Ngấp nghé cái chết vì mũi tiêm giảm đau lưng

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Aug 1, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 401)

    Bị đau lưng, bà Hiền, 47 tuổi (Mỹ Lộc, Nam Định) đến một cơ sở y tế tư nhân tiêm thuốc giảm đau. Sau 7 lần tiêm trong một tuần, bà thấy đau đùi, đau mông, mệt mỏi rồi rơi vào trạng thái hôn mê.


    Nhập Bệnh viện Việt Đức hôm 29/7, bà Hiền đã ở tình trạng từ mông tới gót chân phải sưng nề, chảy mủ đen và rất hôi, ấn vào da có tiếng kêu lép bép. Xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu suy đa tạng. Các bác sĩ hội chẩn đây là ca nhiễm trùng hoại thư sinh hơi chân nên đã mổ cấp cứu mở rộng vết thương, cắt lọc tổ chức hoại tử, để mở da hoàn toàn từ mông xuống chân. Hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc nặng, khả năng tử vong cao.

    [​IMG]
    Ảnh minh họa: Osteonaturals.com.

    Theo lời người nhà, gần đây, bà Hiền thấy đau lưng, đi khám được chẩn đoán gai cột sống. Bà đến nhà một nhân viên y tế tại địa phương để tiêm thuốc. Sau khi tiêm vài lần, người phụ nữ thấy ngày càng đau vùng mông và đùi. Đến khi bà bất tỉnh thì gia đình mới đưa lên Bệnh viện Việt Đức.

    Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, chủ nhiệm khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, có khả năng bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí Clostridium Perfringens qua vết tiêm ở mông. Đây là một loại vi khuẩn có độc tính cao, gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng, làm suy gan, thận, ảnh hưởng tới thần kinh. Những người bị bệnh tiểu đường hay mắc bệnh suy giảm miễn dịch khi bị vi khuẩn này xâm nhập dễ phát triển thành bệnh và tiến triển nặng hơn những người bình thường khác. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương được xử trí không đúng cách, nhất là các trường hợp có vết thương vùng tay, chân sau tai nạn xảy ra trên đường, nhiễm bẩn hay qua đường tiêm truyền không đảm bảo vô trùng như trường hợp của bà Hiền.

    Trước đây, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự sau tiêm thuốc, phải tháo bỏ khớp vai (nếu tiêm ở bắp tay) hay khớp háng (nếu tiêm ở bắp đùi). Những trường hợp tiêm ở mông như bệnh nhân Hiền thì khó cứu chữa hơn vì tổn thương lan rộng và bệnh nhân đến viện muộn.

    Theo bác sĩ, ở các đơn vị y tế tuyến dưới, rất nhiều bệnh nhân hễ đau lưng là tiêm corticoit - một loại kháng viêm mạnh nhưng như con dao hai lưỡi, có nhiều tác dụng phụ.

    "Khi bị bất cứ triệu chứng đau nào, cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để tìm nguyên nhân, xử lý tận gốc bệnh, không tùy tiện tiêm thuốc, nhất là tiêm ở các cơ sở không đảm bảo, vì nguy cơ nhiễm trùng cao cũng như dễ bị các biến chứng khác", bác sĩ khuyến cáo.

    Ông cho biết, khoảng 10-15 năm trước, Bệnh viện Việt Đức gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị áp xe mông sau khi tiêm một loại corticoit (K-Kort) để giảm đau khi bị đau dây thần kinh tọa, đau lưng... Những ca này chỉ gây biến chứng áp xe tại chỗ chứ không nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp nhiễm khuẩn của bệnh nhân Hiền.

    Bác sĩ Chính nhấn mạnh, tiêm truyền là can thiệp đơn giản nhưng có thể dẫn đến nhiều nguy cơ, vì thế cần phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, không được tùy tiện. Nhân viên y tế khi nhận được yêu cầu tiêm truyền của người bệnh cũng cần có giải thích rõ ràng, để người dân nhận thức đúng khi nào cần tiêm, khi nào không nên.

    Vương Linh

    * Tên bệnh nhân đã được thay đổi

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Ngấp nghé cái chết vì mũi tiêm giảm đau lưng

Share This Page