Tinopal trong các mẫu bún tươi xét nghiệm tại Trung tâm sắc ký là loại dùng để sản xuất giấy và xà phòng. Các chuyên gia còn phát hiện trong các mẫu thực phẩm từ gạo có axit oxalic - chất rất độc và tuyệt đối không dùng cho thực phẩm. Thông tin được giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội hóa học TP HCM cho biết chiều 29/7 tại cuộc làm việc giữa Sở Y tế, Sở Công thương, các nhà khoa học và những doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bún ở thành phố. Ông Sơn hiện làm việc tại Trung tâm sắc ký Hải Đăng, nơi được các cơ quan chức năng thành phố gửi các mẫu bún tươi để phân tích và định danh chất Tinopal trong bún. Ông Sơn cho biết, loại Tinopal tìm thấy trong bún tươi là Tinopal CBS-X được dùng làm trắng trong sản xuất giấy và xà phòng. Ngoài ra các mẫu sản phẩm thực phẩm từ gạo mang đi xét nghiệm cũng cho thấy sự có mặt của axit oxalit, là chất rất độc và tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. Riêng chất bảo quản sodium benzoat có trong các mẫu hầu hết vượt ngưỡng cho phép, có mẫu vượt đến 1.000 mg trong một kg. Các chuyên gia thực phẩm khuyên không nên chọn bún có màu trắng bất thường. Ảnh minh họa: Thiên Chương “Trong sản xuất bột giặt, Tinopal CBS-X được phép sử dụng 0,1% với vai trò làm trắng. Trong sản xuất giấy, Tinopal CBS-X được dùng trong quá trình cuối cùng để làm giấy trắng sáng hơn. Đây là chất độc có hại cho sức khỏe, đặc biệt là khi tiếp xúc với mắt thì bị kích ứng rất mạnh”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, một trong những đặc tính của Tinopal CBS-X là khi cho vào bún sẽ bám rất chặt vào sợi bún nhờ liên kết với nhóm ammonium trên protein có trong gạo. “Điều này khiến việc xét nghiệm phát hiện Tinopal là cực kỳ phức tạp. Hiện không có báo cáo nào trên thế giới nói về việc xét nghiệm để tách Tinopal ra khỏi thực phẩm từ gạo như ở Việt Nam, bởi không ai làm như thế”, ông Sơn nói. Theo giáo sư Sơn, phần lớn mẫu bún mà trung tâm xét nghiệm có hàm lượng Tinopal không cao, nhưng đáng cảnh báo. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục An toàn thực phẩm TP HCM, trong quy trình làm bún thủ công, nếu vo gạo không tốt, gạo còn tạp chất thì bún sẽ chua và biến màu. Khi ngâm tách nước tốt thì sẽ giảm được tình trạng này. Cho nên cơ sở làm tốt việc ngâm tách nước thì bún vẫn có thể đẹp và chất lượng mà không cần dùng đến hóa chất. “Một số cơ sở vo không sạch thì dùng sunfit để cải thiện việc biến màu, tuy nhiên mức cho phép chỉ là 20 mg cho một kg. Với phụ gia bảo quản, benzoat được phép cho dùng nhưng cũng quy định mức cho phép là 1.000 mg một kg”, bà Mai nói. Bà Lê Thị Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM nói, hiện thành phố có 201 cơ sở sản xuất bún bánh tươi đăng ký hoạt động. Công tác thanh kiểm tra gần đây đã xử phạt 17 cơ sở bị xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm. Lấy 33 mẫu bún tươi xét nghiệm có 19 mẫu âm tính với Tinopal, các mẫu còn lại đang tiếp tục kiểm tra. Cũng theo bà Đào, từ nay đến ngày 10/8, Sở sẽ kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất và kinh doanh, lấy mẫu, phân tích đánh giá và công bố các cơ sở vi phạm. Sở Công thương TP HCM cũng phát mẫu cam kết với các cơ sở sản xuất cam đoan đảm bảo an toàn sản phẩm. Các loại bún vào siêu thị phải có bao bì và nhãn mác. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết ngày 10/8 sẽ hoàn tất việc kiểm tra các cơ sở bún tươi để trình Bộ Y tế, thông tin này cũng sẽ được Sở Y tế công khai. Những cơ sở sản xuất tốt và chưa tốt đều được nêu danh để người tiêu dùng lựa chọn. Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng kiểm tra, người dân có thể lựa chọn loại thực phẩm an toàn bằng việc tìm đến những điểm kinh doanh có uy tín, nên chọn những loại sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cuối tháng 6, các mẫu bún tại một cơ sở sản xuất tại quận 8 được phòng Y tế quận phát hiện có chứa chất tinopal. Đầu tháng 7, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lấy mẫu bún tươi, bánh phở, bánh canh trên thị trường đi xét nghiệm thì cũng phát hiện có Tinopal. Cùng thời điểm, một số mẫu bún tươi do Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM kiểm tra cũng dương tính với chất này. Thiên Chương Nguồn VNExpress