Hai quả thận của con em ứ nước độ 1, từ lúc còn trong bụng mẹ. Sau 4 tháng, siêu âm bác sĩ bảo 1 quả ứ nước 1 đã khỏi. Sau 8 tháng siêu âm lại, 2 quả ứ nước độ 1. Xin hỏi bác sĩ có cách nào chữa trị? (Lý Văn Phúc) Ảnh: static. Trả lời Anh Phúc thân mến, Theo mô tả của anh rất có thể con anh có triệu chứng thận ứ nước hai bên mà nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ em do hẹp bẩm sinh khúc nối bể thận niệu quản, tức hẹp đoạn chuyển lưu nước tiểu từ thận xuống niệu quản trước khi xuống bàng quang. Bệnh này gọi là "thận nước", hay còn gọi "thận nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản". Bệnh có xuất độ một bé mắc trên 1.500 trẻ sinh ra ở các mức độ khác nhau, trong đó thận nước hai bên như con của anh chỉ chiếm 5%. Ngày nay sự phát triển của chẩn đoán tiền sản, trong đó vai trò siêu âm đã giúp phát hiện thận nước từ rất sớm, có thể từ tuần lễ thứ 16 của thai kỳ. Mức độ ứ nước được chia làm 4 độ từ 1 đến 4 với sự tăng dần trong kích thước, trong đó độ 4 là nặng nhất. Tuy nhiên siêu âm chỉ giúp chúng ta đánh giá về hình thể, nhưng về mặt chức năng thận và sự tắc nghẽn mới thực sự có vai trò quyết định hướng điều trị. Nếu như theo miêu tả của anh thì bé chỉ ứ nước độ 1 hai bên thì khả năng điều trị bảo tồn rất cao, tức là không mổ mà chỉ theo dõi bằng siêu âm và tái khám định kỳ mỗi 3 tháng. Khả năng tự cải thiện do quá trình rỗng hóa còn tiếp tục sau sinh cho đến khi bé một tuổi. Các mức độ ứ nước cao cần làm xạ hình thận để đánh giá chức năng và độ tắc nghẽn để có thái độ điều trị phù hợp. Về chế độ ăn uống không có gì thay đổi so với các trẻ khác cùng tuổi. Chúc anh và cháu luôn khỏe. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2 Nguồn VNExpress