Biến chứng võng mạc do tăng huyết áp

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 30, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 414)

    Các biến chứng ở mắt do tăng huyết áp bao gồm tổn thương ở võng mạc, hắc mạc và thị thần kinh. Bệnh có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không hồi phục.


    Ngoài những biến chứng ở tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, gây tổn thương ở não, thận, mạch máu, tăng huyết áp còn dẫn đến nhiều biến chứng ở mắt.

    Bác sĩ CKII Phạm Văn Hoàng, Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết, huyết áp tăng cao kéo dài hoặc tăng đột ngột sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu ở võng mạc. Thành mạch máu bị tổn thương khiến các thành phần của máu thoát ra khỏi mạch máu. Xuất huyết, dịch thoát ra trên võng mạc gây phù võng mạc, lipid thoát ra trên võng mạc tạo thành xuất tiết. Đồng thời, mạch máu co lại gây thiếu máu ở võng mạc, thần kinh thị giác. Tất cả những tổn thương này dẫn đến mờ mắt. Những dấu hiệu trên đây chỉ được phát hiện bằng cách soi đáy mắt.

    [​IMG]
    Nếu huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều tổn thương ở mắt. Ảnh: Lê Phương.

    Theo bác sĩ Hoàng, tăng huyết áp vừa phải thường không có triệu chứng rõ rệt ở mắt, chỉ trong trường hợp tăng huyết áp ác tính (trên 200/140mmHg) mới có dấu hiệu như nhức đầu, mờ mắt, sợ ánh sáng. Người trẻ tuổi thường không biết mình bị tăng huyết áp nên khi có những triệu chứng này, họ không nghĩ là do biến chứng của tăng huyết áp. Thông thường người bệnh chỉ cảm thấy triệu chứng không rõ ràng như đau ngực, thở ngắn, khó thở khi vận động, khó thở vào ban đêm và khó thở lúc hồi hộp.

    Tăng huyết áp và tổn thương ở mắt thường chia thành 4 giai đoạn.

    Giai đoạn I: Bệnh nhân bị tăng huyết áp kéo dài, chưa có triệu chứng gì, tim và thận chưa bị ảnh hưởng. Khám đáy mắt chỉ thấy có động mạch co nhỏ.

    Giai đoạn II: Huyết áp cao hơn, chức năng tim thận vẫn còn tốt. Ngoài dấu hiệu động mạch võng mạc co nhỏ, còn có thêm dấu hiệu bắt chéo động tĩnh mạch mà chỉ có bác sĩ soi đáy mắt mới nhận biết được.

    Giai đoạn III: Huyết áp khá cao và kéo dài, tim và thận đã bị suy giảm khá nặng, bệnh nhân bị khó thở khi gắng sức. Ở giai đoạn này, đã có tổn thương ở não, tim, võng mạc và suy thận. Soi đáy mắt sẽ có thêm xuất huyết, xuất tiết ở võng mạc.

    Giai đoạn IV: Được xem là tăng huyết áp ác tính, huyết áp rất cao đi kèm với tổn thương nặng ở não, tim, thận và võng mạc. Khi soi đáy mắt, ngoài các dấu hiệu của giai đoạn III, sẽ có thêm phù gai thị.

    "Các tổn thương ở võng mạc càng ở giai đoạn nặng thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, tử vong càng cao. Nếu tăng huyết áp được kiểm soát tốt thì tổn thương ở võng mạc sẽ hồi phục. Một số bệnh nhân bị tổn thương võng mạc giai đoạn IV sẽ tổn thương vĩnh viễn ở thần kinh thị giác và hoàng điểm", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

    Tăng huyết áp sẽ làm cho người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh khác ở võng mạc như tắc động mạch trung tâm hoặc động mạch nhánh võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm hoặc tĩnh mạch nhánh võng mạc, phình động mạch võng mạc. Những biến chứng này có thể sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng khác ở võng mạc như xuất hiện tân mạch ở võng mạc, xuất huyết pha lê thể và màng trên võng mạc. Ở người đã bị bệnh võng mạc do tiểu đường, tăng huyết áp sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Phù gai thị kéo dài sẽ làm teo thần kinh thị giác, do đó mắt mờ rất nhiều.

    Bác sĩ Hoàng cho biết, bệnh có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không hồi phục. Kiểm soát huyết áp là phương pháp điều trị duy nhất. Nếu có các biến chứng khác ở mắt thì việc điều trị sẽ do bác sĩ chuyên khoa phụ trách. Chỉ có kiểm soát tốt huyết áp mới phòng ngừa được các tổn thương các mạch máu của mắt, cũng như các cơ quan khác như tim, thận và não.

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Biến chứng võng mạc do tăng huyết áp

Share This Page