị nói riêng và người lớn nói chung, có những sự việc tưởng chừng đơn giản và không nhất thiết phải nóng nảy, bực tức nhưng có thể với trẻ thì hoàn toàn ngược lại. Do vậy, chị không nên dùng lăng kính của người lớn để nhìn nhận, đánh giá và phán xét về thái độ, hành vi và tình cảm của trẻ trong giai đoạn này. Đến tuổi dậy thì, các em không còn là trẻ con nhưng cũng chẳng phải là người lớn nên quá trình tự nhận thức và đánh giá bản thân chưa thể như người lớn, nên việc cháu có những biểu hiện như chị mô tả là điều hoàn toàn có thể lý giải. Chị cũng không nên nghĩ rằng con mình có những biểu hiện của bệnh tâm thần vì khi nghĩ như vậy, bản thân mẹ đã dán nhãn cho chính suy nghĩ của mình và cho cả cháu nữa. Nhưng như tôi đã chia sẻ, biểu hiện ở tuổi dậy thì khác nhau ở mỗi trẻ. Do vậy chị đừng lấy trẻ khác để so sánh với con mình và áp dụng những phương pháp giáo dục giống nhau trên các em. Vì hồi nhỏ cháu cũng đã hay cáu gắt và nổi nóng nên thiết nghĩ chị Huyền nên xem lại cách dạy dỗ con trong gia đình. Không thiếu phụ huynh vì yêu con không đúng cách nên thường nhượng bộ, thậm chí là sợ mỗi khi con có yêu sách để rồi thiếu đi sự dạy dỗ và răn đe kịp thời. Chính thái độ này ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách biểu hiện của trẻ trong mối quan hệ với bố mẹ, gia đình và những người xung quanh. Trong gia đình, chị và ông xã cần hiểu rõ tâm tính của con để có cách dạy dỗ phù hợp cũng như có sự thống nhất nhau trong cách giáo dục nhằm tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ngoài ra, chị cũng nên quan tâm đến nhóm bạn của cháu vì ở tuồi này, bạn bè thường có sự tác động và ảnh hưởng lớn đến những sinh hoạt của các em trong cuộc sống thường ngày. Mong rằng vài chia sẻ và gợi ý trên sẽ giúp chị hiểu rõ hơn về sự thay đổi và phát triển của con trong giai đoạn này, từ đó giảm bớt đi những lo lắng để việc giáo dục con cái đạt hiệu quả. Thân mến. Chuyên viên tâm lý Từ Tâm Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc Nguồn VNExpress