Mẹo phân biệt và chọn tai nghe chống ồn

Discussion in 'Kinh nghiệm - Thủ thuật' started by bboy_nonoyes, Jul 29, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 534)

    So với tai nghe chống ồn thụ động, tai nghe chống ồn chủ động hiệu quả hơn trong việc loại bỏ tạp âm từ môi trường, song có giá thành cao hơn nhiều.


    Để có thể chọn mua được một bộ tai nghe chống ồn ưng ý, trước hết bạn cần phân biệt 2 tính năng chống ồn thụ động (Noise isolating) và chống ồn chủ động (Noise canceling hay Active noise canceling).

    Sự khác biệt giữa chống ồn thụ động và chống ồn chủ động

    Về cơ bản, tai nghe chống ồn thụ động sẽ loại bỏ một phần tạp âm từ môi trường chủ yếu nhờ vào thiết kế các thành phần nguyên liệu như silicon, cao su, đệm mút (foam) giúp tạo ra một “lớp” cách âm tự nhiên giữa người nghe với môi trường bên ngoài. Trong khi đó, hầu hết các mẫu tai nghe chống ồn chủ động lại sử dụng các thành phần điện tử để loại bỏ các tạp âm từ môi trường.

    [​IMG]
    Tai nghe chống ồn thụ động được thiết kế để ngăn không cho các tạp âm từ môi trường lọt vào bên trong tai nghe. Ảnh: rha-audio.

    Hầu hết các tai nghe chống ồn thụ động thường sử dụng những dạng thiết kế phổ biến như around-ear, on-ear và IEM (in-ear monitor) để chế tạo tai nghe chống ồn thụ động. Vì 2 dạng tai nghe around-ear và on-ear headphones vốn có thiết kế lớp đệm mút dày (bọc da, nhung hay da nhân tạo) ôm kín hoặc tiếp xúc trực tiếp lên vành tai người dùng, riêng model IEM được nhét sâu vào ống tai – nên có thể dễ dàng tạo thành một “vách tường” ngăn cản những tạp âm từ môi trường lọt vào bên trong tai nghe. 2 củ tai của những mẫu tai nghe chống ồn thụ động này thường có thiết kế đóng (closed-back) để ngăn chặn tạp âm từ môi trường.

    [​IMG]
    Trong khi đó, tai nghe chống ồn chủ động sẽ dùng micro (bên trong củ tai) để "lắng nghe" các tạp âm không thể được loại bỏ bằng phương pháp thụ động và dùng mạch xử lý để tạo những âm thanh hoàn toàn trái ngược với tạp âm để khi kết hợp với nguồn âm thanh chính, tạp âm này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Ảnh: HowStuffWorks.

    Những bộ tai nghe chống ồn chủ động về cơ bản cũng có thể được thiết kế ngoại hình tương tự như các model tai nghe chống ồn thụ động. Tuy nhiên, bên trong củ tai của một bộ tai nghe Noise canceling lại được trang bị một micro để “lắng nghe” các tạp âm từ môi trường và một vi mạch điện tử để xử lý những tạp âm này bằng cách tạo ra những sóng âm trái ngược với tạp âm. Hầu hết các model tai nghe chống ồn chủ động thường hiệu quả hơn hẳn trong việc loại bỏ những dạng tạp âm có tần số thấp và nhất định như tiếng động cơ máy bay, tiếng máy điều hòa... Tuy nhiên, mạch xử lý tiếng ồn sẽ không thể hoàn toàn loại bỏ những dạng tạp âm luôn biến đổi tần số như tiếng người nói chuyện, tiếng trẻ em khóc...

    Một số lưu ý khi chọn mua và sử dụng tai nghe chống ồn

    Bên cạnh việc phân biệt sự khác biệt của 2 dạng chống ồn, người dùng cũng cần nắm rõ các kiểu thiết kế tai nghe khác nhau - vì mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng. Ví dụ, nếu chỉ cần một bộ tai nghe nhỏ gọn, có khả năng chống ồn và không quá đắt tiền, bạn có thể chọn một bộ tai nghe nhét tai (IEM) hỗ trợ chống ồn thụ động (noise isolation). Nếu cần một bộ tai nghe chống ồn chủ động mà không quan trọng về kích thước, bạn có thể chọn một model thiết kế dạng around-ear (củ tai lớn ôm trọn vành tai) vì thiết kế này cơ bản cũng có thể loại bỏ tạp âm một cách thụ động, nhưng ít gây khó chịu như kiểu thiết kế tai nghe on-ear (củ tai tiếp xúc trực tiếp lên vành tai).

    [​IMG]
    Bose QuietComfort 15 vừa chống ồn hiệu quả, vừa cho chất âm khá ngay cả khi không kích hoạt tính năng chống ồn. Ảnh: Bose.

    Mạch xử lý tạp âm trên các tai nghe chống ồn chủ động hoạt động nhờ năng lượng điện cấp từ pin bên trong củ tai. Một số loại sử dụng pin AAA, nhưng cũng có những model dùng pin sạc tích hợp sẵn bên trong. Với tai nghe sử dụng pin rời cần lưu ý bảo quản và thay thế pin đúng lúc, tránh tình trạng pin rò rỉ hóa chất gây hư hỏng tai nghe.

    Trong quá trình sử dụng tai nghe chống ồn chủ động, hãy tránh làm rơi rớt thiết bị, vì các thành phần điện tử bên trong có cấu tạo khá phức tạp và khó sửa chữa một khi đã hư hỏng. Với tai nghe chống ồn chủ động, người dùng không cần đầu tư thêm một bộ head-amp rời, vì đa số các model tai nghe này đều được trang bị mạch khuyếch đại tích hợp. Cơ bản chỉ cần một card âm thanh chất lượng hay một bộ chuyển đổi USB - analog gọn nhẹ là đủ.

    [​IMG]
    Sony MDR-NC33 (bên trái) và XBA-NC85D là 2 mẫu tai nghe chống ồn chủ động kiêm tính năng loại bỏ tạp âm thụ động nhờ thiết kế nhét sâu vào ống tai. Ảnh: Cnet.

    Một số model tai nghe Active noise canceling headphones cho chất lượng âm thanh không thật tự nhiên khi được kích hoạt tính năng chống ồn chủ động. Tuy nhiên, cũng có những model vừa chống ồn hiệu quả, vừa cho chất âm khá như Logitech UE 6000, Sony MDR-1RNC, Bose QuietComfort 15 hay Sennheiser MM450-X... Tuy vậy, cho dù có cơ hội tậu được một bộ tai nghe chống ồn chủ động có thể loại bỏ hầu hết mọi tạp âm của môi trường, đôi khi bạn sẽ vẫn nghe thấy những tạp âm có tần số cao, những tạp âm bất ngờ xảy ra từ môi trường bên ngoài.

    Cũng cần lưu ý rằng việc sử dụng tai nghe chống ồn ngoài đường phố (nhất là khi tham gia giao thông) hay những nơi đông đúc có thể gây nguy hiểm cho chính người nghe. Một số ít người cũng có thể sẽ cảm thấy nhức đầu và cảm giác màng nhĩ bị sức ép nhẹ khi sử dụng tai nghe chống ồn chủ động.

    Lâm Vũ

    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - Mẹo phân biệt và chọn tai nghe chống ồn

Share This Page